Phóng to |
Theo nhiều doanh nghiệp, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, thêm nguồn lực đầu tư - Ảnh: THANH ĐẠM |
Phóng to |
Thuế thu nhập doanh nghiệp tại VN so với các nước trong khu vực - Nguồn: WB - Ảnh: T.Đạm - Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
* Ông Quách Đức Pháp (nguyên vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính):
Mong ý kiến của Chủ tịch Quốc hội thành hiện thực
Tôi rất mong ý kiến của Chủ tịch Quốc hội sẽ thành hiện thực. Không nên đặt lộ trình giảm thuế TNDN từ 25% xuống 23% rồi mới 20% trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, doanh nghiệp thì chật vật để tồn tại. Tình hình này không chỉ dừng lại trong năm nay mà còn có thể diễn ra vài năm tới. Do vậy, nên giảm ngay thuế suất thuế TNDN xuống 20% và áp dụng ngay trong năm 2014.
Còn việc Bộ Tài chính cho rằng giảm thuế 2% sẽ khiến ngân sách giảm thu hơn 14.000 tỉ đồng mỗi năm, đó là lý thuyết để tính toán. Nhưng thực tế nhiều khi không hẳn vậy. Nếu Nhà nước giảm thuế một mức phù hợp sẽ tạo động lực cho sự phát triển. Lúc đó, việc giảm thu ngân sách không xảy ra mà ngược lại còn tăng lên. Vì doanh nghiệp được hỗ trợ vừa bằng vật chất vừa bằng tinh thần. Số tiền hơn chục ngàn tỉ tiền thuế đó đúng ra phải nộp cho Nhà nước nhưng doanh nghiệp được giữ lại để thêm vốn kinh doanh. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ tinh thần cũng sẽ rất tích cực cho doanh nghiệp lúc này. Doanh nghiệp cảm nhận được sự đồng lòng, sẻ chia khó khăn của Nhà nước. Khi một anh được hỗ trợ thì sẽ kéo các doanh nghiệp khác - tức là bạn hàng - được hỗ trợ theo. Phải hiểu là doanh nghiệp A có điều kiện để mở rộng sản xuất thì doanh nghiệp B và C cũng có thêm việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Đây là lợi ích kép cho mọi đối tượng trong xã hội chứ không chỉ nhìn hẹp ở góc độ chỉ những doanh nghiệp làm ăn có lãi thực hiện nghĩa vụ thuế được hưởng lợi từ việc giảm thuế này.
* Ông Tom McClelland (chủ tịch Ủy ban thuế - Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu - EuroCham):
Giảm thuế để thu hút đầu tư nước ngoài
Nên giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20% và áp dụng mức thuế suất này trong thời gian sớm nhất có thể. Một số nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Myanmar đang thu hút đáng kể đầu tư trực tiếp nước ngoài qua việc ưu đãi thuế và có hệ thống thuế minh bạch, rõ ràng. Như Thái Lan, năm 2013 có kế hoạch giảm thuế suất thuế TNDN xuống 20%. Theo kinh nghiệm của EuroCham, rõ ràng các nhà đầu tư mới xem Malaysia, Thái Lan là những điểm đầu tư thay thế thị trường Việt Nam khi các chế độ ưu đãi thuế của các nước nhìn chung thuận lợi hơn Việt Nam.
Mặt khác, ngoài việc giảm thuế suất thì Việt Nam cần cân nhắc cho phép doanh nghiệp được khấu trừ chi phí. Mặc dù chính sách thuế TNDN của Việt Nam hiện nay đã chuyển từ quy định cho phép tính chi phí một số khoản chi sang quy định cho phép trừ mọi khoản chi liên quan đến sản xuất kinh doanh, tuy nhiên trên thực tế cách nhìn về các khoản chi liên quan đến sản xuất kinh doanh còn hẹp. Chẳng hạn khấu trừ chi phí quảng cáo, khuyến mãi còn bị khống chế ở mức chung là 10% và 15% tổng số chi phí hợp lý, hợp lệ. Việc giới hạn chi phí quảng cáo làm Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với các nước, nhất là các nước trong khu vực có mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn Việt Nam.
* Ông Trần Du Lịch (phó trưởng đoàn chuyên trách - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):
Chậm rồi, đừng chần chừ
Cá nhân tôi đã đề xuất việc giảm thuế TNDN từ mức 25% xuống còn 20% từ năm 2012 và đề xuất áp dụng ngay trong năm 2013 này. Thật ra việc sửa đổi luật cũng không khó gì, vấn đề là Chính phủ cần thấy đây là việc nhất thiết phải làm, phải giải quyết ngay. Nếu chúng ta giảm thuế, dù số tiền thu thuế có thể giảm nhưng số doanh nghiệp đóng nhiều thì vẫn tốt hơn giữ mức thuế cao mà doanh nghiệp không thể tạo ra lợi nhuận để đóng.
Hơn nữa, sau khi chúng ta đã có quyết sách quyết liệt trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp thì bản thân doanh nghiệp cũng cần có một chiến lược đầu tư dài hạn. Giảm thuế cũng là một cách rất hiệu quả để kích thích doanh nghiệp có niềm tin trở lại với việc kinh doanh, thay vì mang tâm lý chán nản, buông xuôi như hiện nay.
* Ông Đỗ Duy Thái (phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN):
Động lực để tăng nguồn thu
Tôi cho rằng khi thuế TNDN được giảm xuống 20%, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước sẽ có cơ hội cạnh tranh công bằng và bình đẳng hơn với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khi vấn nạn chuyển giá của khối doanh nghiệp này gần như chưa thể kiểm soát. Giảm thuế cũng sẽ không làm thất thu như Bộ Tài chính tính toán, mà sẽ còn làm tăng nguồn thu khi “động lực” để doanh nghiệp... trốn thuế cũng sẽ bị triệt tiêu.
Trước đây thuế TNDN là 28%, khi giảm xuống còn 25%, ngay năm đầu tiên tiền thu thuế của Nhà nước đã cao hơn rất nhiều so với lúc doanh nghiệp phải đóng 28%. Mà với tình hình kinh tế quá khó khăn hiện nay, nếu Nhà nước vẫn giữ quan điểm tận thu thì tôi tin chắc rằng số doanh nghiệp còn đủ sức để đóng thuế cho Nhà nước sẽ không còn là bao...
* Bà Nguyễn Thị Kim Yến (phó tổng giám đốc Công ty cổ phần nhựa Bình Minh):
Đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại
Nếu mức thuế TNDN được giảm xuống 20% và áp dụng trong năm 2014, chúng tôi tính toán sẽ có khoảng 20 tỉ đồng được “nằm lại” và sẽ sử dụng khoản tiền này để làm chương trình chống lại những sản phẩm làm giả sản phẩm của Bình Minh. Thay vì đi vay ngân hàng hoặc phải chờ tích lũy thêm một thời gian, Bình Minh có thể mạnh dạn làm ngay chương trình này. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ có cơ hội tích lũy vốn cho việc tái đầu tư, mua sắm máy móc trang thiết bị để đưa giá thành về mức cạnh tranh nhất so với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường. Đây chính là điểm mấu chốt giúp các sản phẩm mang thương hiệu Việt đủ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Thái Lan... tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu sang các nước.
* Ông Lê Hồng Thắng (tổng giám đốc Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành):
Yên tâm sản xuất
Việc giảm thuế TNDN sẽ giúp Đức Thành có thêm được đơn hàng xuất khẩu từ việc giảm giá bán cho nhà đặt hàng. Khi có thêm đơn hàng, chúng tôi sẽ duy trì được việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho họ. Khi mọi thứ ổn định, bền vững thì doanh nghiệp mới yên tâm sản xuất, mới tạo ra được lợi nhuận để đóng thuế. Với Đức Thành, việc tích lũy kinh phí đầu tư vào việc cải tiến mẫu mã, mua sắm thiết bị chuyên dụng không phải dễ dàng, mà phải chắt chiu từng đồng và mất thời gian khá lâu mới thực hiện được. Chính vì vậy, mức thuế TNDN nếu về mức 20% sẽ giúp doanh nghiệp có niềm tin khôi phục sản xuất, cũng như kỳ vọng một tương lai dài hơi cho khả năng phát triển của mình.
* GS.TS Trần Ngọc Thơ (trưởng khoa tài chính - doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP.HCM): Giảm thuế là cứu nền kinh tế Việc giảm thuế không chỉ cứu nền kinh tế, mà gần như không còn con đường nào khác khi nhiều chính sách, giải pháp chính sách tiền tệ vừa qua chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Thực tế vừa qua, dù đã có nhiều quyết định liên quan đến việc điều hành kinh tế vĩ mô được ban hành, nhưng các quyết sách này hình như vẫn chưa thật sự đi vào thực tiễn, cộng đồng doanh nghiệp không thể ứng dụng để xoay chuyển tình thế hoạt động của mình. Bên cạnh đó, giảm thuế TNDN ngoài việc tạo kích thích cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, cũng tạo sức ép Chính phủ là cần có những chính sách căn cơ để buộc các bộ ngành có liên quan phải cắt giảm chi tiêu, một khi nguồn thu bị giảm trong ngắn hạn. Giảm thuế TNDN cũng là tín hiệu từ các cơ quan quản lý nhà nước khẳng định sự cam kết rõ ràng trong việc khuyến khích đầu tư kinh doanh lâu dài. Từ đó từng doanh nghiệp sẽ tự hoạch định cho họ chiến lược kinh doanh lâu dài sao cho mang lại hiệu quả cao nhất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận