22/05/2012 09:53 GMT+7

Sống vô danh giữa lòng Hà Nội

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - 75 tuổi, 45 năm sống ổn định tại Thủ đô với vợ và con cái nhưng không có hộ khẩu và chứng minh thư, thế nên tâm nguyện lớn nhất của ông Nguyễn Thành Hưng là “nếu có chết thì không phải chết như một người vô danh”.

bmC3iTVS.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Thành Hưng và lá phiếu cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII - Ảnh: Hoàng Điệp

Ngôi nhà số 930 đường Nguyễn Khoái (tổ 10, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) luôn mở cửa cả ngày. Phía sau chiếc tủ kính nhỏ “bán vài thứ lặt vặt để lấy tiền hút thuốc lào” là ông lão Hưng móm mém mời khách vào nhà. Đôi tay run run của ông lần giở mớ giấy tờ cất cẩn thận trong chiếc thùng cactông mà ông đã trầy trật đi lại xin xác nhận rất nhiều lần.

Không mảnh giấy tùy thân

Ông Nguyễn Thành Hưng kể ông sinh năm 1938 tại Bắc Ninh. Công tác ở Bộ Thủy lợi và điện lực. Năm 1968 ông Hưng kết hôn với bà Phạm Thị Mong ngụ tại xóm Xép, nay là số nhà 930 đường Nguyễn Khoái nói trên. Sau khi làm thủ tục đăng ký kết hôn xong, ông Hưng về quê cắt hộ khẩu để nhập vào nhà vợ. “Nhưng những năm ấy là năm chiến tranh ác liệt, gia đình tôi đi sơ tán nhiều lần nên tôi vẫn chưa kịp đi nhập khẩu vào gia đình nhà vợ. Rồi việc di chuyển khiến các loại giấy tờ này thất lạc hết, kể cả giấy đăng ký kết hôn” - ông Hưng nói.

Ngồi cạnh chồng, bà Mong cho biết: “Ông nhà tôi nghĩ đơn giản, cứ cho rằng ở đâu thì cũng là đất nước VN, chỉ cần sống tốt là được. Đây cũng là một phần lỗi của ông ấy vì không hiểu biết về pháp luật. Khi còn trẻ, khỏe thì bận nuôi con cái, chẳng có thời gian. Đến khi con cái trưởng thành, thảnh thơi mới nghĩ đến chuyện làm hộ khẩu thì lại chẳng đủ điều kiện”.

Ngoài chiếc thẻ cử tri bầu cử Quốc hội khóa XIII, không có gì chứng minh rằng ông Hưng là một công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN. Ông muốn vào Nam để thăm viếng họ hàng cũng không được vì không có chứng minh nhân dân để mua vé máy bay.

Công dân vô danh

Không có bất cứ giấy tờ gì nên ông Hưng không được đứng tên tài sản chung mà ông và vợ cùng gây dựng, thậm chí cả các “tài sản” nhỏ như số điện thoại trong nhà.

Trong mớ hồ sơ ông Hưng mang ra để khẳng định mình từng nhiều lần đi làm hộ khẩu mà không được bao gồm: đơn xin xác nhận hộ khẩu phường Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trong đó Công an thị xã Từ Sơn xác nhận từ năm 1968 ông Hưng đã cắt khẩu khỏi địa phương và chưa hề nhập khẩu lại; đơn của bà Phạm Thị Mong và xác nhận của lãnh đạo phường Thanh Trì về việc bà có chồng là ông Phạm Thành Hưng và ông Hưng đã sinh sống ổn định tại tổ 10, phường Thanh Trì là chính xác. Ngoài ra còn có bản khai nhân khẩu và đơn xin nhập khẩu cho ông Hưng...

“Tôi đã đi lại rất nhiều lần nhưng lần thì thiếu cái này, khi thì thiếu cái kia nên vẫn không thể nào nhập được hộ khẩu” - ông Hưng ngậm ngùi kể.

“Lần đầu tiên thì họ bảo có thể làm được nhưng phải có đăng ký kết hôn, nếu mất đăng ký kết hôn thì phải đăng ký lại. Khi hỏi về việc đăng ký kết hôn thì lại cần có hộ khẩu mới đăng ký được” - bà Mong nói.

Ông Hoàng Đình Đạt, công an khu vực, cho biết trường hợp của ông Hưng có thể nhập được hộ khẩu, tuy nhiên những giấy tờ xác nhận của ông đều đã quá thời hạn. Sau khi được hướng dẫn, ông Hưng đã về Bắc Ninh xác nhận lại việc mình từng có hộ khẩu ở đây.

Ông Trần Quốc Hoan, chủ tịch UBND phường Thanh Trì, nói: “Tôi đã nhiều lần tiếp xúc với ông Nguyễn Thành Hưng. Ông ấy cũng chia sẻ nỗi lo lắng nếu sau này mất đi thì không có chỗ yên nghỉ tại phường bởi không có hộ khẩu. UBND phường đã động viên và nhiều lần xác nhận về việc ông ấy hiện đang sinh sống cùng vợ con, nhà cửa ở phường Thanh Trì. Vì chức năng của phường không thể nhập khẩu cho ông Hưng nên cũng chỉ làm được thế”.

“Mong ước của tôi là có được hộ khẩu và chứng minh thư, để ví như có đi gặp các cụ ở thế giới bên kia thì còn có đất chôn. Lỗi của việc này cũng do tôi không hiểu pháp luật nhưng chắc chắn phải có cách nào đó để khẳng định tôi đang tồn tại chứ?” - ông Hưng ngậm ngùi nói và đưa đôi tay rờ rẫm lên đôi mắt không còn được tinh tường.

Nỗi buồn ấy của ông Hưng hẳn nhiên không phải ai cũng hiểu, bởi ngoài việc vợ con và chòm xóm gọi tên ông, còn cái tên ấy không hề tồn tại dù không hiểu bằng cách nào ông được thực hiện quyền cử tri, một trong những quyền lợi lớn nhất của công dân.

Thủ tục để được cấp giấy tờ cần thiết

* Giấy chứng nhận kết hôn

Ông Nguyễn Thành Hưng đã được cấp giấy chứng nhận kết hôn với bà Hoàng Thị Mong cho nên ông bà có thể yêu cầu nơi lưu trữ sổ hộ tịch cấp bản sao giấy này cho mình.

Trong trường hợp không được cấp bản sao giấy chứng nhận kết hôn vì sổ hộ tịch ở nơi lưu trữ đã bị mất hoặc hư hỏng thì theo điều 46, 47 nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27-12-2005 của Chính phủ, Ông Bà được đăng ký kết hôn lại và UBND cấp xã nơi ông bà cư trú hoặc nơi đã đăng ký việc kết hôn trước đây thực hiện việc đăng ký lại.

Nếu vì lý do nào đó cũng không đăng ký kết hôn lại được thì Ông bà có thể làm văn bản đề nghị UBND phường Thanh Trì xác nhận đã có quan hệ hôn nhân với nhau. Ông Bà nên đính kèm các tài liệu, hình ảnh, giấy khai sinh của các con, giấy cam đoan của mình về tình trạng hôn nhân trước khi về nơi đây cư trú và chịu trách nhiệm về việc cam đoan này... để chứng minh cho đề nghị này của mình là có cơ sở.

* Hộ khẩu. Nếu ông Hưng chứng minh được là chồng hợp pháp của bà Mong (như nói trên) và được bà Mong đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của bà Mong thì theo điểm a khoản 2 điều 20 Luật cư trú, ông Hưng được quyền đăng ký thường trú tại nơi đó. Thủ tục đăng ký thường trú tại công an quận bao gồm: phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu; giấy chuyển hộ khẩu theo điều 28 Luật cư trú; giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của UBND phường về mối quan hệ vợ chồng giữa ông bà. Trong thời hạn 15 ngàyA kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, công an phải giải quyết cho nhập hộ khẩu; trường hợp không giải quyết phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tuy nhiên, do ông Hưng không có giấy chuyển hộ khẩu nên ông cần nộp cho công an quận giấy xác nhận của công an ở Bắc Ninh. Bên cạnh đó, ông cần có văn bản tường trình về khoảng thời gian từ khi không thường trú ở phường tại Bắc Ninh cho đến nay đã đi đâu, làm gì, ở đâu và tại sao không đăng ký thường trú...

* CMND. Sau khi có hộ khẩu thường trú, ông Nguyễn Thành Hưng đến công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục để được cấp CMND. Thời hạn giải quyết cấp CMND kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ và làm xong thủ tục tối đa không quá 15 ngày đối với địa bàn thành phố, thị xã.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên