16/07/2009 10:51 GMT+7

Sống trung thực, được gì?

thienbinh_boylove9x@...
thienbinh_boylove9x@...

TT - Câu hỏi của bạn Lê Nguyễn Minh Châu (“Sống trung thực, được gì?” - Tuổi Trẻ 15-7) đã khơi gợi một băn khoăn rất thật trong sinh hoạt, cuộc sống hôm nay của rất nhiều bạn: được và mất khi sống trung thực.

Sống trung thực để... thua thiệt?

Thật thà thường thiệt thòi

Sống trung thực ta sẽ được nhiều thứ quý giá như lòng tin từ mọi người, lòng nhân ái, tình thương yêu và sự gắn bó với cộng đồng. Nhưng rõ ràng không phải lúc nào sống trung thực cũng đem lại lợi ích cho bản thân, điển hình như trong học tập nếu một học sinh quá trung thực sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn. Trong khi đó, để đánh giá kết quả học tập của một học sinh chẳng qua là nhìn vào những điểm số mơ hồ không biết điểm nào thật, điểm nào ảo.

Tôi không tự cho mình là người luôn có lòng trung thực vì trong một số tình huống buộc phải linh hoạt để tránh bị thiệt thòi. Cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, tôi vừa rời ghế nhà trường, vừa trải qua một kỳ thi đầy căng thẳng, được bày tỏ suy nghĩ riêng của mình với một câu hỏi khá thú vị này. Không ai hoàn thiện cả nhưng từ nhận thức riêng của mỗi người, chúng ta đều có cách ứng xử hoặc hành động sao cho phù hợp với hoàn cảnh và đảm bảo quyền lợi cho mình.

Chỉ cần trung thực với lương tâm

Tôi cũng là một bạn trẻ như bạn Lê Nguyễn Minh Châu nên đồng cảm với những suy nghĩ của bạn. Người thật thà dễ bị coi là “cù lần”. Trung thực là một đức tính cao quý nhưng không có nghĩa lúc nào ta cũng phải trung thực. Tôi nghĩ bạn và tôi chỉ cần trung thực với lương tâm là quá đủ. Không trung thực nhưng không làm hại ai còn hơn trung thực mà làm hại bạn.

Một lần thẳng thắn

Trong một buổi góp ý lãnh đạo của cơ quan được các vị lãnh đạo khuyến khích “vì sự phát triển của cơ quan, mong thẳng thắn góp ý để lãnh đạo cơ quan có dịp sửa đổi tốt hơn”, tôi đã chọn lựa sự trung thực.

Lúc ấy tôi tin sự thẳng thắn của mình sẽ được bạn bè, đồng nghiệp xung quanh quý mến; cơ quan tin tưởng. Thế là tôi đã nói thật những suy nghĩ của mình về cách điều hành quản lý luộm thuộm của bộ phận lãnh đạo cơ quan dẫn đến các bộ phận bên dưới dẫm chân nhau; việc lãnh đạo đưa người thân không giỏi nghề vào làm khiến hiệu quả kinh doanh kém... Nói như trút lòng mình lẫn lòng đồng nghiệp vì nhiều bạn bè đồng nghiệp trong cơ quan tôi cũng từng nhận định như vậy khi thỉnh thoảng có dịp trao đổi, tâm sự với nhau.

Thật bất ngờ bởi ngay khi phát biểu, tôi đã nhận ra những ánh mắt thương hại của không ít đồng nghiệp, trong đó có cả những bạn từng tâm sự với tôi như thế. Ngồi xuống, nhỏ bạn thân lắc đầu: “Trời ơi, bồ có bình thường không vậy? Khùng hả?”.

Nhỏ bạn không sai, bởi những tháng ngày sau đó là cả một cực hình với tôi: nhiều bạn ngại ngồi gần tôi, lãnh đạo vô tình gặp tôi chỉ cười nhạt... Sau đó nữa là một loạt sự việc mà có lẽ không ai không suy nghĩ: tôi bị điều động sang một bộ phận khác lương thấp hơn, hạ bậc thi đua cơ quan, bị xếp vào diện thử thách vì... không hòa đồng với đồng nghiệp...

Cuộc sống luôn đặt ra cho mỗi chúng ta những chọn lựa để tồn tại. Sau lần ấy tôi đã biết chọn lựa khi nhận ra rằng người ta chỉ yêu cầu tôi trung thực miễn sự trung thực ấy có lợi cho họ.

______________

“Sống trung thực, được gì?”. Có lẽ câu hỏi này không chỉ vang lên trong suy nghĩ mà thực tế cuộc sống cũng đã yêu cầu chúng ta phải lựa chọn. Mời các bạn trao đổi và chia sẻ; gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM; hoặc nhipsongtre@tuoitre.com.vn.

thienbinh_boylove9x@...
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên