18/12/2018 13:24 GMT+7

Sông Tiền xâm nhập mặn tới 90 km, ĐBSCL thiếu nước ngọt trầm trọng

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Người dân các tỉnh Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với tác động của xâm nhập mặn, nhiều nơi tại ĐBSCL xâm nhập mặn đã vào sâu 35-40 km, với độ mặn từ 14,6-31,2 g/l. Đặc biệt tại sông Tiền xâm nhập mặn tới 90 km.

Sông Tiền xâm nhập mặn tới 90 km, ĐBSCL thiếu nước ngọt trầm trọng - Ảnh 1.

Các đại biểu tham luận tại hội thảo "Hạn hán, xâm nhập mặn và ứng dụng công nghệ khử mặn nước bằng năng lượng gió tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và ĐBSCL" diễn ra sáng 18-12 - Ảnh: CHÍ TUỆ

Thông tin trên được Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (NAIPP) thuộc Bộ NN-PTNT đưa ra tại hội thảo "Hạn hán, xâm nhập mặn và ứng dụng công nghệ khử mặn nước bằng năng lượng gió tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và ĐBSCL" diễn ra sáng 18-12.

Phát biểu tại hội thảo ông Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng NAIPP - cho biết tình trạng thiếu nước và nước bị xâm nhập mặn tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và ĐBSCL diễn ra khá nghiêm trọng về quy mô diện tích và theo thời gian.

Xâm nhập mặn diễn ra chủ yếu vào mùa khô, nước mặn có thể vào sâu trong nội địa tới 7km (Ninh Thuận, Bình Thuận) và 20km (Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang).

Tác động của xâm nhập mặn ở Bạc Liêu và Cà Mau nơi bị ảnh hưởng lớn bởi nước mặn có nồng độ muối 20g/l dẫn tới thiếu nước ngọt để sinh hoạt và sản lượng lúa gạo, trái cây bị ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng.

Dự báo đến năm 2050, thiệt hại do ngập mặn trong mùa khô và ngập lụt trong mùa mưa ước tính trung 30% mức sản lượng lúa gạo, trái cây, tôm. Thiệt hại về tiền tệ khoảng 3.6 - 12 nghìn tỷ đồng.

Đại diện liên danh tư vấn Xuân Lộc - AIEI thông tin về khảo sát tại Ninh Thuận, thời kỳ xâm nhập mặn mạnh nhất từ tháng 3 - 9 hàng năm, nhiễm mặn nguồn nước ngầm ở Ninh Thuận xảy ra ở vùng đồng bằng ven biển thuộc huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Thực tế người dân các vùng thiếu nước và xâm nhập mặn chủ yếu sử dụng nước ngầm để tưới cho nông nghiệp và sinh hoạt, nhiều nơi không có nguồn nước buộc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc mua nước sinh hoạt để sử dụng.

Trong 5 năm qua, hạn hán tại Ninh Thuận đã gây ra thiếu nước cho hơn 5.000 ha lúa, thiếu nước sạch cho khoảng 15.000 - 20.000 hộ gia đình. Thiệt hại nông nghiệp ước tính hàng trăm tỷ đồng" - đại diện liên danh tư vấn Xuân Lộc - AIEI nói.

Liên danh công ty AIEI (Bỉ) và SCE (Pháp) đã đưa ra giải pháp công nghệ khử mặn nước bằng năng lượng gió. Dự án xây dựng hệ thống xử lý mặn bằng năng lượng xanh 100% sẽ xây dựng 5 hệ thống thí điểm tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre để cấp nước tưới cho khoảng 40ha đất lúa, nước sinh hoạt cho 10.000-20.000 dân/ngày với công suất 400 m3/hệ thống/ ngày.

Bà Krista Verstraelen - trưởng đại diện cơ quan phát triển Bỉ tại Việt Nam - cho biết dự án có vai trò rất quan trọng giúp giảm chi phí cung cấp nước uống, nước tưới tiêu cho canh tác nông nghiệp, đây là một dự án thử nghiệm nếu thành công sẽ thu hút được đầu tư để dự án phát triển hơn nữa.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên