15/05/2018 15:21 GMT+7

Sống thấp thỏm trên vùng kênh Chợ Gạo sạt lở

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Hàng chục năm qua, sạt lở đã làm kênh Chợ Gạo rộng thêm gấp ba lần so với thời Pháp thuộc. Số người chết và bị thương do tai nạn ở các điểm sạt lở ngày càng nhiều.

Sống thấp thỏm trên vùng kênh Chợ Gạo sạt lở - Ảnh 1.

Một căn nhà sắp rơi xuống kênh Chợ Gạo vì sạt lở - Ảnh: V.TR.

Giữa tháng 4-2018, trở lại Chợ Gạo, điều khiến tôi bị sốc đầu tiên là con đường cặp bờ nam kênh đã biến mất.

Có "sổ đỏ" nhưng không có đất

Hỏi đường vào các khu dân cư ven kênh, ông Trần Văn Tấn (78 tuổi, ở gần cầu Chợ Gạo mới) nói: "Mấy năm nay người dân ở đây không còn đi con đường này được nữa, sạt xuống kênh hết rồi!".

Đoạn kênh dài chừng 30m trước nhà bà Nguyễn Thị Tuyết (61 tuổi, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo) bị sạt lở ăn vào đất liền cả chục mét, trông như một cái hố bom.

Bà cho tôi xem "sổ đỏ" UBND huyện cấp năm 1997 ghi quyền sở hữu có 380m2 đất: "Sổ đỏ còn đây nhưng không còn đất".

Hỏi tại sao, bà chỉ tay vào chỗ bị sạt lở: "Hồi đó tôi cất nhà trên miếng đất này, cách bờ kênh Chợ Gạo khoảng 10m. Hồi tôi còn nhỏ kênh rộng chừng 40m thôi, mỗi lần tắm sông tôi bơi từ bên này qua bên kia kênh bình thường. Còn bây giờ kênh đã rộng cả trăm mét".

Nhà bà Nguyễn Thị Hà ở bên cạnh cũng có khoảng 600m2 đất nằm dưới lòng kênh không còn nhìn thấy.

Đi cả chục cây số từ thị trấn Chợ Gạo qua xã Bình Phan, Bình Phục Nhứt, tôi không thể đếm xuể có bao nhiêu căn nhà đã nằm dưới lòng kênh, bao nhiêu căn nhà không còn người ở vì "hà bá" đã ngoạm tới cửa.

Rất nhiều đoạn cột bêtông - vết tích của những căn nhà rơi xuống sông - vẫn còn đó. Tuyến đường huyện 25B nằm cặp kênh Chợ Gạo bị xóa sổ do nhiều nơi bị sạt lở sâu vào đất liền tới 25-30m.

Người dân cho biết đã có ít nhất 3 người chết và rất nhiều người bị thương nặng do tai nạn ở các điểm sạt lở này.

Bà Nguyễn Thị Tuyết kể: "Đoạn kênh sạt lở gần nhà tui có hai người chết rồi. Người dân và học sinh té gãy tay, chấn thương đầu thì nhiều lắm. Lâu lâu lại nghe tiếng kêu cứu".

Suốt tám năm qua, khoảng 600 hộ dân ở bờ nam kênh Chợ Gạo khổ sở vì bị “hà bá” rượt đuổi và bị “treo” bởi dự án nâng cấp, mở rộng kênh Chợ Gạo mà Bộ GTVT phê duyệt năm 2009

Sống thấp thỏm trên vùng kênh Chợ Gạo sạt lở - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết sổ đỏ thì còn đây nhưng đất đã nằm dưới lòng kênh Chợ Gạo vì sạt lở - Ảnh: V.TR.

Theo UBND huyện Chợ Gạo, có khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng dự án nâng cấp, mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 đang bị "treo".

Không chỉ mất nhà, mất đất mà họ còn phải sống trong cảnh nợ nần do vay mượn mua đất, cất nhà ở chờ nhận tiền bồi thường để hoàn trả.

Đáng lo là một số hộ không có khả năng di dời hiện vẫn cố bám trụ trong những căn nhà có thể rơi xuống kênh bất cứ lúc nào.

Nhà của bà Lê Thị Tuyết ở ấp Bình Thọ Thượng, xã Bình Phục Nhứt lúc này đang nằm trên miệng "hà bá". Phần gạch hành lang căn nhà đã nằm dưới kênh, còn trơ khung đà bêtông cốt thép.

Bà lo lắng: "Chỉ cần sạt sâu vô chừng vài mét nữa là căn nhà này bị kéo xuống kênh. Giờ muốn ra vào nhà phải đi cửa sau. Không đêm nào ngủ ngon cả".

Cũng tại... BOT

Do kênh Chợ Gạo quá tải và sạt lở nghiêm trọng nên ngày 30-10-2009, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến dài 28,5km đạt tiêu chuẩn cấp II kỹ thuật đường thủy nội địa.

Tổng vốn đầu tư dự kiến lúc đó là 4.221 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng 2.000 tỉ đồng, còn lại là giải phóng mặt bằng, tái định cư...

Bộ cũng nói rõ sẽ khởi công dự án năm 2011 và hoàn thành vào năm 2014. Nguồn vốn đầu tư là ngân sách.

Dự án nhanh chóng được triển khai. Chính quyền địa phương vào cuộc kiểm kê, áp giá bồi thường và thông báo cho dân kế hoạch di dời bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên do thiếu vốn nên mãi đến năm 2013 Bộ GTVT mới cho thực hiện làm trước giai đoạn 1 với vốn đầu tư chỉ có 787 tỉ đồng.

Theo đó, chỉ nạo vét 17km luồng từ rạch Lá đến rạch Kỳ Hôn; mở rộng 1/2 luồng ở phía bắc kênh; làm 12km kè và 6,2km đường giao thông. Phần việc này hoàn thành vào năm 2015, tạm thời ngăn được tình trạng sạt lở ở bờ bắc.

Cùng với việc đưa vào sử dụng cầu Chợ Gạo mới năm 2013 với khoang thông thuyền rộng hết mặt kênh nên giao thông trên tuyến kênh này đã thuận lợi hơn.

Sống thấp thỏm trên vùng kênh Chợ Gạo sạt lở - Ảnh 4.

Điểm cuối con đường ven kênh Chợ Gạo, đoạn phía trước đã nằm dưới kênh - Ảnh: V.TR.

Tiếp đó, ngày 29-1-2016 Bộ GTVT công bố danh mục dự án đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 bằng hình thức hợp đồng BOT, có nghĩa là không dùng vốn ngân sách mà kêu gọi tư nhân đầu tư rồi... thu phí.

Giai đoạn 2 sẽ nạo vét 1/2 luồng còn lại và làm kè ở bờ nam kênh Chợ Gạo (nơi khoảng 600 hộ dân đang khốn đốn vì sạt lở). Tổng vốn đầu tư được xác định là 1.388 tỉ đồng.

Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 18 năm. Thời gian thực hiện từ năm 2016-2018. Đây cũng là dự án BOT đường thủy đầu tiên tại VN vào thời điểm công bố.

Theo đề xuất của Cục Đường thủy nội địa VN, nhà đầu tư chỉ thu phí với các tàu thương mại vận tải hàng hóa có trọng tải toàn phần lớn hơn 100 tấn. Tính ra khi lưu thông trên kênh Chợ Gạo, mỗi phương tiện phải trả phí 1.430 đồng/tấn. Mức phí này sẽ được tăng ba năm/lần.

Việc Bộ GTVT cho đầu tư giai đoạn 2 bằng hợp đồng BOT đã khiến dư luận dậy sóng. Nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước đã bỏ tiền làm giai đoạn 1, nhà đầu tư chỉ làm phần còn lại nhưng được hưởng trọn thành quả dự án là vô lý.

Vốn đầu tư giai đoạn 2 không lớn, không phải quá sức đối với ngân sách mà phải kêu gọi đầu tư. Trước sự phản ứng của dư luận, giai đoạn 2 dự án theo hợp đồng BOT bị tạm hoãn cho đến giờ.

Không biết bao giờ?

Ông Trần Văn Bon, giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, nói cho đến thời điểm này tỉnh vẫn không được biết giai đoạn 2 dự án bằng hợp đồng BOT có triển khai hay chuyển sang sử dụng ngân sách.

Mặc dù rất sốt ruột về tình trạng sạt lở, cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị "treo", nhưng tỉnh cũng không biết khi nào Bộ GTVT mới tiếp tục thực hiện dự án trên kênh Chợ Gạo.

***********

Kỳ tới: Giấc mơ thuyền trưởng

Kênh Chợ Gạo - yết hầu miền Tây và bức ảnh 140 năm trước Kênh Chợ Gạo - yết hầu miền Tây và bức ảnh 140 năm trước

TTO - Kênh Chợ Gạo được người Pháp cho đào thủ công cách đây hơn 140 năm, chỉ sau một thời gian ngắn chiếm đóng Nam kỳ, nhằm nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, tạo tuyến đường thủy từ Sài Gòn đi miền Tây Nam Bộ ngắn nhất.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên