14/09/2016 13:57 GMT+7

Sống sót sau thảm sát kỳ 4: Người “nghệ sĩ mù”

TRẦN MAI -
TĂNG QUỲNH
TRẦN MAI -
TĂNG QUỲNH

TTO - Đến chợ Bình Hòa (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) hỏi ông Nghĩa “nghệ sĩ mù” ai cũng biết. Ông là một trong chín đứa trẻ sống sót trong vụ lính Đại Hàn thảm sát ở xã Bình Hòa cách đây 50 năm.

Ông Đoàn Nghĩa vừa đệm đàn vừa hát bài Em vẫn đợi anh về Ảnh: Trần Mai
Ông Đoàn Nghĩa vừa đệm đàn vừa hát bài Em vẫn đợi anh về - Ảnh: TRẦN MAI

Cách chợ khoảng 300m, nhìn bên trái thấy chái nhà cơi ra, lợp tôn fibro cũ, có cái cộ ngoài sân cùng rổ rá, thúng mủng, giỏ tre; phía sau là căn nhà ngói rộng hơn 40m2, sàn ximăng, tường gạch đã nứt nhiều chỗ. Đó là nhà ông Đoàn Nghĩa.

Mong ước bình yên

Ông Nghĩa ít nói về cuộc thảm sát bởi khi ấy ông mới 6 tháng tuổi, mọi thứ ông biết được chỉ là từ lời kể của anh trai và những người liên quan. Chỉ có vết thương ở hai đùi, mông và đôi mắt mù lòa là dấu tích cuộc thảm sát thì theo ông mãi mãi.

Sau một hồi trò chuyện với những người khách lần đầu đến nhà, từ bàn nước ông Nghĩa bước vào buồng (không chống gậy, không rờ tường) lấy cây đàn guitar ra.

Ông vừa đệm đàn vừa hát một bản nhạc mà ông không biết tên, chỉ nghe qua radio và thấy hợp với mình nên nhớ lời, nhớ nhạc.

Bài hát có những lời thế này: “Bình yên và chiến tranh, mùa xuân và bão tố, ngày mai hay quá khứ mãi mãi là bên em... (bài Em vẫn đợi anh về - PV)”.

“Ước mơ lớn nhất của tôi là Bình và Yên có việc làm, tự lo cho mình. Hai là sửa được căn nhà xây từ năm 2000, giờ khi mưa thì nước chảy từ đường vô và từ trên mái xuống

Ông Đoàn Nghĩa

Bình yên là ước mơ cả đời của ông nên ông đặt tên hai con là Đoàn Thanh Bình và Đoàn Thị Bình Yên.

Ông Nghĩa giải thích: “Tôi đặt tên con là Thanh Bình và Bình Yên vì mong muốn hòa bình. Chiến tranh trải qua, mất mát quá lớn đến đôi mắt cũng không còn”.

Ông đến với tiếng đàn, tiếng hát trước hết để tìm bình yên trong ông, để vơi đi phiền muộn của thân phận. Và tiếng đàn, tiếng hát cũng như bài thuốc chữa lành phần nào vết thương lòng trong ông.

Sau ngày chết hụt, ông Nghĩa sống nhờ bà con cật ruột. Đến năm 15 tuổi ông ra ở riêng, lầm lũi tự lo cho mình mọi thứ. Nhưng đến một ngày ở tuổi 20, ngày mà đến giờ ông cảm thấy tủi thân nhất trong đời, buồn tận đáy “đã không thấy đường mà còn cô đơn”.

Thế là ông ra Đà Nẵng (cách nhà hơn 100km) mua đàn và tự mày mò cùng những nốt nhạc tìm vui cho mình. 30 năm đã trôi qua, cây đàn ngày ấy đã tàn tạ, thùng đàn mục rách nhưng vẫn ở cạnh giường ông như một người bạn.

Ba năm trước, mấy sinh viên Hàn Quốc ghé thăm đã tặng ông cây đàn mới để ông tiếp tục “lâu lâu giải lao lấy đàn ra làm một bản” như ông nói. Ngoài tiếng đàn tự tìm vui cho mình, những khi đi đám tiệc ông Nghĩa đều được mời lên hát giúp vui.

Tiếng đàn, giọng hát của ông Nghĩa trở nên quen thuộc ở Bình Hòa, thành ra nhiều người dân ở đây gọi ông là “nghệ sĩ mù”.

Bà Hà Thị Lịch ngồi bên cạnh nghe chồng hát cứ cười nhẹ, nhắc lại chuyện hai người gặp nhau 26 năm về trước và thành vợ chồng. Ai hỏi hồi đó ông Nghĩa có dùng tiếng đàn để tán tỉnh bà hay không, bà chỉ cười ha ha.

Bà nói: “Hồi đó thấy ảnh mồ côi nghèo khó nên thương. Với trời đã định sẵn, người đó là người đó thôi, không cản được”.

Còn ông Nghĩa bảo rằng nhờ gặp được bà mà giờ có hai người con, dù nghèo khó nhưng cũng có niềm vui nho nhỏ, bớt đi cái khổ ở đời.

Đoàn Thanh Bình học ở Trường cao đẳng Hữu nghị Việt - Hàn (TP Đà Nẵng) đã ra trường, chưa có việc làm, mỗi ngày chở cha đi khắp các chợ bán thúng, rổ mưu sinh. Còn Bình Yên đang học năm 2 Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng.

Để cho con đi học, ông bà vay vốn sinh viên cộng với tiền hỗ trợ, tiền mượn hàng xóm và đi bán đồ tre mỗi ngày.

“Ước mơ lớn nhất của tôi là Bình và Yên có việc làm, tự lo cho mình. Hai là sửa được căn nhà xây từ năm 2000, giờ khi mưa thì nước chảy từ đường vô và từ trên mái xuống”, ông Nghĩa nói.

Xin một con đường

Cùng sống sót với ông Nghĩa còn có anh ruột mình, ông Đoàn Nhân. Ông Nhân năm đó 6 tuổi, giờ vẫn nhớ như in cảnh hàng trăm người dân bị dồn xuống ruộng bùn để lính Đại Hàn xả súng cướp đi mạng sống của họ.

“Hồi đó người chết xếp lớp lẫn trong bùn không biết mặt ai. Cha tôi lấy gàu múc nước giếng rửa hết mới nhận dạng được”, ông Nhân kể. Bà nội, mẹ, chị chết trong vụ thảm sát, cha sau đó cũng hi sinh nên giống như ông Nghĩa, lúc nhỏ ông Nhân sống nhờ bà con.

Ông Nhân bị thương nhẹ trên đầu. Hồi còn trẻ, đầu ông Nhân cũng đau thường xuyên nhưng “giờ hết rồi, chỉ khi uống rượu vào đầu mới căng thẳng, mất trí nhớ”.

Ông Nhân vẫn kể đủ tên, chỗ ở, công việc của những người cùng sống sót với anh em ông và nói trong chín người sống sót, ông Nghĩa là người thiệt thòi nhất.

Vợ chồng ông Nhân làm ruộng, làm thợ hồ đủ nuôi con ăn học thành người. Ba người con đã có việc làm, có gia đình ở Đà Nẵng; một người con đang là sinh viên. Năm nay 56 tuổi, ông Nhân chẳng mong muốn gì cho riêng mình, nỗi đau thảm sát ông cũng đã cố quên.

“Tôi chỉ đề nghị ban ngành quan tâm làm một con đường vào nơi bị thảm sát, xây lại một khóm thờ đàng hoàng hơn”, ông Nhân nói.

Ông Nguyễn Xuân Ba, chủ tịch UBND xã Bình Hòa, cho biết xã đã nhiều lần kiến nghị như ông Nhân.

“Vừa rồi xã đã làm đơn gửi huyện và tỉnh đề nghị cấp kinh phí làm đường và xây một khu tưởng niệm để sưu tầm hiện vật mang về trưng bày cho mọi người cùng biết về nỗi đau của chiến tranh.

Xã mong huyện, tỉnh quan tâm cấp kinh phí làm đường lớn, còn những đường rẽ vào các điểm thảm sát xã sẽ huy động kinh phí tự làm”, ông Ba nói.

Xem xét đề nghị tặng tượng Lời ru cuối cùng

Tượng Pieta Việt Nam - Ảnh: Quỹ hòa bình Hàn - Việt
Tượng Pieta Việt Nam - Ảnh: Quỹ hòa bình Hàn - Việt

Ông Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, nói sở đang xem xét đề nghị của Ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ hòa bình Hàn - Việt được tặng tượng Pieta Việt Nam (Lời ru cuối cùng) tại lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình Hòa, thay lời xin lỗi gửi đến nhân dân xã Bình Hòa.

Trong ba ngày 3, 5 và 6-12-1966, lữ đoàn Rồng Xanh (Thanh Long) của quân đội Đại Hàn đã sát hại 430 người dân vô tội, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người già ở xã Bình Hòa (H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Tượng Pieta Việt Nam do hai nghệ sĩ Hàn Quốc sáng tác nhằm an ủi linh hồn những người mẹ và những đứa trẻ mới chào đời chưa kịp đặt tên đã chết trong những cuộc thảm sát do lính Đại Hàn gây ra ở Việt Nam.

Ủy ban nêu trên khẳng định cuối tháng 4, họ đã họp báo nhân kỷ niệm 41 năm ngày chấm dứt chiến tranh Việt Nam và công bố tượng Pieta tại Seoul (Hàn Quốc), đồng thời kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc có thái độ trách nhiệm với vấn đề chiến tranh Việt Nam.

>> Kỳ tới: Chờ bia tưởng niệm

Các kỳ trước:

>> Kỳ 1: Suốt đời đau buốt

>> Kỳ 2: Những phận đời bi thảm

>> Kỳ 3: Bôn và Bông - hai chị em thất lạc

TRẦN MAI -
TĂNG QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên