12/09/2016 11:37 GMT+7

Sống sót sau thảm sát - Kỳ 2: Những phận đời bi thảm

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Phía sau các cuộc thảm sát là những phận người lầm lũi trong vô định, họ lớn lên trong bất hạnh và bơ vơ đến cuối cuộc đời. Thất học, nghèo đói, hoảng loạn là những gì tuổi thơ họ phải vượt qua.

Ông Kim và bà Thanh, hai người là nạn nhân sống sót sau cuộc thảm sát của lính Đại Hàn ở Quảng Nam, kể về cuộc đời bi thương của mình - Ảnh: TẤN VŨ
Ông Kim và bà Thanh, hai người là nạn nhân sống sót sau cuộc thảm sát của lính Đại Hàn ở Quảng Nam, kể về cuộc đời bi thương của mình - Ảnh: TẤN VŨ

“Đến bây giờ có một điều tôi vẫn không hiểu là tại sao một người lính có thể giết những người không tấc sắt trong tay

Ông Đoàn Ngọc Kim (người sống sót trong vụ thảm sát ở Duy Trinh)

Người đơn độc, kẻ mồ côi

Sau nhiều ngày lỗi hẹn, ông Đoàn Ngọc Kim (60 tuổi, nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ thảm sát năm 1968 của lính Đại Hàn tại Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam) cũng gặp được người đàn bà cùng cảnh ngộ với mình tại thôn Nghi An (xã Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam).

Căn nhà nhỏ thông thốc gió lùa ngay đầu đường tránh thị xã Vĩnh Điện là nơi bà Nguyễn Thị Thanh, 56 tuổi, đang trú ngụ và giúp con cái chăm những đứa cháu. Cũng như ông Kim, gia đình bà Thanh có đến năm người chết trong cuộc thảm sát của lính Đại Hàn năm 1968.

Bên chén chè xanh mời nhau, họ như thân thiết với nhau từ bao giờ, có lẽ nỗi kinh hoàng trong quá khứ đã bám lấy tuổi thơ và một đời dài gian truân sau đó đã tạo nên sự đồng cảm đặc biệt.

Nâng chén chè ngang mặt, ánh mắt mờ đục dõi về xa xăm, ông Kim kể rằng đó là một buổi sáng kinh hoàng khi quân Đại Hàn đi tuần bắt ông và người thân cùng hàng xóm dồn vào hầm bí mật để ném lựu đạn vào.

“Tôi nghĩ mình còn cha sau khi mẹ và anh em đều chết. Một người hàng xóm kể rằng ngay trong chiều ngày mẹ tôi mất, cha của tôi cũng bị máy bay trực thăng đi tuần bắn chết ở bờ sông. Tôi thành cậu bé không gia đình lúc 12 tuổi” - ông Kim kể trong nước mắt.

Ghì chặt đứa cháu ngoại vào lòng, bà Thanh kể rằng một buổi sáng bình thường căn nhà tranh của bà bị những loạt đạn từ đâu bắn vào xối xả.

Người thân của bà gục xuống, đứa em trai 4 tuổi thở phì phò với dòng máu tươi tuôn ra như suối rồi gục chết. Anh của bà bị bắn toạc ở chân, bà bị đạn xuyên qua ở bụng trước.

“Anh Hai tôi khi đó 15 tuổi, dẫn tôi băng qua cánh đồng lúa nhiều người nằm sấp. Tôi khát nước và uống vào thì ruột chảy ra. Chạy ra gần đường thì được người dân đưa đi cấp cứu. Họ khiêng anh tôi đi, còn tôi thì gục xuống trước khi chú ruột mình kịp bồng trên tay” - bà Thanh kể bằng ký ức cô bé 8 tuổi.

Sau buổi sáng kinh hoàng đó, bà Thanh được chuyển ra Đà Nẵng để chữa trị gần hai năm. Anh trai của bà bị thương rất nặng và phải nằm hết bệnh viện này sang bệnh viện khác đến hơn 10 năm trời mới quay lại quê hương.

Bà Thanh kể trong lúc hoảng loạn đó bà chỉ biết gào khóc đi tìm mẹ, nhưng bà không hay biết những thi thể trên cánh đồng lúa trước nhà có mẹ mình nằm trong đó.

“Tôi mồ côi từ đó. Những ngày sau không thấy mẹ, chỉ thấy ngoại ra viện chăm sóc cho tôi. Ngoại bảo: “Kẹt xe nên mẹ con chưa ra thăm con được!”. Sau này tôi về lại quê thì mồ của mẹ cỏ đã lún phún xanh” - bà Thanh nói.

Bà Thanh trong chuyến qua Hàn Quốc kể chuyện thảm sát năm 2015 và được những người phụ nữ Hàn từng là nô lệ tình dục của lính Nhật tặng hoa, thăm hỏi - Ảnh: nhân vật cung cấp
Bà Thanh trong chuyến qua Hàn Quốc kể chuyện thảm sát năm 2015 và được những người phụ nữ Hàn từng là nô lệ tình dục của lính Nhật tặng hoa, thăm hỏi - Ảnh: nhân vật cung cấp

 

Những ngày khốn khổ

Ánh nắng chiều xuyên qua chòm cây trứng cá, bên chén chè đã nguội bà Thanh hỏi ông Kim: “Anh sống thế nào sau đó?”.

Ông Kim bảo: “Tôi đi ở rồi làm thuê với chú! Còn chị ra sao?”. Bà Thanh nghèn nghẹn kể rằng mình cũng ở với chú ngoài Đà Nẵng, đi giữ con thuê cho người khác. Sau khi chú bà thất nghiệp, thím của bà cũng làm mướn nên bà học đến lớp 3 thì nghỉ và đi ở cho một gia đình người Hoa.

Gần bảy năm đi ở mướn, bà về lại Điện Bàn và bắt đầu ra đồng với bà ngoại. “Nhiều lúc khổ quá, tôi nghĩ sao mình không chết cùng mẹ và anh chị em thì cuộc đời có lẽ ít bất hạnh hơn” - bà Thanh trầm tư.

Sau ngày thống nhất đất nước, bà Thanh theo chồng, cũng là một người mồ côi trong xóm.

Mọi việc gần chìm vào quên lãng thì đến năm 2015, một nhóm sinh viên Hàn Quốc sang tìm bà và nghe bà kể chuyện xưa rồi bà được mời qua Hàn Quốc cùng với ông Nguyễn Tấn Lân (ở Bình Định) để kể về câu chuyện thảm sát.

“Anh Kim biết không, ngày tôi qua đó nói chuyện, hơn 500 cựu binh của họ mặc áo rằn ri, đưa biểu ngữ chối bỏ chuyện thảm sát của mình. Nhưng làm sao tôi quên được câu chuyện đau thương này. May mà có rất nhiều phụ nữ và một số cựu binh có lương tâm họ tìm đến an ủi mình.

Có người sang tận nhà tôi để khấn vái, có người quỳ rạp xuống thắp nén nhang lên bàn thờ mẹ tôi. Họ cầu xin tha thứ” - bà Thanh kể.

Từ chứng nhân của cuộc thảm sát đến khi trưởng thành và trải qua một đời lính, bây giờ ông Kim sống cùng vợ và nuôi hai con khôn lớn bằng nghề sửa điện, nước.

Ông bảo chuyện xưa đã qua rồi, mọi thứ đã nằm im trong dĩ vãng, hận thù cũng không còn mấy, nhưng có một điều ông không hiểu được là tại sao một người lính có thể giết một người dân lành không tấc sắt trong tay.

Ông Kim bảo rằng mong mỏi lớn nhất trước khi ông nhắm mắt là cuộc thảm sát này phải được nhìn nhận một cách đúng nghĩa. Còn với những người nằm xuống, cha, mẹ và anh em của mình, ông chỉ mong ngóng có một nấm mồ vững vàng hơn để ông khỏi tủi lòng khi khuất bóng.

Còn bà Thanh phân vân không biết khi bà và các chứng nhân cùng thế hệ trong những cuộc thảm sát của lính Đại Hàn năm xưa khuất núi thì có còn ai nhắc lại chuyện này?

“Những cô cậu sinh viên, các cựu binh Đại Hàn hằng năm đều qua đây ghé thăm tôi, hỏi han, động viên, an ủi..., nhưng một lời xin lỗi chính thức từ nước họ hình như vẫn còn chưa có” - bà Thanh thều thào trước khi đưa chân ông Kim ra ngõ.

Không khác cuộc đời bà Thanh là mấy, sau cuộc thảm sát tàn khốc đó, ông Kim lớn lên cùng chú của mình.

“Khổ quá, tôi tự đi tìm cuộc sống riêng cho mình” - ông Kim nhớ lại. Vài năm sau ông lang bạt kỳ hồ từ Hà Nội vào Huế, đến Bình Thuận để mưu sinh cho đến năm 1977 thì trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và trở thành người lính.

Hơn bốn năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, ông Kim chỉ bị thương nhẹ cho đến lúc rời quân ngũ.

Đưa cánh tay còn ghim mảnh sắt trong da thịt, vạch tấm áo chỉ vết thương ở bụng, ông Kim bảo: “Đây là vết tích mảnh lựu đạn của lính Đại Hàn ngày xưa giết mẹ và em tôi chết. Còn ở bụng là vết thương của mảnh đạn tại Campuchia. Con người tôi còn hai vết thương của hai cuộc chiến”.

_______________

Kỳ tới: Hai chị em thất lạc

>> Kỳ trước: Suốt đời đau buốt

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên