Phóng to |
Reshma được đưa ra khỏi đống đổ nát sau 17 ngày - Ảnh: AFP |
Ngày 10-5, nhóm cứu hộ vẫn hì hục đào bới đống đổ nát của tòa nhà Rana Plaza ở thủ đô Dhaka. Số người chết cứ tăng lên hằng ngày khi các thi thể liên tục được đưa ra từ đống đổ nát. Hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong thảm họa tồi tệ của ngành may mặc Bangladesh, có thi thể khi được đưa ra chỉ còn là một bộ xương. Người ta không còn hi vọng sẽ tìm thấy ai đó sống sót sau 17 ngày thảm kịch diễn ra.
Sống sót kỳ diệu
Và rồi, những nhân viên cứu hộ chợt nghe tiếng gõ kim loại từ đâu đó vang lên cùng tiếng kêu yếu ớt của ai đó trong đống đổ nát. “Tôi là Reshma. Cứu tôi với. Cứu tôi với. Tôi đang ở đây trong bóng tối” - cô gái sống sót diệu kỳ thều thào từ đống đổ nát. Điều đầu tiên mà cô yêu cầu là nước. Cô bị mất nước nặng. Các nhân viên cứu hộ lập tức tìm cách truyền thức ăn, nước uống, oxy cho cô qua một lỗ nhỏ trong đống đổ nát.
Báo The Independent của Bangladesh cho biết cả đất nước nín thở dán mắt vào màn hình tivi để theo dõi truyền hình trực tiếp cảnh cứu Reshma. Sau 391 giờ sống trong bóng tối, cô gái đã được đưa ra khỏi đống đổ nát lúc 16g28 ngày 10-5 (giờ Bangladesh). Đám đông reo hò mừng rỡ: “Allahu Akbar” (tạm dịch: Thượng đế thật tuyệt vời).
Tại bệnh viện, Reshma đủ sức nói chuyện với các phóng viên và kể rằng cô đã sống sót nhờ vào đồ ăn thừa còn sót lại cùng những chai nước cho công nhân trong nhà máy. Reshma may mắn khi ở trong phòng cầu nguyện dưới tầng hầm của tòa nhà. Khi thảm họa xảy ra, dù xung quanh đổ nát nhưng vẫn đủ không gian để Reshma cử động và thở. Theo AFP, cô không hề bị thương tích mặc dù sụt cân khá nhiều.
Nhưng đồ ăn nhanh chóng bị hư và nước thì cũng không còn nhiều. Cô ngồi chồm hổm trong bóng tối và tuyệt vọng kêu cứu nhưng chẳng ai nghe thấy. Báo The Daily Star của Bangladesh thuật lại Reshma đã tuyệt vọng lần mò trong bóng tối, hi vọng tìm được kẽ hở nào đó để thoát thân. Cô đã phải dùng đến chiếc kéo cắt vải để xén mái tóc bị kẹt trong đống đổ nát. “Đống bêtông này dày bao nhiêu?” - Reshma tự hỏi trong tuyệt vọng. Hai ngày cuối cùng trước khi được cứu, Reshma không còn đồ ăn hay thức uống.
Nụ cười của hi vọng
Reshma cố nở một nụ cười, dù là yếu ớt, khi được đưa lên xe cứu thương đang chờ sẵn. Nụ cười đó cũng đã truyền đi tia hi vọng, dù là mỏng manh, đến gia đình những người có thân nhân còn nằm trong đống đổ nát. Tên của cô được đưa vào danh sách 2.437 người sống sót sau thảm họa sập tòa nhà tám tầng này. Hiện cô đang trong tình trạng ổn định.
Reshma năm nay 23 tuổi và có bốn anh chị em. Báo New Age của Bangladesh cho biết cô chỉ mới vào làm ở xưởng may này đầu tháng 4, không lâu trước khi cả tòa nhà đổ sập ngày 24-4. Bố cô đã mất cách đây 17 năm, còn mẹ cô sống cùng các con ở Dhaka. Người em gái Ashmar cầm bức ảnh của chị mình và hôn lên đó liên tục, xúc động nói: “Tôi không tin vào tai mình khi nghe trên tivi là chị đã được cứu sống, bởi cả nhà đã hết hi vọng”. Ashmar giơ cả hai tay lên trời trong tư thế cầu nguyện và nói việc chị cô sống sót là món quà tuyệt vời nhất.
Người anh trai Zahidul Islam của cô trước đó đã đi khắp các bệnh viện cũng như đi xem các thi thể được đưa ra từ đống đổ nát nhưng không thấy em gái mình. “Và rồi có tin một phụ nữ tên Reshma được tìm thấy còn sống sót - Islam kể - Tôi đã thấy mặt Reshma khi họ đưa nó ra. Em gái tôi đây rồi”.
Khi số người chết trong vụ sập nhà vượt quá con số 1.000, như The Independent cho biết, những nhân viên cứu hộ đã từ bỏ hi vọng còn người sống sót và càng không nghĩ có thể cứu được ai sau khi cứu được nạn nhân 27 tuổi Sadek Akhter ba ngày sau thảm họa.
Và rồi Reshma đã được cứu sống vào thời điểm đội cứu hộ đang chuẩn bị kết thúc công việc tại địa điểm sập nhà sau khi tìm thấy quá nhiều thi thể bên trong đống đổ nát. Báo The Daily Star cho biết sau khi Reshma được cứu sống một cách kỳ diệu, đội cứu hộ cũng ngưng sử dụng các thiết bị hạng nặng với hi vọng cứu thêm được ai đó. Việc Reshma sống sót cũng tiếp thêm niềm tin cho đội cứu hộ là sẽ còn người sống sót và họ vẫn phải tiếp tục tìm kiếm.
Trường hợp của Reshma là một trong những trường hợp sống sót lâu nhất sau thảm họa những năm gần đây. Tháng 12-2005 ở Pakistan, một phụ nữ 40 tuổi đã được cứu sống từ đống đổ nát, hai tháng sau một trận động đất. Ở Haiti năm 2010, một người đàn ông 27 tuổi đã sống sót sau 27 ngày bị chôn vùi sau trận động đất.
107 USD bồi thường cho một người sống sót Một nữ công nhân làm việc tại xưởng may ở tòa nhà Rana Plaza nói cô nhận được khoảng 107 USD tiền bồi thường sau thảm họa khiến cô bị thương, đi lại khó khăn, đau đầu triền miên và mất cả việc làm. Theo AFP, hơn 3.000 công nhân may đôi khi được trả chưa đến 30 USD/tháng. Lãnh đạo nghiệp đoàn Mohammad Ibrahim nói số tiền bồi thường đang được chi trả vừa thấp vừa không đáng. Là ngành kinh tế chủ yếu của Bangladesh, ngành may mặc tạo ra mỗi năm 29 tỉ USD, chiếm 80% xuất khẩu của nước này, theo số liệu năm ngoái. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Sập nhà máy ở Bangladesh: số người chết đã lên tới 912 ngườiEU xem xét trừng phạt thương mại Bangladesh vì vụ sập nhàĐã bắt được chủ xưởng may bị sập ở BangladeshCô gái sống sót kì diệu sau 17 ngày bị vùi lấp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận