02/05/2013 08:25 GMT+7

EU xem xét trừng phạt thương mại Bangladesh vì vụ sập nhà

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét trừng phạt thương mại Bangladesh nhằm gây sức ép buộc chính quyền Dhaka phải cải thiện các tiêu chuẩn an toàn công nghiệp sau vụ sập nhà làm hơn 400 công nhân may mặc thiệt mạng.

Sập nhà ở Bangladesh: thảm họa đã được báo trước

ky8TTilx.jpgPhóng to

Hôm qua 1-5, các nhân viên cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm người mất tích trong vụ sập nhà - Ảnh: Reuters

Theo Hãng tin Reuters, mới đây Cao ủy Thương mại EU Catherine Ashton đã ra tuyên bố kêu gọi Bangladesh lập tức hành động để tăng cường các tiêu chuẩn an toàn tại tất cả các nhà máy khắp cả nước để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện hàng may mặc Bangladesh được tiếp cận thị trường EU một cách dễ dàng. Tuy nhiên các quan chức EU đe dọa sẽ gây sức ép để buộc Bangladesh phải hành động. Hồi tháng 1-2013, EU cũng đã kêu gọi chính quyền Dhaka đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) sau hai vụ hỏa hoạn tại xưởng may.

Bà Ashton cho biết EU sẽ xem xét trừng phạt Bangladesh thông qua cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Với cơ chế này, Bangladesh được hưởng sự tiếp cận không hạn chế quota và không bị đánh thuế vào thị trường EU.

Bất kỳ biện pháp trừng phạt thuế hay thương mại nào của EU cũng đòi hỏi sự phê chuẩn của toàn bộ 27 nước thành viên. Do đó các quan chức EU cho biết sẽ phải mất một năm để thực hiện các biện pháp trừng phạt thương mại Bangladesh.

AFP cho biết mới đây Giáo hoàng Francis mô tả các công nhân may mặc thiệt mạng trong vụ sập nhà ở Bangladesh là “lao động nô lệ”.

Tại Mỹ, các nghị sĩ kêu gọi Tổng thống Barack Obama có biện pháp hỗ trợ ngành may mặc Bangladesh cải thiện điều kiện làm việc và quyền công nhân.

Hiện có khoảng 3,6 triệu người Bangladesh làm việc trong ngành may mặc. Mức lương trung bình của các công nhân chỉ khoảng 38 USD/tháng. Mới đây thủ tướng Bangladesh đã yêu cầu chủ các xưởng may phải có biện pháp bảo vệ các công nhân.

Năm 2012, Bangladesh xuất khẩu 11,37 tỉ USD hàng may mặc sang EU, tăng so với mức 10,52 tỉ USD của năm 2011. Đức là thị trường may mặc lớn nhất của Bangladesh tại châu Âu.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên