Ông Trần Quốc Cường tranh thủ ăn vội bữa trưa ngay trên vỉa hè - Ảnh: KIM ÚT
Tấp chiếc xe cũ kỹ vào ven đường, cởi chiếc mũ bảo hiểm thuộc hãng xe công nghệ để lộ mái tóc đã chuyển bạc của mình, ông Trần Quốc Cường (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) ngồi tạm xuống lề đường ăn vội hộp cơm nguội đã treo sẵn trên xe từ hồi nào. Ông ăn gấp gáp vì sắp tới giờ cơm trưa - giờ cao điểm giao hàng.
Người chuyển hàng mùa dịch
Bắt đầu nổ máy xe từ 6h sáng, ông Cường chạy liên tục suốt sáu tiếng mới dừng lại ăn cơm. Ghé hỏi thăm, tôi mới biết năm nay ông chỉ mới 55 tuổi nhưng dáng người khắc khổ, làn da sạm đen do nắng cháy và mái tóc hoa râm làm người shipper này trông già trước tuổi.
Trước đây, ông Cường từng có công việc ổn định ở một công ty sản xuất gỗ. Nhưng do tuổi cao, sức khỏe không được tốt, nên khi bùng dịch COVID-19, ông rơi vào danh sách cắt giảm nhân sự của công ty.
Từ ngày ông mất việc, cuộc sống gia đình khó khăn, mọi chi tiêu đều dựa vào công việc phụ quán phở của vợ, thêm đứa con gái đang học năm 3 trường đại học kinh tế khiến cuộc sống gia đình trở nên bấp bênh, thiếu thốn đủ đường. Để đỡ gánh cho vợ, ông đăng ký làm shipper đến nay đã một năm.
Mỗi ngày ông cố gắng chạy khoảng 12 tiếng, trừ chi phí xăng xe và ăn uống, ông cũng đem về được 300.000 đồng, cộng thêm tiền lương từ vợ nên cuộc sống cũng ổn hơn phần nào.
Làm việc trong lĩnh vực nhà hàng nhưng phải đóng cửa để chống dịch, anh Nguyễn Văn Bông (46 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) rơi vào cảnh thất nghiệp. Hầu như mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chuyện tìm việc đối với anh Bông không hề dễ dàng. Được bạn bè giới thiệu, anh đăng ký chạy xe công nghệ.
Từ ngày TP có chỉ thị dừng hoạt động taxi công nghệ, anh Bông hy vọng thu nhập của tài xế như anh sẽ tăng vì bớt đi sự cạnh tranh. Nhưng thực tế khách đi xe ôm công nghệ rất ít, mỗi ngày anh chỉ chở được vài người.
Anh Bông kể: "Dịch bệnh nên người dân rất hạn chế ra đường, chỉ trường hợp khẩn thiết người ta mới chọn đi xe công nghệ". Cũng vì thế thu nhập của anh giảm trông thấy. Để kiếm thêm thu nhập, ngoài chở khách anh còn tranh thủ mở thêm ứng dụng giao đồ ăn, giao hàng. Khi nào có khách đặt cuốc thì chở, nếu không có anh nhận luôn giao hàng và đi chợ cho khách.
"Tôi chạy đủ thứ, từ chở khách tới giao hàng, chỉ mong kiếm thêm thu nhập. Cố gắng mỗi ngày cũng kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, so với ở nhà thất nghiệp thì như vậy là quá tốt. Tôi gắng đợi dịch ổn định rồi tìm công việc khác ổn hơn, còn bây giờ kiếm được đồng nào hay đồng nấy" - anh Bông bộc bạch.
Tương tự, ông Nguyễn Việt Hùng (52 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) đã lớn tuổi nên khó tìm được việc nào khá hơn là giao hàng ở siêu thị. Dịch bệnh khiến thu nhập giảm sút, ông vẫn quyết bám trụ với công việc này vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình.
Thời gian gần đây chợ tự phát phải dừng hoạt động, nhiều chợ truyền thống cũng bị đóng cửa vì có ca nhiễm nên người dân quay sang mua hàng siêu thị tăng cao. Trong khi đó, các siêu thị yêu cầu khai báo y tế chặt chẽ nên nhiều người đã nhờ shipper. Chính vì thế mà ông Hùng cùng các đồng nghiệp có được nguồn thu nhập ổn hơn.
Giữa trưa nắng, tại một góc siêu thị trên đường Nguyễn Kiệm (phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM), ông Hùng đứng sắp xếp hàng lên chiếc xe máy cho đến khi đầy ắp mới chạy, chốc lát lại quay về chở tiếp. Cứ như vậy, ông làm quần quật dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn. Tuy nhiều việc, ông vẫn thấy vui hơn vì có thêm thu nhập.
Shipper giao hàng vào khu vực phong tỏa được yêu cầu sát khuẩn tay cẩn thận - Ảnh: NHẬT THỊNH
Tìm gặp ông Hùng không khó, ông luôn túc trực ở cổng sau siêu thị. Ổng chở hàng rất nhanh, đơn xa cỡ nào cũng nhận để kiếm thêm tiền nuôi con.
Một người làm chung với ông Việt Hùng nói
Vất vả nhưng vui vì có việc làm
Đối với những người trẻ nhiều sức khỏe và sớm quen với công nghệ thì việc làm shipper không có gì khó khăn. Nhưng đối với ông Cường, nay đã ngoài 50, công việc shipper không hề dễ dàng.
"Nhiều lần bị bom hàng hoặc có người cố tình đặt sai địa chỉ, tôi gọi không bắt máy, hủy đơn thì không đạt năng suất là không được thưởng. Tôi chỉ dám nhận những món đồ dưới 100.000 đồng, để lỡ người ta có bom thì đem về cho con gái. Mặc dù có thể đem hàng về trụ sở để trả lại nhưng đường khá xa, thời gian đó có thể kiếm nhiều đơn khác, nên tôi thường đem luôn về nhà".
Trước đây, cố gắng chạy tới 15h ông đạt 60 điểm là được 320.000 đồng, tính luôn cả tiền thưởng vì đạt đơn thì cũng được hơn 400.000 đồng. Dịch bệnh quay trở lại, nhiều người thất nghiệp đã đổ xô làm shipper, mỗi ngày đều có người đăng ký mới. Vì vậy mỗi ngày ông đều ra đường từ lúc 6h sáng và ráng chạy tới hơn 12h đêm mới về tới nhà.
Rong ruổi cả ngày phơi nắng phơi mưa, sức khỏe của ông Cường ngày một yếu đi nhưng gương mặt ông lúc nào cũng nở nụ cười. "Tôi có một đứa con gái thôi, đang học đại học nên ráng lo cho nó ăn học đàng hoàng để sau này sung sướng, còn mình cực một chút cũng không sao" - ông Cường hãnh diện khi nhắc về con.
Mới ăn cơm chẳng kịp nghỉ trưa uống nước, ông Cường đã vội mở ứng dụng trên điện thoại để đợi đơn. Vừa nhận được đơn, ông vui vẻ tạm biệt tôi và phóng xe đi ngay mà vẫn chưa uống nước, nghỉ trưa.
Có hai cô con gái, cô chị 17 tuổi và cô em 12 tuổi, đều đang ăn học và người vợ bị bệnh nên ông Nguyễn Việt Hùng phải cố gắng rất nhiều. Ngày nào ông cũng là người đến sớm và về muộn nhất đội. Cứ 5h - 6h sáng ông đã có mặt trước cửa siêu thị chờ đơn hàng.
Xe hàng của ông lúc nào cũng nhiều hơn đồng nghiệp, vậy mà ông luôn vui vẻ khiến ai cũng mến thương. Bất kể ngày nắng hay mưa cũng đều như vậy, đến đêm ông Hùng còn tranh thủ giao báo đến 2h - 3h sáng mới về nhà. Tính ra, mỗi ngày ông chỉ còn 3 - 4 tiếng để nghỉ ngơi.
Đã qua giờ cơm trưa, ông Hùng vẫn tranh thủ xếp những đơn hàng đầy ắp lên xe mà bản thân chưa kịp ăn gì. Thành phố đang khó khăn vì dịch giã, nhiều hàng quán và người dân ở nhà cần người chuyển hàng như ông Hùng, còn ông cần cuộc sống.
Phía sau chiếc xe hàng nặng trĩu của ông không chỉ đựng hàng hóa mà còn chất chứa ước mơ của ông về tương lai tươi sáng cho các con.
Muốn gì cũng có thể nhắn shipper
"Cũng may là dịch giã này vẫn có nhiều người giao hàng nhanh nhẹn. Mình muốn mua ở đâu, khi nào cũng có shipper đảm nhận. Chi phí cũng chấp nhận được" - bà Lê Thị Thảo, sống trong khu bị phong tỏa ở quận Bình Tân, trả lời qua điện thoại. Bà cho biết tuy "nội bất xuất, ngoại bất nhập", nhà bà cũng tạm đủ thức ăn. Ngoài mì, gạo do nhà hảo tâm hỗ trợ, bà có thể đặt shipper mua giúp đồ tươi như rau củ, thịt, cá giao đến chốt kiểm soát.
Nhiều người cũng nhận xét khi dịch giã căng thẳng, nhiều chợ bị đóng cửa, một số siêu thị lớn cũng phải tạm dừng hoạt động thì shipper đã trở thành "huyết mạch" vận chuyển các thứ cần thiết cho đời sống người dân.
"Sáng muốn ăn phở có phở, trưa thèm cơm sườn có cơm sườn. Tối thích đĩa rau xanh Đà Lạt xào cũng chỉ cần bấm nhắn shipper" - bà Thảo tâm sự. Điều bà quan tâm là sự cẩn trọng phòng dịch của shipper và cũng mừng là hiện nay nhiều người rất cẩn thận với khẩu trang kín kẽ, dung dịch sát khuẩn tay.
MẠNH DŨNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận