05/06/2013 10:14 GMT+7

Sống chung với "bom xăng"

XUÂN LONG - QUANG KHẢI - MINH ĐỨC
XUÂN LONG - QUANG KHẢI - MINH ĐỨC

TT - Ngày 4-6, một ngày sau vụ hỏa hoạn “trạm xăng thành biển lửa” ở đường Trần Hưng Đạo (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhóm PV Tuổi Trẻ đến những trạm xăng nằm ở khu vực đông dân tại hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM. Thực tế cho thấy hiểm họa từ các trạm xăng là không nhỏ.

diP49KLR.jpgPhóng to
Một cửa hàng xăng dầu nằm cạnh lối ra vào chung cư 584 Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM (ảnh chụp chiều 4-6) - Ảnh: Minh Đức
K33JWYgl.jpgPhóng to
Một cây xăng tại địa chỉ 185 Nguyễn Lương Bằng nằm sát hai tòa nhà chung cư - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
22XbptEI.jpgPhóng to
Cây xăng 233 Khâm Thiên nằm sát khu dân cư và cạnh cửa hàng bia hơi - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Theo thống kê của các cơ quan chức năng Hà Nội và TP.HCM, những cây xăng nằm giữa khu dân cư đều đã hình thành từ hàng chục năm nay. Nhiều trạm xăng nằm ở những khu “liền lưng, liền vách” với nhà dân, trong đó nhiều cây xăng không đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn theo quy định hiện hành.

Đa số cây xăng đều vi phạm

Một số quy định về xây dựng cây xăng

Theo quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng, trạm xăng trong đô thị phải đảm bảo các yêu cầu không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông: phải cách lộ giới (chỉ giới đường đỏ) ít nhất 7m; đối với các trạm xăng nằm gần các giao lộ, khoảng cách từ lối vào trạm xăng tới chỉ giới đường đỏ gần nhất của tuyến đường giao cắt với tuyến đường đi qua mặt tiền của công trình trạm xăng cần đảm bảo ít nhất là 50m; cách ngoài phạm vi bảo vệ dọc cầu và đường dẫn lên cầu tối thiểu 50m; cách điểm có tầm nhìn bị cản trở ít nhất 50m... Bảo đảm an toàn về phòng chống cháy, bảo vệ cảnh quan: phải cách nơi tụ họp đông người.

LÂM HOÀI

Tại Hà Nội, chỉ tính riêng trục đường với chiều dài khoảng 1,5km từ nút giao Láng Hạ - Giảng Võ đến địa chỉ 233 Khâm Thiên đã có tới ba trạm xăng. Tại cây xăng số 179 Đê La Thành, một trong những cây xăng nằm sát nhà dân nhất, cây xăng này nằm lọt thỏm trong tuyến phố chuyên về sắt thép.

Gần như các cửa hàng đều có hàn xì, cưa cắt tạo ra các tia lửa điện. “Phố Đê La Thành thì lúc nào cũng có cảnh hàn xì, cưa cắt. Nói thật là thấy cháy ở cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo, dân chúng tôi cảm thấy bất an lắm” - một hộ dân nhà cách cây xăng 50m bày tỏ lo lắng.

Theo lãnh đạo Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Q.Hoàn Kiếm, rà soát sau vụ hỏa hoạn tại trạm xăng số 2B Trần Hưng Đạo, trên địa bàn Q.Hoàn Kiếm còn có tới 11 trạm kinh doanh xăng dầu có đặc thù gần khu dân ở.

“Theo quy định, khoảng cách an toàn giữa các cửa hàng xăng dầu với các công trình công cộng xung quanh phải bảo đảm 50m, cách đường điện cao thế 1,5 lần chiều cao cột điện và cách các điểm có tính chất nguy hiểm, cháy nổ 100m. Tuy nhiên, đa số cửa hàng xăng dầu này đều vi phạm quy định về khoảng cách” - một lãnh đạo Phòng cảnh sát PCCC Q.Hoàn Kiếm cho hay.

Theo thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi - giám đốc Sở Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn Hà Nội, đầu năm 2013 Sở Cảnh sát PCCC phối hợp với Sở Công thương Hà Nội tổng kiểm tra 489 cửa hàng xăng dầu, phát hiện 117 cửa hàng có vi phạm. Ngay trong sáu tháng đầu năm 2013 đã xử lý 28 trường hợp cây xăng vi phạm, phạt hàng tỉ đồng.

“Việc xử lý các trạm xăng trong nội thành không đơn giản. Có ý kiến cho rằng xử lý hết thì liệu có đảm bảo về cung ứng nhiên liệu. Còn nếu đúng về quy chuẩn thì chẳng còn bao nhiêu trạm trong nội thành. Tuy nhiên, sau vụ cháy trạm xăng trên phố Trần Hưng Đạo, ngay tới đây sở sẽ cùng với Sở Công thương rà soát, làm rõ các trạm xăng không đủ điều kiện tồn tại, đặc biệt là những trạm xăng ở khu đông dân để đề nghị di dời” - ông Nghi nói thêm.

Còn theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, việc xóa bỏ các cây xăng ở gần khu dân cư, không phù hợp với quy hoạch hệ thống xăng dầu của TP đã được lãnh đạo UBND TP yêu cầu xử lý dứt điểm trước ngày 30-12-2014. Theo đó, ở khu vực nội thành Hà Nội sẽ có khoảng 10 trạm xăng dầu bị xóa bỏ, giải tỏa và 45 trạm xăng dầu khác phải di dời.

PDGccuyd.jpgPhóng to
Cây xăng tại địa chỉ 1A Láng Hạ (Hà Nội) nằm sát một nhà hàng - Ảnh: Nguyễn Khánh

TP.HCM: xin được “thoáng” hơn

TP.HCM hiện có hơn 490 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó có rất nhiều cây xăng nằm cạnh khu dân cư, nhà cao tầng. Cây xăng của DNTN xăng dầu nhớt Bình Long (622 Bình Long, P.Tân Quý, Q.Tân Phú) - nơi từng nhiều lần bị xử phạt, thậm chí buộc ngưng hoạt động do có nhiều sai phạm - nằm dưới đường dây điện. Dù chiều 4-6 cây xăng đóng cửa, không bán nhưng một số người dân sống xung quanh vẫn lộ rõ sự lo lắng về nguy cơ cháy, nổ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Oanh, chủ cây xăng trên, cho biết cửa hàng của bà có giấy phép hoạt động. Do công ty ký hợp đồng cung cấp xăng dầu hay chậm giao hàng nên phải tạm thời chấm dứt hợp đồng, ngưng bán, chờ hợp tác công ty mới. Theo bà Oanh, cây xăng của bà không vi phạm gì, cũng chưa từng xảy ra cháy, nổ.

Thực tế, chúng tôi chứng kiến toàn bộ các bình chữa cháy của cây xăng này được xếp gọn một khu, nhìn khá cũ kỹ. Trong khi theo lời bà Oanh, trong bồn chứa của cửa hàng cũng còn cả ngàn lít xăng, dầu tồn.

Tại khu vực trung tâm Q.1, không ít cây xăng được đầu tư hoành tráng, nằm cạnh các tòa nhà cao tầng, trường học, khu dân cư. Cụ thể tại góc “mũi tàu” đường Bùi Thị Xuân - Lê Thị Riêng (P.Bến Thành) là cây xăng của Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn.

Cây xăng này có tới bảy trụ bơm xăng, khách ra vào tấp nập và đối diện là Trường mầm non Bến Thành. Chị Năm Trân, một người dân trong hẻm 184 Lê Thị Riêng, cho biết: “Mỗi lần nhân viên trạm xăng bơm xăng cho khách là hơi xăng xộc vào nhà. Trước đây tôi nghe nói cây xăng này di dời nhưng đến nay nó vẫn tồn tại. Vừa rồi tôi xem tivi thấy vụ cháy cây xăng ở Hà Nội càng làm gia đình tôi lo sợ thêm”.

Theo Sở Công thương TP, ngày 6-3-2007 UBND TP.HCM ban hành quyết định 39 về phê duyệt quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.

Theo quyết định này, có 61 cửa hàng xăng dầu phải ngưng kinh doanh từ năm 2006, 113 cửa hàng xăng dầu chỉ được phép tồn tại tạm thời trong giai đoạn 2007-2010. Ngoài ra, còn có 338 cửa hàng xăng dầu được phép tồn tại sau năm 2010 nhưng phải cải tạo nâng cấp và di dời theo đúng quy định của tiêu chuẩn - quy chuẩn xây dựng VN.

Tuy nhiên theo Sở Công thương TP, quyết định trên căn cứ từ quy chuẩn quốc gia được quy định về khoảng cách, đặt xa khu dân cư...chỉ phù hợp với việc phát triển cây xăng ở ngoại ô, vùng ven. Nếu áp dụng theo quy định thì sẽ có hàng loạt cây xăng phải di dời, ảnh hưởng đến việc kinh doanh xăng dầu và trở ngại cho cả người dân khi mua xăng dầu.

Vì vậy, UBND TP đã xin ý kiến của các cơ quan chức năng tạo điều kiện “thoáng” hơn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Từ ý kiến của các bộ, ngày 9-5-2012 UBND TP.HCM ban hành quyết định số 17 về việc “sửa chữa, nâng cấp, xây dựng lại cửa hàng xăng dầu hiện hữu đã hoạt động từ ngày 16-3-2007 trở về trước”.

Từ đó, nhiều cửa hàng thay vì phải di dời thì được phép sửa chữa, cải tạo và tồn tại đến nay, chỉ có số ít là không đủ điều kiện, bắt buộc phải tháo dỡ, di dời.

Liên quan đến vấn đề an toàn của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu gần khu dân cư, ông Huỳnh Khánh Hiệp, phó giám đốc Sở Công thương, cho biết rút kinh nghiệm từ vụ cháy cây xăng ở Hà Nội, Sở Công thương TP.HCM đã nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tuyệt đối chấp hành các quy định trong quá trình chiết, nạp xăng dầu, đặc biệt là không được phép nghe điện thoại khi đang đổ xăng.

GS.TS Nguyễn Lân (tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị VN): Chỉ làm sao có chỗ để bán xăng

Hà Nội trước không có quy hoạch chi tiết về đô thị cũng như hệ thống trạm xăng, nên khi càng ngày càng phát triển thì có chỗ người ta thấy có diện tích đất và có dân cư thì làm tạm. Rất nhiều cây xăng ở Hà Nội được cho phép làm tạm.

Về vị trí đặt trạm xăng thì bao giờ cũng ở những vị trí giao thông thuận lợi để mọi người có thể đến mua xăng. Nếu thực hiện đúng quy định thì không có vấn đề gì. Nhưng ở ta bây giờ xe máy nhiều, cây xăng mọc lên kiểu “để ở đầu nhà tôi cũng không sao”. Tuy nhiên, khi xảy ra cháy, xe cứu hỏa không vào được thì đó là vấn đề vi phạm quy hoạch rất lớn.

Hiện cũng có một số trạm xăng có tính chất tạm thời, giải quyết vấn đề trước mắt nên người ta tạm cho phép mà không đảm bảo tiêu chuẩn. Nhưng có nơi người ta chả làm quy hoạch, không hỏi các cơ quan chuyên môn gì cả, chỉ làm sao có chỗ để bán xăng.

TUẤN PHÙNG ghi

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ cháy cây xăng ở Hà NộiCả Hà Nội chỉ có 50 bộ quần áo chữa cháy Ảnh chiến sĩ PCCC trong biển lửa xúc động mạnh dư luậnNguyên nhân vụ cháy xăng lớn ở Hà Nội: xe bồn rò rỉTrạm xăng thành biển lửa, nhiệt độ cháy có lúc 1.000 độ CMời VKS quân sự phối hợp điều tra vụ cháy lớn tại Hà NộiChiến đấu với "giặc lửa", 10 lính cứu hỏa nhập viện

XUÂN LONG - QUANG KHẢI - MINH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên