03/07/2017 14:36 GMT+7

Sớm sửa đổi Pháp lệnh người có công

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Hầu hết thành viên Ban chỉ đạo xây dựng đề án về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng đã thống nhất như vậy trong cuộc họp ngày 3-7.

Bà Trương Thị Mai phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Đức Bình

Chủ trì cuộc họp, bà Trương Thị Mai - trưởng Ban dân vận Trung ương, trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) cho biết sau hơn 10 năm thực hiện chỉ thị của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, công tác chăm sóc người có công ngày càng đi vào nề nếp.

Được triển khai nghiêm túc, hệ thống chính sách ưu đãi người có công ngày càng được hoàn thiện, đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 1,4 triệu người có công.

Bên cạnh đó, các chính sách về chăm sóc, trang cấp, ưu đãi giáo dục và nhiều chính sách ưu đãi khác đối với người có công được thực hiện đầy đủ…

Cần chỉ thị mới để khắc phục hạn chế

Theo bà Mai, xã hội đánh giá cao việc tổ chức chính sách đối với người có công, khi “toàn đảng, toàn dân đã toàn tâm toàn ý để thực hiện chính sách này”.

Tuy nhiên qua 10 năm triển khai, cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là việc xác nhận người có công; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; công tác quản lý, thanh kiểm tra…

Vì thế, “đã đến lúc cần phải nghiên cứu xây dựng trình Ban bí thư một chỉ thị mới về công tác này, và đặc biệt cần phải bổ sung, xây dựng Pháp lệnh mới về người có công với nước”.

Với chỉ thị mới của Ban bí thư, bà Mai đề nghị nên “quan tâm đến cả quá khứ, hiện tại và tương lai”. Vì thế, nên thay thế cụm từ “có công với cách mạng” bằng cụm từ mới “có công với nước” để tính bao trùm rộng hơn.

Vẫn thiên về phương án sửa đổi toàn bộ pháp lệnh người có công, nhưng bà Mai cũng đề nghị BCĐ trình thêm với Ban bí thư phương án xây dựng luật về người có công.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cùng nhiều thành viên BCĐ đã đồng tình với quan điểm của bà Mai. 

Sửa đổi pháp lệnh, không nên xây dựng thành luật

Theo bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nên theo phương án sửa đổi Pháp lệnh người có công vì vấn đề người có công rất hay có những phát sinh. Vì thế, “nên sửa đổi cơ bản Pháp lệnh người có công, không nên xây dựng thành luật.

Vì khi có những phát sinh, cần giải quyết nhanh thì chỉ cần Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến là được. Còn nếu là Luật thì rất khó xử lý, phải đưa ra Quốc hội…”.

Theo dự thảo được các thành viên BCĐ thảo luận ngày 3-7, chỉ thị mới cũng đề cập “hệ thống chính sách về ưu đãi người có công phải được sửa đổi bổ sung toàn diện vùng với sự phát triển của hệ thống chính sách xã hội.

Nhà nước đảm bảo thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức, thực hiện chính sách; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội, quan tâm chăm lo, giúp đỡ người có công…

Phấn đấu đến hết năm 2025, bảo đảm cho các gia đình chính sách có cuộc sống ổn định về vật chết, vui vẻ về tinh thần. Thân nhân của người có công được quan tâm chăm lo về đời sống, con của người có công được dạy nghề, đào tạo, hỗ trợ việc làm”.

9 nhiệm vụ, nội dung

Để thực hiện mục tiêu trên, chỉ thị mới tập trung vào 9 nhiệm vụ, nội dung (chỉ thị cũ 2 nội dung).

Trong đó tập trung tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác người có công; thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng; đổi mới, chú trọng công tác tuyên truyền; ưu tiên các nguồn lực để thực hiện tốt chính sách; thực hiện tốt công tác xác nhận người có công; đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; đổi mới công tác quản lý nhà nước; tăng cường công tác thanh, kiểm tra; xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện chỉ thị.

 

 

 

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên