Hội nghị kết nối mạng giao thông các tỉnh tại đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: K.T
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng thu nhập đầu người thấp, chậm phát triển so các vùng miền trong cả nước.
"Nguyên nhân do kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, còn nhiều điểm nghẽn. Tôi luôn trăn trở về điều này nên Bộ GTVT tổ chức hội nghị nhằm tìm giải pháp vực dậy các tỉnh vùng ĐBSCL", ông Thể cho hay.
Theo Bộ GTVT, vùng ĐBSCL hiện có 4 phương thức vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không). Hoạt động vận tải hàng hóa vùng ĐBSCL năm 2017 đạt 131,7 triệu tấn hàng hóa, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,2%/năm giai đoạn 2010-2017.
Trong đó, vận tải hàng hóa bằng đường thủy chiếm 70%, vận tải đường bộ chiếm 30%. Đối với hoạt động vận tải hành khách, vùng ĐBSCL đạt 707,7 triệu lượt người năm 2017, tăng trưởng bình quân 3,4% /năm giai đoạn 2010-2017, chủ yếu vận tải hành khách đường bộ chiếm 83,4%.
Cũng theo Bộ GTVT, mạng lưới giao thông đường bộ vùng ĐBSCL hiện có 6 tuyến trục dọc và 9 tuyến trục ngang. Tuy nhiên, nhiều dự án, nhiều con đường hiện vẫn chưa hoàn chỉnh.
Cụ thể, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đường N2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An và Mỹ An - Cao Lãnh; đường N1, quốc lộ 60 đoạn cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên, cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2... Các trục ngang kết nối nội vùng cũng chưa hoàn chỉnh.
Từ những tồn tại trên, Bộ GTVT đề xuất các dự án ưu tiên tăng cường kết nối mạng giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn vùng ĐBSCL.
Theo đó, sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ; hoàn thiện một số tuyến quốc lộ như đường N2 (đoạn Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh), quốc lộ 60 (đoạn qua cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên); đầu tư cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2.
Lãnh đạo các địa phương đề nghị Bộ GTVT sớm hoàn thành những điểm nghẽn nói trên, vì triển khai đã lâu, chậm tiến độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận