05/05/2012 02:55 GMT+7

Sôi nổi chuyện con chữ

TTO
TTO

TT - Bài viết “Những chữ cái bị kỳ thị” của TS Lê Vinh Quốc đăng trên Tuổi Trẻ đã dấy lên tranh luận gay gắt trên Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) tuần qua.

Thêm ký tự F, J, W, Z trong bảng chữ cái tiếng Việt

Chữ nghĩa vốn liên quan từng người nên câu chuyện đưa thêm bốn chữ cái F, J, W, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt được đông đảo bạn đọc tranh luận cũng là điều dễ hiểu. Người đồng ý thì cho rằng phù hợp với xu hướng hội nhập, để tiện hơn cho tình hình mới. Người phản đối thì thấy không cần thiết vì tiếng Việt đã “giàu và đẹp”, đồng thời cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

“Phe bài xích” những chữ cái đó trong bảng chữ cái tiếng Việt như bạn đọc Phạm Trinh viết: “Bản thân tôi cũng là thế hệ cuối 8X. Không phải tôi cổ hủ hay không chịu tiếp thu cái mới, nhưng thêm làm gì khi cách phát âm của bốn chữ cái đó đều có thể dùng bảng chữ cái cũ để diễn đạt. Thêm các chữ cái kia vào là một việc vẽ vời mất thời gian, tốn tiền để chỉnh sửa bảng chữ cái đang rất VN thành một thứ lai căng, rồi phải in lại sách và những hiệu ứng domino khác gây khó khăn cho giáo dục”. Bên đồng ý đổi mới như bạn đọc Sâm Đồng thì khẳng định: “Thực tế chúng ta vẫn đang học và đang dùng những chữ đó”. Bạn Sâm Đồng còn mạnh dạn đề xuất: “Có thể đưa vào ngay lớp 1 hay lớp khác ở bậc tiểu học. Nên nghiên cứu và cho học sinh tiểu học, chậm nhất là trung học cơ sở, học bảng chữ cái Hi Lạp và một số ký hiệu khác thường được dùng như: @, #, $, &... vì thực tế chúng ta thường gặp trong việc tiếp xúc với các tài liệu khoa học. Đặc biệt là khoa học tự nhiên”.

Dù là “phe” nào thì ai cũng muốn giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và phát triển phù hợp trong thời đại mới, hòa nhập chứ không hòa tan. Bạn đọc Phạm Thành Phương đã ôn lại “chuyện xưa tích cũ” khi dẫn chứng: “Cách nay 40 năm cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết bài Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tôi nghĩ bài viết đó đáng để chúng ta suy nghĩ. Trong thời đại mở cửa và hội nhập, chúng ta phải cân nhắc cái gì nên học, cái gì không nên học để vừa phát triển đất nước vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.

Tiếng Việt không chỉ thiết thân với mỗi người Việt mà còn là quốc hồn quốc túy. Do đó, nếu có sự thay đổi nào thì cần phải cẩn trọng và nhất là phải có nghiên cứu kỹ càng, đầy đủ. Bạn đọc Nguyễn Ngọc Lâm (nnlam_cycp@...) viết: “Tôi nghĩ trả lời điều này rất khó và đây sẽ là một đề tài thú vị cho nghiên cứu sinh nào làm luận văn tiến sĩ về ngôn ngữ học”. TTO hi vọng diễn đàn chữ nghĩa này tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trao đổi của bạn đọc, nhất là các nhà nghiên cứu ngôn ngữ.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên