16/06/2016 17:38 GMT+7

21-6, nhà báo ra sách hàng loạt

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Những câu chuyện về nghề báo - nghiệp viết trong các sách mới phát hành dịp 21-6 của NXB Trẻ như một hương vị mới để dòng sách hè năm nay thêm phần sôi động.

6 quyển sách mới liên quan đến nghề báo, nhà báo vừa ra mắt bạn đọc - Ảnh: L.Điền
6 quyển sách mới liên quan đến nghề báo, nhà báo vừa ra mắt bạn đọc - Ảnh: L.Điền

Nhân ngày Báo chí cách mạng VN 21-6 năm nay, NXB Trẻ vừa cho ra mắt những tác phẩm chuyên sâu về nghề báo và lĩnh vực truyền thông như Ở lưng chừng tương lai (của Tom Plate, Lê Thùy Giang và Lê Quang Minh dịch), Báo chí lương tâm (Đỗ Đình Tấn), Nhanh đúng trúng hay (Hải Đường).

Bên cạnh đó, các tác phẩm của những nhà văn nhà báo cũng được ấn hành dịp này: tập tạp bút Sài Gòn dòng sông tuổi thơ của Lê Văn Nghĩa, truyện dài Những đứa trẻ mắc zịch của Trần Nhã Thụy và tiểu thuyết Thông tin đa chiều của Trần Văn Tuấn.

Dịp ra mắt sách vào sáng 16-6 cũng là buổi gặp gỡ tâm tình của các tác giả, dịch giả cùng với những bạn đọc quan tâm mảng sách này.

Tìm kiếm sự thật và tôn trọng con người

 

Nhà báo Đỗ Đình Tấn lưu ý mọi người về “cuộc chơi chưa có luật chơi” trong thế giới truyền thông - Ảnh: L.Điền
Nhà báo Đỗ Đình Tấn lưu ý mọi người về “cuộc chơi chưa có luật chơi” trong thế giới truyền thông - Ảnh: L.Điền

Quyển Báo chí lương tâm là tập sách thứ hai có cùng đề tài của Nhà báo Đỗ Đình Tấn sau nhiều năm làm việc ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

Theo sát sự phát triển của thế giới truyền thông và cuộc bùng nổ công nghệ hỗ trợ báo chí cũng như mạng xã hội, tác giả Đỗ Đình Tấn lưu ý mọi người về một trật tự mới: khi bàn cờ truyền thông đã thay đổi, thì đâu là luật chơi mới cho cuộc chơi này.

Tác giả dành hẳn một chương đầu để bàn về câu chuyện luật chơi của truyền thông hôm nay và trong tương lai. Ở đây, bạn đọc sẽ tìm thấy những nguyên tắc truyền thông, quan niệm thông tin và đòi hỏi đạo đức, các quy định và quyền thông tin của công chúng.

Hơn hết thảy, chia sẻ với mọi người tại buổi ra mắt sách, ông Đỗ Đình Tấn cho rằng quyển sách mới này muốn trình bày với bạn đọc hai nội dung chính: tìm kiếm sự thật và tôn trọng con người. Đây cũng là hai điểm thiết yếu mà giới báo chí truyền thông đứng đắn luôn theo đuổi.

Dù vậy, trước sự phát triển vũ bão của thế giới truyền thông, ông Tấn cũng thừa nhận rằng: hiện tại những vấn đề đạo đức mới đang xuất hiện cùng với những thách thức mới. Ở đó, những câu hỏi xuất hiện nhiều hơn là những câu trả lời. Xem ra, công việc dành cho nhà báo vẫn không ngớt bề bộn.

Châu Á - nơi nhà báo muốn tới

 

Dịch giả Lê Thùy Giang đang nói về những điều tâm đắc trong quyển Ở lưng chừng tương lai - Ảnh: L.Điền
Dịch giả Lê Thùy Giang đang nói về những điều tâm đắc trong quyển Ở lưng chừng tương lai - Ảnh: L.Điền

Với Ở lưng chừng tương lai, dịch giả Lê Thùy Giang bày tỏ niềm tâm đắc của mình qua tác phẩm trứ danh của nhà báo trứ danh Tom Plate.

Cuốn sách tập hợp một trăm bài viết của Tom Plate về các vấn đề ở châu Á từ năm 1995. Châu Á có sự quyến rũ đặc biệt đối với nhà báo Tom Plate, như cách ông bộc bạch: “Ngày trước, tôi là một nhà báo ăn xổi ở thì, nhưng châu Á đã biến tôi thành kiểu ăn chắc mặc bền… Đột nhiên, tôi nhận ra mình đang ở lưng chừng tương lai. Đó chính là nơi nhà báo muốn tới”.

Nghe có vẻ trừu tượng, nhưng các vấn đề trong tập sách này lại rất cụ thể. Bạn đọc sẽ tìm thấy những nhận định về Trung Quốc, Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản…, cả những vấn đề tế nhị như câu chuyện nhân quyền ở châu Á, đạo Hồi qua hình ảnh “điệp viên chẳng có gì ngoài liều lĩnh”, đặc biệt là các vấn đề về Trung Quốc và Mỹ được đề cập nhiều lần…

Quyển thứ ba trong loạt sách viết về nghề báo lần này là Nhanh đúng trúng hay của nhà báo Hải Đường - nguyên Ủy viên Ban biên tập báo Nhân Dân.

Tập sách là cái nhìn từ bên trong của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Những kinh nghiệm từ xử lý tin bài đến câu chuyện giao ban, bản lĩnh của tổng biên tập… là những chất liệu đáng kể cho những ai quan tâm đến công việc “bếp núc” thực sự của báo chí Việt Nam.

Nhà báo ra sách

 

Nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết anh viết quyển Những đứa trẻ mắc zịch với cảm hứng từ niềm đam mê ảo thuật của hai con trai - Ảnh: L.Điền
Nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết anh viết quyển Những đứa trẻ mắc zịch với cảm hứng từ niềm đam mê ảo thuật của hai con trai - Ảnh: L.Điền

Bên cạnh đó là ba tác phẩm thuộc thể loại tạp bút, truyện dài và tiểu thuyết của ba nhà văn, nhà báo quen thuộc.

Nhà văn Trần Văn Tuấn với tiểu thuyết Thông tin đa chiều tâm sự rằng ông muốn viết để ghi lại một chặng đường đổi mới của báo chí Việt Nam. Tiểu thuyết phát triển trên nền của những người thực việc thực trong làng báo, với các cung bậc buồn vui cay đắng lẫn những nhân vật cơ hội kiểu Xuân Tóc Đỏ…

Tạp bút Sài Gòn dòng sông tuổi thơ của nhà báo Lê Văn Nghĩa là một kiểu nhẩn nhà ôn lại “chuyện hồi đó của mình”. Nói vậy nhưng những câu chuyện không hẳn là riêng biệt, một khoảng trời sinh động của Sài Gòn mà tác giả chứng kiến từ thời bé thơ được thuật lại qua những tình tiết thú vị: người Chợ Lớn uống cà phê bằng dĩa, người Sài Gòn đọc báo buổi chiều, Sài Gòn và những chiếc cầu đã mất…

Ngoài ra, truyện dài Những đứa trẻ mắc zịch của nhà văn nhà báo Trần Nhã Thụy là câu chuyện li kì của những đứa trẻ đam mê ảo thuật.

Trần Nhã Thụy tâm sự rằng anh lấy cảm hứng từ niềm yêu thích ảo thuật của hai con trai anh, và cấu tứ thành truyện dài với nội dung có cả cuộc phá án, có sự bao dung và đố kỵ của những người lớn… hy vọng sẽ là quyển sách mang lại nhiều bổ ích cho các em.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên