13/07/2012 10:40 GMT+7

Sở Y tế lúng túng với nước thải y tế

Chậm tái định cư, lòi ra chuyện bất thường về giá đất
Chậm tái định cư, lòi ra chuyện bất thường về giá đất

TT - Xử lý nước thải y tế là vấn đề duy nhất được đại biểu tập trung chất vấn Sở Y tế TP.HCM trong phiên họp HĐND TP chiều 12-7, nhưng trả lời của đại diện Sở Y tế TP đã không làm các đại biểu hài lòng.

A6Y9TUgD.jpgPhóng to
Đại biểu Huỳnh Công Hùng chất vấn xung quanh vấn đề xử lý nước thải y tế - Ảnh: Minh Đức

Trước phiên chất vấn, tại phiên thảo luận sáng 12-7, HĐND TP đã thông qua tám tờ trình của UBND TP. Trong đó có các tờ trình về phí trông giữ xe; mức vận động đóng góp quỹ quốc phòng an ninh; chế độ thu nộp quản lý về phí chứng thực bản sao, chữ ký; đặt tên đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố đại tướng Mai Chí Thọ và cố giáo sư Trần Văn Giàu...

Vấn đề nước thải y tế từng “nóng” từ kỳ họp lần trước, khi HĐND TP đã ra nghị quyết yêu cầu 100% cơ sở y tế phải đạt chuẩn về xử lý nước thải trước tháng 12 năm nay. Tuy nhiên, báo cáo của UBND TP tại kỳ họp HĐND TP lần này cho thấy số lượng cơ sở y tế đạt chuẩn về nước thải mới hơn 60%.

TFBBMU2O.jpgPhóng to

Ông Huỳnh Văn Biết, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trả lời chất vấn chưa làm các đại biểu hài lòng- Ảnh: Minh Đức

Cho khất lại câu trả lời

Đại biểu Trần Trọng Dũng thắc mắc: “Trong báo cáo của UBND TP đã có sự tham mưu của Sở Y tế thì chỉ có khoảng 60% cơ sở y tế đạt chuẩn về xử lý nước thải, nhưng Sở Y tế lại báo cáo đến thời điểm này có đến 95% nước thải y tế đã được xử lý. Phải giải thích sao về con số chênh lệch này?”.

Không giải thích độ chênh trong hai báo cáo, ông Huỳnh Văn Biết - phó giám đốc Sở Y tế TP - chỉ nói: “Hiện nay mỗi ngày TP thải ra khoảng 17.000m3 nước thải y tế, đã xử lý được khoảng 16.000m3”. Chưa thỏa mãn, đại biểu Dũng vặn lại: “Tôi thắc mắc về chất lượng chứ không phải số lượng. Số lượng 95% nước thải được xử lý có phải đã đạt chuẩn hết không?”. Câu truy vấn này của ông Dũng đã không được đại diện Sở Y tế TP trả lời. Chủ trì buổi chất vấn, gút lại vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, chủ tịch HĐND TP, nói: “Sở Y tế TP nói vậy không biết đại biểu Dũng có tin được không? Thôi thì cứ tạm tin, cần thiết thì đại biểu đi giám sát”.

TP có 285 phòng khám đa khoa, chuyên khoa (trong đó có khoảng 200 phòng khám nha khoa) chưa có hoặc chưa vận hành hệ thống xử lý nước thải. Đại biểu Phạm Văn Đông đặt vấn đề: “Với 200 phòng khám nha, nếu nước thải từ nhổ răng, chữa răng mà cứ chảy thẳng ra ngoài không qua xử lý thì rất đáng ngại. Vậy Sở Y tế TP dự tính xử lý nước thải này bằng cách nào?”. Và câu trả lời của đại diện Sở Y tế TP làm nhiều đại biểu bất ngờ khi cho biết sẽ thu gom nước thải y tế từ các cơ sở này rồi đưa đi xử lý (?). Vì đã hết thời gian, không có đại biểu nào chất vấn tiếp về cách “đi gom nước thải y tế để xử lý” nhưng bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nói thay đại biểu khi cho rằng: “Câu trả lời này có lẽ phải cho khất lại. Vì trả lời như vậy đại biểu chưa thỏa mãn”.

Tăng trưởng cuối năm có đủ bù chỉ tiêu?

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết trong sáu tháng đầu năm nay đã giải ngân được hơn 25.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp vay ưu đãi. Theo ông Minh, đây là một nỗ lực lớn để cứu doanh nghiệp, phần quan trọng trong việc giữ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế TP. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định: “Phải phân loại đánh giá để không hỗ trợ tràn lan, không ai cứu mình được, mình phải cứu mình trước”.

Nhiều đại biểu có ý kiến lo lắng tăng trưởng sáu tháng đầu năm quá thấp, liệu có đủ bù cho chi tiêu của cả năm. Đại biểu Võ Văn Sen đặt vấn đề: “Sáu tháng đầu năm GDP tăng 8,1%, rất chậm so với năm trước và so với chỉ tiêu, xuất khẩu chỉ tăng hơn 5%. Như vậy, sáu tháng cuối năm GDP sẽ phải tăng khoảng 12% để đạt chỉ tiêu trên 10%, và xuất khẩu thì còn “nặng gánh” hơn, phải tăng đến 22-24% để khỏa lấp cho đủ chỉ tiêu. Liệu TP có gánh nổi chỉ tiêu này?”.

Người trả lời chất vấn là ông Nguyễn Văn Lai - giám đốc Sở Công thương TP - không nói những chỉ tiêu trên đạt được hay không mà chỉ đưa ra các số liệu, giải pháp đã có từ trước kỳ họp. Trao đổi với Tuổi Trẻ sau phiên chất vấn, đại biểu Võ Văn Sen nói ông không hài lòng về phần trả lời này. “Trả lời như vậy là tránh né, chung chung. Người dân TP cần được biết TP sẽ làm gì trong sáu tháng cuối năm để đạt được chỉ tiêu” - ông Sen nói.

“Tôi thấy áy náy mỗi lần tiếp xúc cử tri”

Đây là chia sẻ và cũng là nỗi bức xúc của đại biểu Lê Mạnh Hà khi đề cập đến vấn đề tiếp nhận và trả lời kiến nghị của người dân. Ông Hà nói khi chưa công khai thông tin kiến nghị, ý kiến của người dân như hiện nay thì bản thân ông mỗi lần tiếp xúc cử tri cũng rất khó ăn, khó nói với người dân. Theo ông Hà, nhiều kiến nghị của dân đã bị “bỏ quên” từ tháng này qua năm khác.

Ông Hà cho biết với tư cách là phó chủ tịch UBND TP phụ trách về công nghệ thông tin, ông đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc đưa công khai kiến nghị của cử tri lên website của HĐND TP để ai cũng có thể giám sát việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri đến đâu.

Không thể “hòa cả làng” được!

PGS.TS Trần Văn Thiện, đại biểu HĐND TP, cho rằng qua một số vụ báo chí phản ánh giá thuốc bất hợp lý cho thấy vai trò quản lý của Nhà nước lỏng lẻo, không quản lý được đầu vào - đầu ra. Có những công ty buôn bán thuốc siêu lợi nhuận, trong khi người bệnh phải gánh giá thuốc cao bất hợp lý. Đây là việc rất đau lòng đối với người bệnh, nhất là người nghèo. Tôi cho rằng cần làm rõ có vấn đề “tiếp tay” của tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm trong quản lý hay không? Nếu nói rằng những vụ việc xảy ra như thế mà cơ quan quản lý nhà nước không biết là rất vô lý.

Ông Thiện cho rằng chuyện sai trái ở các phòng khám Trung Quốc đã xảy ra rất lâu. Theo ông Thiện, phải truy cho được người chịu trách nhiệm trong chuyện này chứ không thể “hòa cả làng” được!

Chậm tái định cư, lòi ra chuyện bất thường về giá đất

Tại phiên thảo luận sáng 12-7, đại biểu Trần Quang Thắng đặt vấn đề về sự chậm trễ tái định cư của dự án khu thương mại Bình Điền và trách nhiệm của chủ đầu tư.

Ông Lê Tùng, chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty thương mại Sài Gòn TNHH một thành viên (SATRA), nhìn nhận SATRA là chủ đầu tư của toàn bộ dự án trên. Tuy nhiên, theo ông Tùng, khu tái định cư 400 nền đầu tiên được giao cho Công ty Fimexco, nhưng do công ty này thực hiện chậm nên chuyển Công ty Phú Mỹ Lợi (công ty tư nhân) thực hiện mất gần 10 năm. SATRA đã ứng 80 tỉ đồng cho dự án này.

Theo ông Tùng, chi phí tái định cư do ngân sách phải chi (dự án khu thương mại Bình Điền là dự án nhà nước). UBND Q.8 duyệt giá đất nền tái định cư 19 triệu đồng/m2, trong khi SATRA khảo sát tất cả dự án bất động sản xung quanh thì giá đất chỉ 12 triệu đồng/m2. Như vậy, chênh lệch giữa giá nền đất trả cho Công ty Phú Mỹ Lợi được UBND Q.8 duyệt và giá do SATRA khảo sát lên đến 7 triệu đồng/m2.

Theo ông Tùng, với 400 nền đất trả theo giá 19 triệu đồng/m2 thì tổng tiền ngân sách phải chi là 760 tỉ đồng. Nếu so với giá đất tại các dự án xung quanh (12 triệu đồng/m2) thì chênh lệch đến 280 tỉ đồng. ”Nay chúng tôi chính thức kiến nghị HĐND TP và UBND TP chỉ đạo thanh tra toàn diện dự án này để làm rõ đúng sai, giá cả như thế nào. Thanh tra sớm chừng nào, tốt chừng đó” - ông Tùng nói.

Chậm tái định cư, lòi ra chuyện bất thường về giá đất
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên