24/07/2019 09:50 GMT+7

Sô truyền hình dán mác 'nhí' nhưng thực chất dành cho ai?

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Không ít sô truyền hình được tung ra dịp hè để phục vụ khán giả màn ảnh nhỏ. Riêng trong tháng 7, nhiều chương trình thiếu nhi đình đám đã và sẽ lên sóng. Nhưng...

Sô truyền hình dán mác nhí nhưng thực chất dành cho ai? - Ảnh 1.

Sếp nhí khởi nghiệp mùa đầu tiên phát sóng trên VTV3 - Ảnh: T.L

Tiếp nối Sếp nhí khởi nghiệpGiọng hát Việt nhí cùng lên sóng VTV3 ngày 20-7, chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm người mẫu nhí có độ tuổi từ 5 đến 13 - Model Kid Vietnam lần đầu tiên sản xuất và phát sóng trên VTV9 vào 12h chủ nhật hằng tuần.

Trước đó, Thử tài siêu nhí lên sóng THVL1 ngày 22-6, tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em ở nhiều lĩnh vực như ca hát, nhảy múa, hài kịch...

Đặc biệt, chương trình truyền hình mới toanh đáng lưu ý là Thiếu niên nói đang được sản xuất và dự kiến lên sóng VTV3 trong dịp hè. Có format từ Trung Quốc, Thiếu niên nói từng rất nổi tiếng vì chương trình là dịp để những cô cậu học trò từ cấp I đến cấp III chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình.

Sô thiếu nhi gửi gắm ước mơ người lớn?

Sếp nhí khởi nghiệp là món ăn khá lạ, khác với những cuộc thi về ca hát, nghệ thuật dành cho các em nhỏ đang nở rộ trong thời gian vừa qua.

Thế nhưng với mục đích của cuộc thi, như ban tổ chức công bố là "tìm kiếm, nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp, khuyến khích sự tự tin, khởi dậy năng lực, giúp trẻ có những ước mơ, mục tiêu rõ ràng, có ý thức quan tâm đóng góp các giải pháp cho cộng đồng và xã hội", dường như quá to tát với các em.

Mặt khác, có một số phụ huynh e ngại rằng tuổi của các em chỉ cần học, chơi chứ chưa cần thiết phải làm giàu.

Trong tập 1 Sếp nhí khởi nghiệp, có thể thấy có thí sinh nhí vô cùng tự tin nhưng cũng có bé còn ngây thơ với kế hoạch... làm giàu. Chị Mai Lan nhà ở Q.Tân Bình (TP.HCM) ngạc nhiên khi cô con gái 7 tuổi, sau khi đi học thêm tiếng Anh ở một trung tâm, đề nghị mẹ cho thi Sếp nhí khởi nghiệp.

Sau khi đọc đơn đăng ký tham gia chương trình, chị không khỏi bất ngờ về những câu hỏi được đưa ra trong đơn đăng ký: Sản phẩm kinh doanh của bé là gì? Câu chuyện nào/sự kiện nào khiến bé muốn trở thành nhà kinh doanh tương lai? Bé sẽ quản lý tài chính bằng cách nào? Làm sao bé cân bằng được giữa việc học và khởi nghiệp? Bé sẽ sử dụng số tiền đầu tư để làm gì?...

"Một đứa trẻ 7 tuổi, mới chỉ lớp 1, lo học còn không xong, chữ tài chính còn không hiểu là gì chứ đừng nói trả lời câu hỏi. Vì thế tôi nghĩ các bé cũng chỉ trả lời theo ý của phụ huynh mà thôi" - chị Mai Lan nhận định.

Còn trong cuộc thi Thử tài siêu nhí, giọng ca của hai thí sinh nhí Tuấn Tú và Thái Bảo bolero khá ngọt.

Nhưng khi Tuấn Tú cất lời bài hát Nỗi buồn hoa phượng: "Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng/ Biết ai còn nhớ đến ân tình không...", hay Thái Bảo cất giọng "Chiều nào nâng ly bôi/ Tình vừa mới chấp nối/ Tay không mà mơ ước đi vào đời" trong ca khúc Chuyện đêm mưa, hẳn khán giả người lớn không khỏi giật mình vì lời ca khúc ấy quá "người lớn", không phù hợp với độ tuổi của các em.

Sô truyền hình dán mác nhí nhưng thực chất dành cho ai? - Ảnh 2.

Phim cổ tích Cậu bé nước Nam - phim truyền hình thiếu nhi hiếm hoi đang được phát sóng - Ảnh: ĐPCC

Phim thiếu nhi Việt tiếp tục vắng bóng

Theo những người sản xuất, làm chương trình cho thiếu nhi gặp nhiều khó khăn hơn chương trình cho người lớn, ví dụ như mỗi bé đi thi luôn kèm với phụ huynh đi cùng, chi phí bỏ ra cũng nhiều hơn. Thế nhưng, đó không phải là tất cả.

Kim Anh, nhà sản xuất và đạo diễn chương trình Là la lá - chương trình thuần Việt giúp các bé từ 3 đến 6 tuổi làm quen cảm thụ với âm nhạc, phát sóng trên VTV7, cho rằng: "Để làm ra đúng nội dung có ích và đúng tâm lý các cháu thì cần phải đầu tư công sức và nghiên cứu rất sâu".

Sau khi phát sóng bốn mùa, Gương mặt thân quen nhí tạm ngưng sản xuất trong năm 2018, 2019. Tài tiếu tuyệt nhíSao nối ngôi nhí không đưa vào sản xuất và phát sóng dịp hè này. Theo ông Nguyễn Thanh Phú - giám đốc Jet Studio, lý do là nguồn thí sinh nhí chưa có đủ độ chín muồi.

Trong khi đó cứ đến hè, điệp khúc phim Tây du ký lại trỗi dậy. Phim này vừa trở lại trên kênh VTV2 lúc 19h. Phim thiếu nhi Việt tiếp tục vắng bóng, hiện chỉ có THVL1 duy trì được giờ phim cổ tích Việt dành cho các em với phim Cậu bé nước Nam.

Vài năm gần đây, nhà sản xuất phim và nhà đài không mặn mà với các dự án phim thiếu nhi. Vì thế các em không có lựa chọn nào khác ngoài xem cùng bố mẹ những bộ phim có yếu tố gia đình, có xuất hiện diễn viên nhí như Gia đình là số 1, Những đứa con từ trên trời rơi xuống... và mới đây là phim Hàn Quốc Ngôi trường phép thuật (phát sóng trên HTV2) - bộ phim về học đường khai thác võ công và phép thuật.

Nội dung trên YouTube... màu mỡ hơn

Cho rằng phần lớn các bé và khán giả nhí xem YouTube vì nội dung thiếu nhi trên YouTube màu mỡ hơn tivi nhiều, phụ huynh Bảo Anh (có cô con gái 3 tuổi) góp ý: "Cái cần của truyền hình bây giờ là có nhiều sô để các bạn nhỏ bình thường chứ không phải là những "siêu nhí" được trải nghiệm tham gia.

Các nhà sản xuất cần tìm tòi các hình thức khác tăng yếu tố tương tác với trẻ. Các kênh truyền hình cũng nên có khung giờ giải trí riêng dành cho bé giống ngày xưa thế hệ 8X, 9X có Những bông hoa nhỏ".

Truyền hình thiếu nhi ngày hè Truyền hình thiếu nhi ngày hè 'đói' phim, 'no' game show

TTO - Ngày hè, khán giả nhí luôn háo hức được xem những bộ phim truyền hình mới. Thế nhưng vài năm trở lại đây, cứ mãi một điệp khúc buồn: các bạn nhỏ luôn trong tình trạng “đói” phim và các chương trình giải trí đúng nghĩa.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên