
Tòa nhà chung cư Millennium tại số 132 Bến Vân Đồn - Ảnh: T.T.D.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với các bị can nguyên là lãnh đạo Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Kiến nghị đảm bảo quyền lợi cho người dân
Theo đó các bị can đã bị truy tố gồm: ông Trương Thanh Phong (cựu ủy viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc), Trần Văn Vẹn (cựu chủ tịch hội đồng quản trị), Trần Bảy (cựu trưởng phòng kế hoạch, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Vĩnh Hội), Vũ Bá Vinh (cựu ủy viên hội đồng quản trị kiêm trưởng ban kiểm soát), Trương Văn Húa và Trương Văn Ảnh (cùng là cựu ủy viên hội đồng quản trị).
Theo cơ quan điều tra, quá trình mở rộng điều tra phát hiện tài liệu thể hiện Công ty Nguyễn Kim có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua, bán cổ phần tại Công ty Vĩnh Hội (đơn vị nhận chuyển nhượng khu đất 132 Bến Vân Đồn từ Vinafood II) và trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng tư vấn với Công ty Vĩnh Hội.
Song việc trên không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án này, nên Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản chuyển thông tin cho Công an TP.HCM xem xét, xử lý.
Đối với khu đất 132 Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM), tháng 7-2024 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn đề nghị UBND TP.HCM tạm dừng giải quyết việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế… và tạm dừng thay đổi đăng ký kinh doanh đối với Công ty Phú Mỹ Hưng để phục vụ điều tra.
Kết quả điều tra đến nay xác định Công ty Phú Mỹ Hưng là bên thứ ba ngay tình, đã triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch và bán toàn bộ sản phẩm cho người dân.
Do đó cơ quan điều tra đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan và kiến nghị Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục xem xét, giải quyết trong quá trình xét xử, đảm bảo quyền lợi cho người dân đã mua sản phẩm tại dự án.

Các bị can Trương Thanh Phong, Trần Bảy, Trần Văn Vẹn (từ trái qua) tại cơ quan công an - Ảnh: Bộ Công an
Chuyển giao khu đất 132 Bến Vân Đồn gây thiệt hại 113,7 tỉ đồng
Theo cơ quan điều tra, ông Phong được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án. Cụ thể, ông Phong chỉ đạo không thực hiện dự án theo phương án được Bộ Tài chính phê duyệt, không lập hồ sơ tài sản, bỏ ngoài sổ sách khu đất.
Ông Phong còn ký tờ trình đề nghị hội đồng quản trị Vinafood II chấp thuận việc chuyển quyền sử dụng khu đất 132 Bến Vân Đồn (đất công sản, Vinafood II được giao quản lý, sử dụng) cho Công ty Vĩnh Hội theo hình thức chỉ định, không qua thẩm định giá, không đánh giá lại tài sản.
Ngoài ra, cựu tổng giám đốc Vinafood II còn ký công văn để Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM xác nhận biến động, thay đổi người sử dụng đất từ Vinafood II sang Công ty Vĩnh Hội, chấm dứt quyền quản lý, sử dụng của Vinafood II đối với khu đất.
Hành vi trên của ông Phong vi phạm quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, gây thiệt hại hơn 113,7 tỉ đồng. Đây là số tiền chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường (theo kết luận định giá tại thời điểm tháng 1-2011 là 241,5 tỉ đồng) với giá trị do Vinafood II tự ấn định để góp vốn (hơn 127,7 tỉ đồng).
Ông Phong khai dù biết rõ Vinafood II phải làm chủ đầu tư dự án theo phương án xử lý, sắp xếp cơ sở nhà đất 132 Bến Vân Đồn được Bộ Tài chính phê duyệt, nhưng do Vinafood II không có năng lực nên ông Phong tìm đối tác để thành lập liên doanh thực hiện dự án.
Ông Phong lựa chọn và quyết định cho Công ty Nguyễn Kim, Công ty Thái Sơn cùng tham gia, rồi đề xuất hội đồng quản trị Vinafood II chấp thuận thực hiện theo hình thức thành lập pháp nhân mới là Công ty Vĩnh Hội.
Bản chất là Vinafood II đứng ra mua hộ khu đất, rồi chuyển giao cho Công ty Vĩnh Hội và nhận được 10% vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Hội, giá trị sổ sách là 15 tỉ đồng. Ông Phong không được hưởng lợi gì từ việc này.
Các bị can còn lại được xác định phạm tội với vai trò đồng phạm, giúp sức cho ông Phong.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận