15/06/2021 13:11 GMT+7

Số doanh nghiệp 'rút lui' tăng 23%, gói hỗ trợ triển khai chậm, chưa hiệu quả

LÊ KIÊN - NGỌC HIỂN
LÊ KIÊN - NGỌC HIỂN

TTO - Trong 5 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.

Số doanh nghiệp rút lui tăng 23%, gói hỗ trợ triển khai chậm, chưa hiệu quả - Ảnh 1.

Bộ Kế hoạch và đầu tư dự báo hoạt động của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: một doanh nghiệp trả mặt bằng tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Sáng nay (15-6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp cuối năm của Chính phủ.

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay trong 5 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có những chuyển biến tích cực. Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 5 tháng tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016.

Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020... Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt nâng điểm triển vọng lên "tích cực".

Về dự báo thực hiện các chỉ tiêu 6 tháng đầu năm, ông Dũng cho hay quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỉ đồng và tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn các kịch bản đã đề ra.

Tuy nhiên, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng hoạt động của doanh nghiệp dự báo còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%) và xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao. Đặc biệt, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%.

Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh.

Số doanh nghiệp rút lui tăng 23%, gói hỗ trợ triển khai chậm, chưa hiệu quả - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh - Ảnh: NGỌC HIỂN

Ngoài ra, ông Dũng cũng trình bày những mặt tồn tại như xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỉ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,8%) và cán cân thương mại có chiều hướng nghiêng về nhập siêu (5 tháng nhập siêu 369 triệu USD).

Theo ông Dũng, thu hút FDI đạt 14 tỉ USD, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50% cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm.

Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tán thành với nhận định trong báo cáo của Chính phủ khi GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn kỳ vọng, tuy nhiên đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn; đề nghị đánh giá rõ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc và kết quả kiểm tra, ngăn chặn gian lận thương mại, gian lận xuất xứ...

Gói hỗ trợ chậm, chưa hiệu quả như mong muốn

ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-bi-anh-huong-boi-covid-19-cham-chua-hieu-qua1623723535

Ông Vũ Hồng Thanh đánh giá các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức - Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng công tác triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã có những hiệu quả tích cực, song việc triển khai các gói hỗ trợ còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn.

Cụ thể, ông Thanh cho hay tính đến ngày 27-5, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỉ đồng/35.880 tỉ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ. Gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc thông qua chính sách cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với quy mô 16.000 tỉ đồng đã giải ngân cho 245 người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động với số tiền 41,8 tỉ đồng, tương ứng với 0,26% quy mô gói hỗ trợ.

Bên cạnh đó, gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỉ đồng đã nhận và giải quyết cho cho 192.503 lao động của 1.846 đơn vị, doanh nghiệp với tổng số tiền là trên 786 tỉ đồng, tương ứng với 12,1% quy mô gói hỗ trợ.

Ông Thanh đánh giá các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ... do đó các đối tượng này cần được đánh giá kỹ hơn trong báo cáo của Chính phủ.

Chưa thấy đề xuất Quốc hội sửa Luật đất đai Chưa thấy đề xuất Quốc hội sửa Luật đất đai

TTO - Luật đất đai 2013 được đánh giá là đang tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc nhưng lại chưa có đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật 2 năm đầu tiên của Quốc hội khóa XV.

LÊ KIÊN - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên