Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động VN khẳng định thông qua việc giám sát, nhiều doanh nghiệp đã đóng BHXH và giúp thu về cho quỹ gần 7 tỉ đồng, trong đó có doanh nghiệp đã đóng BHXH cho người lao động ngay trước khi đoàn giám sát đến. |
Theo ông Chính, chương trình giám sát kể trên do liên ngành Trung ương gồm Ủy ban MTTQ VN, Tổng Liên đoàn lao động VN, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, Thanh tra Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng phối hợp thực hiện.
“Năm 2014 đoàn giám sát liên ngành đã giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH tại 12 doanh nghiệp trên địa bàn 4 tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang. Kết quả tại cả 4 tỉnh đều có doanh nghiệp nợ BHXH” - ông Chính cho hay.
Cũng theo ông Chính, thông qua việc giám sát, nhiều doanh nghiệp đã đóng BHXH và giúp thu về cho quỹ gần 7 tỉ đồng. “Ví như trước khi đoàn giám sát đến, Công ty cổ phần May Bắc Giang đã nộp tiền BHXH của tháng 9-2014 cho 10.000 lao động tương đương với số tiền 6 tỉ đồng. Hay sau khi kết thúc giám sát, Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm PTSC đã nộp ngay số tiền BHXH 1,8 tỉ đồng” - ông Chính nói.
Nhiều sai phạm của doanh nghiệp trong thực hiện BHXH
Về kết quả giám sát, ông Chính khẳng định đoàn giám sát liên ngành đã phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp ở các dạng thức khác nhau trong thực hiện BHXH. Riêng số tiền nợ BHXH được xác định có giảm, so với năm 2013 còn nợ 11.000 tỉ đồng thì năm 2014 số nợ giảm xuống còn 7.000 tỉ đồng.
Thứ nhất, có 7/12 doanh nghiệp chưa thực hiện ký hợp đồng lao động và đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời cho người lao động. Có 867 người lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHTN nhưng chưa tham gia BHXH bắt buộc.
Thứ hai, có 4/12 doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài, hàng tháng đều trích tiền đóng BHXH từ tiền lương, tiền công của người lao động nhưng không đóng vào quỹ BHXH mà chỉ đóng theo kiểu “trừ nợ dần” vào quỹ BHXH làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hưởng BHXH của người lao động.
Thứ ba, có 11/12 doanh nghiệp tạm ứng chi cho người lao động khi có phát sinh nghỉ ốm đau, thai sản và dưỡng sức phục hồi sức khỏe chưa kịp thời sau 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo Luật BHXH, mà chủ yếu chờ cơ quan BHXH quyết toán mới chi trả đủ cho người lao động.
Thứ tư, một số doanh nghiệp may như Công ty TNHH Unico Global VN sử dụng 359 lao động thời vụ, thường xuyên biến động và có hiện tượng lao động nữ nghỉ hết 6 tháng thai sản là nghỉ việc. Hay Công ty cổ phần may Bắc Giang sử dụng thường xuyên 350 học sinh học nghề; Công ty TNHH Vạn Đức ký hợp đồng dưới 3 tháng đối với 30 lao động làm việc thường xuyên nhưng không trọn ngày, trọn giờ.
Tổng số có 739 người lao động làm việc thường xuyên nhưng doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng lao động thời vụ hoặc hợp đồng học nghề để tránh tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động.
Thứ năm, việc chốt sổ và trả sổ BHXH cho người lao động sau khi người lao động thôi việc còn chưa đầy đủ, chưa đúng quy định. Tại thời điểm giám sát có 856 sổ BHXH doanh nghiệp giữ lại không trả cho người lao động khi người lao động đã nghỉ việc. Đa số doanh nghiệp đều không biết quy định của BHXH VN là sau 12 tháng nghỉ việc, người lao động không đến nhận sổ BHXH thì doanh nghiệp phải bàn giao lại sổ BHXH cho cơ quan BHXH quản lý.
Thứ sáu, 11/12 doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương theo quy định của chính phủ.
Kiến nghị Quốc hội bổ sung tội trốn đóng BHXH vào Bộ luật hình sự (sửa đổi)
“Đáng nói hơn là qua giám sát cho thấy các cơ quan quản lý không nắm được số lao động của các doanh nghiệp. Ví như doanh nghiệp có 1.000 lao động nhưng khi họ khai báo có 500 lao động thì cơ quan quản lý cũng chỉ biết vậy, họ chỉ đóng BHXH cho 500 người cũng chỉ biết chừng đó, còn 500 người nữa mà họ né tránh, không đóng BHXH thì cũng không biết được” - ông Chính nói.
Kết thúc chương trình giám sát năm 2014, ông Chính khẳng định: “đoàn giám sát liên ngành trung ương sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung tội danh trốn đóng BHXH và tội chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”.
Ngoài ra, ông Chính cũng cho biết, đoàn giám sát cũng sẽ kiến nghị Chính phủ có giải pháp xử lý nợ BHXH ở các doanh nghiệp không còn hoạt động, phá sản hoặc có chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi VN; khoanh nợ BHXH cho những doanh nghiệp thực sự khó khăn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động và cả doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận