13/03/2019 09:36 GMT+7

Sợ dịch, người dân chọn mua thịt heo của đơn vị 'có tóc'

TRẦN MẠNH - NGUYỄN TRÍ - CHÍ TUỆ - HỮU DUYÊN
TRẦN MẠNH - NGUYỄN TRÍ - CHÍ TUỆ - HỮU DUYÊN

TTO - Dịch bệnh phức tạp, nhiều thông tin kêu gọi tẩy chay thịt heo. Tuy nhiên, đa số người dân vẫn dùng bình thường và tại nhiều nơi, thịt heo rõ nguồn gốc đang vượt lên, được lựa chọn nhiều hơn.

Sợ dịch, người dân chọn mua thịt heo của đơn vị có tóc - Ảnh 1.

Khách hàng mua thịt heo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại một siêu thị ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, cơ quan chức năng khẳng định đang làm hết khả năng để ngăn chặn lây lan dịch bệnh và thịt heo bệnh khó có thể ra thị trường.

Thông tin thất thiệt, tiêu thụ heo giảm

Đây đó có hiện tượng người dân và doanh nghiệp e ngại dùng thịt heo trước thông tin dịch tả heo châu Phi (ASF). 

Một số trường mầm non ở Hà Nội đã thông tin đến phụ huynh về việc ngưng sử dụng thịt heo trong thực đơn hằng ngày của các bé, thay vào đó là cá, tôm, gà hoặc bò. 

Gần đây nhất, một công ty tại Bình Dương đã gửi công văn cho khách hàng thông tin ngưng sử dụng toàn bộ thịt heo tại VN trong chế biến, thay vào đó là nguồn thịt heo nhập khẩu, thậm chí có doanh nghiệp FDI công bố nhà ăn tạm dừng phục vụ món thịt heo.

Theo thông tin từ chợ đầu mối tại TP.HCM như Bình Điền (Q.8), lượng thịt về chợ từ ngày 8-3 đến nay có xu hướng giảm. Theo đó, ngày 12-3 tổng lượng thịt heo và phụ phẩm về chợ đạt 223,2 tấn, giảm khoảng 70 tấn. Tương tự, lượng heo về chợ Hóc Môn khuya 12-3 đạt 3.850 con, giảm gần 1.000 con so với bình thường.

Bà Ngô Thị Mai - tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) - cho biết hiện trung bình mỗi ngày bà bán ra khoảng 60kg thịt heo các loại, giảm khoảng 10% so với khi VN chưa xuất hiện dịch ASF.

Tại một số chợ địa bàn Hà Nội như chợ Xanh Kim Liên (quận Đống Đa), chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình)... các tiểu thương bán thịt heo tại đây cũng cho biết kể từ khi Hà Nội có dịch, thịt heo bán chậm hơn so với trước.

Hơn 17.000

Đó là lượng heo của hơn 1.000 hộ, tại 146 xã, 44 huyện, quận, thị xã phải tiêu hủy (theo thống kê chưa đầy đủ từ các tỉnh, tính đến hết ngày 12-3)

Nguồn: Bộ NN&PTNT

Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng phản ứng dừng dùng thịt heo của một số đơn vị là thái quá. 

Cũng theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nguy hiểm nhất là những thông tin thất thiệt trên mạng mà nhiều người thiếu hiểu biết hoặc cố tình xuyên tạc để làm người dân lo ngại về heo bệnh dẫn tới tẩy chay. 

Trong thời gian qua có nhiều tài khoản mạng xã hội đưa thông tin, hình ảnh không đúng về dịch ASF, dù bị xử lý nhưng đã gây tâm lý e ngại với thịt heo.

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi, khẳng định các nghiên cứu từ các nhà khoa học ở Tổ chức Thú y thế giới, Tổ chức Y tế thế giới và nhiều quốc gia đều khẳng định virút dịch tả heo châu Phi không lây lan và gây bệnh cho người. Do đó, một số thông tin gây hoang mang là xuyên tạc, làm phức tạp thêm cho công tác phòng chống dịch.

Sợ dịch, người dân chọn mua thịt heo của đơn vị có tóc - Ảnh 3.

Người dân chọn mua thịt heo chiều 12-3 tại một siêu thị ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: NGUYỆT NHI

Kênh phân phối hiện đại lên ngôi

Dù nhu cầu sử dụng thịt heo có giảm nhưng theo ghi nhận, lượng sụt giảm chủ yếu diễn ra ở các chợ, điểm bán thịt không rõ nguồn gốc. Nhu cầu đối với các sản phẩm thịt có nguồn gốc rõ ràng, điểm bán đảm bảo vệ sinh, có thương hiệu vẫn không giảm, thậm chí tăng, nhất là tại các hệ thống siêu thị.

Theo Saigon Co.op, sức mua thịt heo tươi trên toàn hệ thống vẫn tốt, thậm chí từ sau thông tin dịch ASF, mức tiêu thụ thịt heo trong những tuần qua của hệ thống tăng trung bình hơn 20% (60-70 tấn/ngày). 

Theo đại diện đơn vị này, ngay khi có thông tin về bệnh dịch, hệ thống đã áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát nguồn thịt như tổ chức kiểm tra đột xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm, ưu tiên nhập thịt trực tiếp từ các đầu mối uy tín.

Ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Công ty Vissan - cũng cho biết lượng thịt heo bán ra tại hệ thống siêu thị ở TP.HCM của đơn vị có xu hướng tăng nhẹ so với trước khi có thông tin dịch tả với tổng lượng bán hơn 60 tấn/ngày.

Người dân Hà Nội cũng có xu hướng tìm đến các kênh phân phối hiện đại, dễ truy trách nhiệm hơn. Chị Nguyễn Thanh Hằng (ở Nam Đồng, Đống Đa) cho biết thay vì trước kia hay mua ở chợ thì chị chuyển sang mua trong siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn, các chuỗi cung ứng lớn.

Sợ dịch, người dân chọn mua thịt heo của đơn vị có tóc - Ảnh 4.

Anh Lê Công Triệu - phó Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP.HCM) - phun thuốc tiêu độc khử trùng xe vận chuyển heo trước khi vào nội thành TP.HCM chiều 12-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Heo bệnh không dễ ra thị trường"?

Tại buổi làm việc với các lò mổ, chợ đầu mối trên địa bàn vào rạng sáng 12-3, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - thừa nhận việc "đánh du kích" bằng cách mổ lậu và lén tuồn thịt bẩn ra thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

"Tối các ngày 8, 9 và 10-3, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP đã bắt giữ và tiêu hủy tại chỗ hàng tấn thịt không rõ nguồn gốc, kém chất lượng tìm cách tuồn vào chợ đầu mối. Tuy nguồn thịt này không nhiều và hầu hết buộc tiêu hủy tại chỗ, xử phạt, nhưng nếu kiểm soát không tốt thì đây là nguồn nguy cơ lây bệnh dịch" - bà Lan khẳng định.

Cũng theo bà Lan, lực lượng quản lý thị trường, công an, thú y... đang tập trung kiểm soát các chốt chặn với mục tiêu không một xe heo nào đi vào TP mà không qua kiểm tra.

Theo Chi cục Chăn nuôi và thú y TP.HCM, trung bình thị trường TP tiêu thụ hơn 11.000 con heo/ngày. Trong đó, đa số lượng heo về chợ đầu mối và một ít về siêu thị. Ở nguồn cung cấp này TP kiểm tra chặt về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, lấy mẫu kiểm tra nếu cần... trước khi đưa ra thị trường.

Sợ dịch, người dân chọn mua thịt heo của đơn vị có tóc - Ảnh 5.

Đồ họa: T.ĐẠT

TP.HCM siết việc truy xuất nguồn gốc

Theo thông tin được đưa ra tại buổi báo cáo công tác phòng chống dịch ASF trên địa bàn TP.HCM chiều 12-3, bình quân một ngày có 14-16 xe vận chuyển 2.000-2.500 con heo vào các tỉnh ĐBSCL, giết mổ rồi đưa về TP.HCM tiêu thụ.

Sở NN&PTNT kiến nghị các địa phương rà soát bổ sung, tích cực triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp dịch bệnh, tăng cường kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thịt heo tại các chợ đầu mối, kho bảo quản, kể cả ở cơ sở sản xuất, chế biến; giám sát xuyên suốt, chặt chẽ tình hình nhập heo từ các tỉnh về thành phố…

Không lây nhiễm nhưng không nên dùng thịt bệnh

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, bệnh dịch ASF không lây trực tiếp sang người. Do đó, nếu chẳng may ăn thịt heo bị dịch ASF thì chúng ta không nhiễm virút gây bệnh này.

Tuy nhiên, bà Lan thừa nhận không chỉ dịch ASF, các bệnh khác đều ảnh hưởng ít nhiều đến con người nếu không chế biến hoặc lựa chọn sản phẩm an toàn.

"Người tiêu dùng cần ăn chín uống sôi, nên mua ở điểm bán có nguồn gốc, không dùng thịt mổ lậu có nguồn trôi nổi. Bệnh không lây nhiễm nhưng tốt nhất không nên dùng thịt bệnh" - bà Lan khuyến cáo.

Cách nhận biết thịt heo không bệnh

Theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, thịt heo khỏe an toàn sẽ có màu đỏ tự nhiên, mỡ sáng, độ đàn hồi khi dùng tay nhấn vào miếng thịt, không bị nhão, không bị rỉ nước.

Còn thịt heo mắc bệnh hoặc thịt hư thường có lấm chấm xuất huyết, màu lạ như nâu xám, đỏ thâm, xanh nhạt, có khi có đốm, chạm tay vào miếng thịt đàn hồi kém và có cảm giác bị nhớt.

Ông Nguyễn Trí Công thì cho rằng heo mắc bệnh có dấu hiệu sốt cao ảnh hưởng ngay đến chất lượng thịt. Trường hợp heo thịt bị nhiễm bệnh này có màu tái và không tự nhiên, người dân có thể phân biệt bằng mắt thường.

"Trường hợp heo bị bệnh thì có thể phát hiện bằng cảm quan bên ngoài cũng như qua các chốt kiểm tra của cơ quan chức năng trước khi được giết mổ đưa ra thị trường. Do đó, với thịt heo bán tại những địa điểm được kiểm tra rõ nguồn gốc thì người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng".

T.MẠNH - N.TRÍ

Heo từ Bắc vào Nam giảm mạnh

heo

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên (Đà Nẵng) - Ảnh: BÙI TOÀN

Mặc dù đề xuất tạm thời cấm vận chuyển heo từ các tỉnh phía Bắc vào Nam kể từ đèo Hải Vân chưa được chấp thuận nhưng TP Đà Nẵng vẫn lập những chốt chặn kiểm soát lượng heo ra vào TP.

Ghi nhận tại Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên, là chốt chặn chính làm nhiệm vụ kiểm soát heo từ miền Bắc vào phía Nam, những ngày qua số xe chở heo qua lại giảm hẳn. Xe heo muốn qua lại phải trải qua nhiều khâu kiểm tra, giám sát.

Ông Nguyễn Văn Lâm, trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Kim Liên, cho biết trung bình mỗi ngày có 20 - 25 xe heo qua trạm, nhưng từ khi công bố dịch đến nay chỉ còn khoảng 5 xe mỗi ngày.

"Việc kiểm soát lượng heo ra vào thành phố theo tinh thần "chống dịch như chống giặc" nên chúng tôi túc trực 24/24 để không bỏ lọt xe. Cụ thể xe heo qua trạm, ngoài kiểm tra nguồn gốc, chứng từ kiểm dịch, cán bộ thú y sẽ thực hiện phun thuốc tiêu độc, khử trùng, sau đó tiến hành công đoạn kiểm tra tình trạng sức khỏe heo sống trên xe... Chỉ cần một con có biểu hiện bệnh cũng không cho đi qua" - ông Lâm cho biết.

Theo Sở NN&PTNT Đà Nẵng, đến thời điểm này đã cấp phát hơn 1.000 lít Benkocid cho các địa phương, cơ sở tiêu độc khử trùng. Đơn vị này cho biết đã cử thêm cán bộ giám sát việc vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các cơ sở giết mổ, kiểm soát chặt việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển heo.

TRƯỜNG TRUNG - PHÙNG TÂM

Thuê thêm cán bộ, kêu gọi không tẩy chay thịt heo

Theo Cơ quan Thú y vùng VII (đóng tại TP Cần Thơ), hiện chưa ghi nhận các tỉnh khu vực ĐBSCL có lây nhiễm dịch ASF. Nhưng nguy cơ rất lớn nên hầu như toàn bộ cán bộ của Thú y vùng VII đã được điều động đến các tỉnh phụ trách để đôn đốc, hướng dẫn địa phương tăng cường kiểm dịch, phòng chống dịch bệnh cho heo.

Ngoài việc tăng cường các chốt kiểm soát, tại TP Cần Thơ, ông Lê Trung Hoàng - phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Cần Thơ - cho biết một biện pháp khác đang được ngành thú y các tỉnh ĐBSCL chú trọng là kiểm soát giết mổ tại các điểm mổ heo.

Tại Cần Thơ, ngoài lực lượng cán bộ thú y theo biên chế, TP còn hợp đồng thêm 109 nhân viên thú y, đảm bảo kiểm soát được lượng thịt tại 26 lò mổ tập trung. Nhân viên thú y trực 24/24 giờ, kiểm tra lượng heo đưa vào, quá trình giết mổ, sản phẩm thịt ra thị trường; ngoài việc kiểm tra giấy tờ, chứng nhận thú y, còn tổ chức lấy mẫu kiểm định thịt bán ra.

Trước thông tin dịch ASF lây lan tại các tỉnh phía Bắc, thị trường tiêu thụ thịt heo ở ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng, nhiều người tiêu dùng có tâm lý ngại ăn thịt heo.

Tuy nhiên, giá heo hơi trong khu vực vẫn ở mức cao so với khu vực miền Trung và miền Bắc, dao động ở mức 45.000 - 53.000 đồng/kg, thịt heo bán lẻ có giá từ 80.000 - 105.000 đồng/kg.

Trước tình hình tiêu thụ thịt heo có xu hướng sụt giảm, ngành nông nghiệp các tỉnh cũng đang có nhiều biện pháp kêu gọi người dân không quay lưng "tẩy chay" thịt heo.

T.LŨY - K.TÂM - T.HẠNH - T.TÚ

'Dịch tả heo vào miền Nam là thảm họa'

TTO - "Ở các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ cho heo ăn, tắm heo, tất cả chất thải đều thải xuống sông, kênh, rạch… nếu như dịch tả heo châu Phi vào miền Nam thì đây có thể là một thảm họa"

TRẦN MẠNH - NGUYỄN TRÍ - CHÍ TUỆ - HỮU DUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên