30/11/2011 06:32 GMT+7

Sơ chế dược liệu trên hè phố

Ông ĐOÀN CAO SƠN(viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương)
Ông ĐOÀN CAO SƠN(viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương)

TT - Ngày 29-11, Cục Quản lý dược và Sở Y tế Hà Nội đã khảo sát tại làng thuốc Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), đầu mối dược liệu lớn nhất nước.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, phó chủ tịch xã Ninh Hiệp, xã có trên 300 hộ kinh doanh dược liệu, nhưng chỉ... 18 hộ đủ điều kiện hành nghề.

Chưa kể nhiều loại dược liệu của một công ty dược liệu sạch được sơ chế ngay dưới đất.

RtLw5Qyn.jpgPhóng to
Phơi thuốc dưới đất tại Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) - đầu mối dược liệu lớn nhất VN - Ảnh: HOÀNG NGỌC

Trên 90% không đủ điều kiện hành nghề

Năm 2010 từng có hiện tượng các nhà kinh doanh dược liệu dùng chất nhuộm màu độc hại rhodamine B (tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến ung thư) nhuộm màu chi tử. Gần đây do bị kiểm tra ráo riết nên không phát hiện rhodamine B trong chi tử nữa, nhưng vẫn có hiện tượng dược liệu không được bảo quản tốt, bị mốc, chứa aflatoxin (có thể gây tác hại lên gan, thận...), hoặc người mua đã mua nhầm hồng kỳ mà tưởng là dược liệu có tên hoàng kỳ.

Theo ước tính của lãnh đạo xã Ninh Hiệp trong cuộc làm việc với Cục Quản lý dược và Sở Y tế Hà Nội, trung bình một ngày có khoảng 30 tấn dược liệu (chủ yếu từ Trung Quốc) được nhập về Ninh Hiệp. Từ Ninh Hiệp dược liệu lại tỏa đi các nơi, đến bệnh viện y học cổ truyền, công ty sản xuất thuốc đông dược, thực phẩm chức năng... khắp cả nước.

Kinh doanh lớn đến như vậy nhưng chỉ có 18 trong hơn 300 hộ kinh doanh dược liệu ở Ninh Hiệp có đủ điều kiện hành nghề, tức là đã qua lớp đào tạo chuyên môn năm 2006. Số còn lại cũng chỉ 50% đủ điều kiện đào tạo (đã tốt nghiệp lớp 12), nên lướng vướng từ rất lâu nhưng việc đào tạo và cấp giấy chứng nhận hành nghề cho khoảng 300 hộ kinh doanh dược liệu ở Ninh Hiệp vẫn trong giai đoạn chờ đợi.

Cuộc làm việc của Cục Quản lý dược, Sở Y tế Hà Nội với lãnh đạo xã Ninh Hiệp đã cho thấy do chưa được đào tạo, việc bảo quản, sơ chế dược liệu ở Ninh Hiệp vẫn thực hiện theo kinh nghiệm cha truyền con nối. Cả xã có một công ty kinh doanh dược liệu sạch, nhưng tại kho công ty, công nhân đang sơ chế lá sen khô ngay dưới đất.

Ông phó chủ tịch xã ngăn phóng viên chụp ảnh vì cho rằng gia đình không cho chụp, báo chí đã làm ảnh hưởng đến kinh doanh dược liệu ở đây nhiều! Dọc đường làng phơi đầy cam thảo và nhiều thứ dược liệu loại củ, loại lá, loại dây không rõ tên ngay trên hè đường.

“Nhiều chỉ tiêu không thể kiểm soát hết”

Ông Đoàn Cao Sơn, viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, cho biết kết quả kiểm tra thường kỳ gần đây thấy khoảng 10% đông dược được kiểm tra không đủ tiêu chuẩn, chủ yếu không đạt về độ nhiễm khuẩn, hàm lượng hoạt chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc đông dược chứa tân dược...

Trả lời Tuổi Trẻ về tình trạng từng có nhiều loại dược liệu (như hoàng kỳ, nhân sâm...) bị tách chiết gần hết hoạt chất, thực chất chỉ còn là rác dược liệu khi bán sang VN, ông Sơn cho hay lượng dược liệu nhập khẩu quá lớn nên nhiều chỉ tiêu không thể kiểm soát hết.

Theo lãnh đạo xã Ninh Hiệp, dược liệu chi tử thường phải thu hái sớm, từ khi còn ương do nếu để chín thì dơi sẽ đến phá. Để nhuộm màu cho đẹp, có khi bà con dùng hoa hiên, nhưng cũng có khi dùng hóa chất nhuộm màu. Gần đây, Bộ Y tế đã bước đầu triển khai quy trình trồng và thu hái dược liệu sạch, bước đầu đã xuất hiện mô hình này ở Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, nhưng quy mô quá ít ỏi so với số lượng dược liệu được tiêu dùng mỗi ngày.

Sự kiện thuốc cam (thường được coi là thuốc từ dược liệu, không độc hại) nhiễm chì hàm lượng cao, gây tử vong và ngộ độc liên tiếp cho trẻ em gần đây một lần nữa gióng lên hồi chuông về chất lượng dược liệu. Nhưng biết kiểm soát thế nào khi ngay thủ đô có một chợ đầu mối dược liệu với trên 90% người kinh doanh chưa đủ điều kiện hành nghề?

Ông ĐOÀN CAO SƠN(viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên