22/08/2024 17:19 GMT+7

Số ca sởi cao hơn 22,5 lần, nhiều tỉnh, thành khẩn trương tiêm vắc xin

Nhóm sẽ tiêm vắc xin là trẻ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ; nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi và chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định.

Số ca sởi cao hơn 22,5 lần, nhiều tỉnh, thành khẩn trương tiêm vắc xin- Ảnh 1.

Trẻ em được tiêm vắc xin sởi tại TP.HCM - Ảnh: H.LAN

Ngày 22-8, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi năm 2024.

Ưu tiên tiêm vắc xin sởi cho trẻ 1-5 tuổi

Chiến dịch này sẽ tiêm vắc xin sởi cho trẻ 1-10 tuổi tại vùng nguy cơ; nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh có điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định.

Ưu tiên tiêm trước cho nhóm từ 1-5 tuổi. Nhóm tuổi cụ thể tiêm chủng do các tỉnh, thành phố quyết định trên cơ sở tình hình dịch bệnh tại địa phương, điều kiện cung ứng vắc xin, nguồn lực của địa phương và trao đổi thống nhất với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực.

Các địa phương sẽ chủ động điều tra lập danh sách tiêm là trẻ thuộc nhóm đối tượng từ 1-10 tuổi bao gồm cả trẻ vãng lai đang có mặt tại địa phương, mỗi trẻ sẽ được tiêm 1 mũi vắc xin sởi - rubella (MR).

Ngoại trừ trẻ đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần sởi hoặc MR hoặc vắc xin có chứa thành phần sởi và/hoặc rubella trong vòng một tháng trước khi triển khai tiêm (có bằng chứng được tiêm thể hiện trên phiếu, sổ tiêm chủng, phần mềm quản lý tiêm chủng); trẻ đã tiêm đủ mũi vắc xin chứa thành phần sởi theo quy định.

Mục tiêu của chiến dịch này là làm tăng tỉ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỉ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi tại các vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi, dịch sởi xảy ra.

Mục tiêu cụ thể là 95% trẻ thuộc nhóm chưa được tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định tại vùng nguy cơ, vùng đang có các ca sởi/dịch sởi xảy ra được tiêm 1 mũi vắc xin sởi - rubella.

Thời gian tiêm là quý 3 - 4 năm 2024, triển khai sớm ngay sau khi vắc xin được cung ứng.

Phạm vi triển khai trong giai đoạn 1 là 135 quận, huyện tại 18 tỉnh thành gồm Hà Giang, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định, Nghệ An, Gia Lai, TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang.

Giai đoạn 2 sẽ bổ sung địa bàn triển khai căn cứ vào kết quả rà soát, thống kê của các tỉnh, thành phố và đề xuất của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực căn cứ vào tình hình dịch sởi tại thời điểm rà soát để bổ sung các tỉnh, quận, huyện, xã triển khai.

Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao

Theo Bộ Y tế, sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng của trẻ như viêm phổi, viêm màng não…

Trước đại dịch, tỉ lệ tiêm mũi 1 vắc xin sởi trên toàn quốc hàng năm đạt trên 95% và tỉ lệ tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ 18 tháng tuổi đạt trên 90%.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chương trình tiêm chủng trên toàn cầu cũng như của Việt Nam bị ảnh hưởng, dẫn tới nhiều trẻ bị lỡ mũi tiêm, trong đó có vắc xin sởi và rubella.

Ngoài ra, việc gián đoạn cung ứng tạm thời các vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng một số giai đoạn trong năm 2022 - 2023 đã ảnh hưởng đến tỉ lệ tiêm chủng các vắc xin bao gồm vắc xin sởi và rubella.

Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm đủ các mũi vắc xin trong những năm gần đây dẫn đến nguy cơ các bệnh phòng được bằng vắc xin quay trở lại, tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới và ổ dịch, nếu không triển khai quyết liệt và liên tục các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch, đặc biệt là công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ bùng phát dịch sởi tại Việt Nam là rất cao.

WHO cũng khuyến cáo tại các tỉnh, thành có nguy cơ cao và rất cao và những nơi hiện có chùm ca sởi, cần triển khai tiêm chủng chiến dịch. Các tỉnh, thành phố còn lại có nguy cơ thấp và trung bình, cần tổ chức rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ lỡ tiêm do đại dịch.

Việc triển khai tiêm chiến dịch và tiêm bù tiêm vét cần được thực hiện khẩn trương để ngăn chặn dịch xảy ra, đặc biệt ở những nơi có chùm ca bệnh không để dịch lan rộng.

Do đặc điểm dịch tễ phức tạp của bệnh sởi, bệnh khả năng lây lan nhanh, rộng và phụ thuộc nhiều vào tiêm chủng nên việc tiêm chủng cần triển khai càng sớm càng nhanh càng tốt.

TP.HCM là 1 trong 7 tỉnh, thành có nguy cơ sởi rất cao

Từ đầu năm đến 11-8-2024, báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, cả nước ghi nhận 1.695 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, 676 trường hợp xác định dương tính, cùng kỳ năm 2023 (246 trường hợp phát ban nghi sởi/30 trường hợp xác định dương tính).

Số trường hợp sốt phát ban nghi sởi 2024 cao hơn 6,9 lần, số trường hợp xác định dương tính cao hơn 22,5 lần.

Kết quả đánh giá nguy cơ sởi tại 63 tỉnh thành theo khuyến cáo của WHO cho thấy 7 tỉnh, thành có nguy cơ rất cao; trong đó miền Bắc có một tỉnh Hà Tĩnh và miền Nam có 6 tỉnh, thành phố. Cụ thể là TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang.

Bên cạnh đó, 7 tỉnh được đánh giá có nguy cơ cao gồm miền Trung có 1 tỉnh (Quảng Nam), Tây Nguyên có 2 tỉnh (Gia Lai, Đắk Lắk) và miền Nam có 4 tỉnh, thành (Tây Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau). Ngoài ra, còn có 9 tỉnh nguy cơ trung bình và 40 tỉnh nguy cơ thấp.

Tại thời điểm hiện tại, số trường hợp sởi đã tăng lên so với thời điểm tiến hành đánh giá nguy cơ.


TP.HCM có đủ điều kiện công bố dịch?

Mới đây, TP.HCM có thông báo về việc xem xét công bố dịch sởi. Ông Hoàng Minh Đức, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay theo đánh giá của cục, TP.HCM mặc dù có số ca mắc cao nhưng đã chuẩn bị rất tốt, có kế hoạch tiêm chủng vắc xin sởi. Việc công bố dịch sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính đó là theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và khả năng đáp ứng của địa phường.

"Theo Luật phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, trong đó có bệnh sởi thì một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ ba năm gần nhất.

Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên. Một tỉnh, thành được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.

Theo quy định thì TP.HCM có thể công bố dịch sởi. Tuy nhiên, việc công bố dịch ngoài theo quy định của luật còn căn cứ theo khả năng đáp ứng, nguồn lực và đánh giá chuyên môn của thành phố. Việc công bố dịch hay không sẽ do địa phương quyết định", ông Đức nói.

DƯƠNG LIỄU

Số ca sởi cao hơn 22,5 lần, nhiều tỉnh, thành khẩn trương tiêm vắc xin- Ảnh 2.Bệnh sởi nặng, đêm cũng phải đưa trẻ đến viện ngay

Theo ThS Đinh Thị Hải Yến, trưởng khoa truyền thông - giáo dục sức khỏe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh sởi hiện vẫn gia tăng và có diễn biến phức tạp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên