Ông Trần Giang Khuê cho rằng số sáng chế ở TP.HCM còn khá khiêm tốn - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đó là chia sẻ của ông Trần Giang Khuê - trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM - trong hội thảo "Giải pháp tạo động lực sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM" do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 16-5.
Việt Nam chỉ mới có khoảng 2.500 bằng độc quyền sáng chế
Theo ông Khuê, dường như chúng ta quan tâm nhiều đến "sản phẩm công nghệ" hơn "công nghệ sản phẩm". Nhiều bên chỉ cần kinh doanh một loại hàng công nghệ tốt, hơn làm chủ được công nghệ bên trong.
Ông Khuê cho rằng phát triển không dựa vào làm chủ công nghệ là chưa bền vững. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn thế giới đặt nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, nếu rời đi, liệu họ có mang luôn cả công nghệ?
Một trong những tiêu chí cho việc làm chủ công nghệ là số bằng độc quyền sáng chế. Tại TP.HCM đến năm 2022, 913 văn bằng được cấp, gồm 337 sáng chế và 576 giải pháp hữu ích.
Theo ông, số liệu này nếu so sánh với các địa phương khác trong nước là rất lớn. Tuy nhiên, nếu so với quốc tế vẫn còn khiêm tốn.
Ông ví dụ con số bằng độc quyền sáng chế bên trong một chiếc máy ảnh Canon là khoảng 1.000. Hay một doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thông tin ở Mỹ cũng đã sở hữu 1.800 bằng sáng chế. "Con số đáng giật mình", ông Khuê nói. "Nhất là khi so với số giáo sư, tiến sĩ và số đề tài, nhiệm vụ khoa học cả nước".
Ở quy mô cả nước, số liệu sáng chế cũng không nhiều. Đến nay, Việt Nam ghi nhận khoảng 2.500 bằng độc quyền sáng chế và khoảng 2.800 giải pháp hữu ích.
Bà Phan Thị Châu chia sẻ góc nhìn về bằng sáng chế - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Thiếu "hàng rào bảo vệ" cho công nghệ
Theo ông Khuê, nếu hoạt động sáng chế không mạnh thì đổi mới sáng tạo không bền vững. Các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ rất khó ra thị trường nếu thiếu sáng chế. Doanh nghiệp cũng không có "hàng rào bảo vệ" cho công nghệ mới nếu không đăng ký sáng chế.
Từ kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp công nghệ xuất phát từ bằng sáng chế, bà Phan Thị Châu - tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Vĩ Long - cho rằng khi một doanh nghiệp phát triển được một công nghệ mới, có khả năng đem lại lợi ích kinh tế trên thị trường, thì công nghệ ấy rất dễ bị sao chép.
Ngoài ra, với các sản phẩm mới trong lĩnh vực y tế, một bài thuốc mới muốn được chấp nhận phải qua bước thử nghiệm lâm sàng. Đồng nghĩa, các công ty lớn có thể biết được bí quyết công nghệ của bạn. Họ hoàn toàn có đủ nguồn lực để hạ giá cạnh tranh hơn bạn.
"Lúc này, những công ty nhỏ có công nghệ mới chỉ trở thành người lót đường", bà Châu nói. "Chỉ có quyền sở hữu trí tuệ và bằng độc quyền sáng chế mới bảo vệ được công nghệ".
Bài toán định giá sáng chế
Ông Nguyễn Kim Đức - phó viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn phát triển vùng, Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho rằng một trong những thách thức khác liên quan đến sáng chế là câu chuyện định giá.
Hiện số người làm công việc thẩm định giá sáng chế ở Việt Nam không nhiều.
Ngoài ra, các thẩm định viên và nhà sáng chế thường không có cùng góc nhìn. Nhà sáng chế nghĩ công trình của mình phải được định giá triệu đô. Dẫu vậy, kết quả từ thẩm định viên cho giá trị chưa đến 1/20 hình dung của chủ nhân.
Theo ông Đức, sáng chế khi đã được thẩm định viên thẩm định giá mới có sự thu hút. Nhà đầu tư cũng sẽ yên tâm hơn khi bỏ tiền vào các sáng chế này.
Ngược lại, khâu thẩm định giá sáng chế độc lập cũng tốn rất nhiều chi phí. Vì vậy, định giá nên được thực hiện tùy chất lượng sáng chế và mục đích khai thác thương mại.
Ra mắt Viện 3AI
Chào mừng Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam (18-5), Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) đã được ra mắt tại TP.HCM. Viện sẽ đưa ra những mô hình phát triển bền vững, phù hợp với chuyển đổi số.
Đây cũng sẽ là nơi kết nối giữa nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp tại TP.HCM. Qua đó, góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận