17/05/2013 07:45 GMT+7

"Sinh viên vẫn gọi tôi là anh"

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Trở thành giảng viên đại học là điều Lê Vũ Hà chưa từng nghĩ đến, song chàng giảng viên trẻ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ấy vẫn đang tiến những bước chậm mà chắc trên con đường đã chọn.

DrT1X52J.jpgPhóng to
Thạc sĩ Lê Vũ Hà - một trong những điển hình trẻ Liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cụm miền Đông Nam bộ lần 11 - Ảnh: Q.LINH

“Anh thầy” (theo cách nhiều sinh viên vẫn gọi) ấy là một trong 210 đại biểu dự Liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cụm miền Đông Nam bộ vừa diễn ra tại Bình Thuận.

1 Hồi học THCS, Hà luôn có tên trong đội tuyển học sinh giỏi văn của trường, từng rinh vài giải thưởng cấp huyện. Dù làm nhà giáo nhưng ba mẹ để Hà tự xoay xở chuyện học hành. Cũng bởi cậu vốn hay bệnh, đến độ mấy ngày thi tốt nghiệp lớp 9 lúc nào bác sĩ cũng túc trực ngoài phòng thi để lỡ thí sinh Lê Vũ Hà có chuyện gì còn kịp xử trí vì trận ốm trước ngày thi chưa dứt hẳn.

Thế rồi một lần lang thang vào trường nơi ba mẹ công tác, Hà đã lạc vô phòng thí nghiệm môn hóa. Vậy là nhen nhóm một tình yêu với hóa chất, những phản ứng hóa học có vẻ hơi bí hiểm. Nhưng phải đến khi trúng tuyển vào Trường chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), gặp được cô chủ nhiệm, con đường hóa học mới thật sự mở ra và rõ dần hơn trước mắt Hà.

Không còn những khám phá kiểu học trò nữa mà Hà đã xác định tìm đường chinh phục tình yêu lớn của đời mình, khởi đầu bằng đam mê được khám phá những phản ứng hóa học mỗi ngày. Cái tên Lê Vũ Hà nghiễm nhiên có trong danh sách đội tuyển hóa của tỉnh với mục tiêu chinh phục giải thưởng quốc gia.

2 Giải ba môn hóa quốc gia chương trình lớp 12 đến với học sinh Lê Vũ Hà ngay năm học lớp 11, đồng nghĩa với việc cầm chắc một suất tuyển thẳng đại học. Hà muốn nộp hồ sơ vào ĐH Khoa học tự nhiên nhưng mẹ khuyên con nên vào ĐH Bách khoa với suy nghĩ của một phụ huynh vùng quê nghèo: “Học xong cũng dễ kiếm việc làm”. “Tôi theo lời mẹ, làm hồ sơ đăng ký tuyển thẳng vào ĐH Bách khoa TP.HCM mà thiệt lòng không biết bách khoa là gì” - Hà nhớ lại. Thật ra Hà muốn làm bác sĩ nhưng không dám mạo hiểm vì anh biết rõ sức khỏe của mình nên không tự cho phép đánh cược với đời mình như thế.

Hà bảo rằng việc gặp được những người thầy giúp anh nhận rõ con đường theo hóa học là duyên may. “Cô chủ nhiệm cấp III giúp tôi nhận ra sự đam mê với hóa nhưng công lớn phải là thầy Nam (PGS.TS Phan Thanh Sơn Nam - trưởng khoa kỹ thuật hóa học ĐH Bách khoa TP.HCM). Chính thầy đã gợi mở hướng đi, truyền nghề và giúp tôi định hình con đường nghiên cứu hóa hữu cơ” - Hà nói về những người thầy của mình.

3 Từ chỗ không biết bách khoa là gì, Hà đã trở thành thủ khoa tốt nghiệp đại học toàn trường với điểm số 9,05 và được giữ lại làm giảng viên. Hà nói vui: “Tôi cứ lầm lũi học, theo thầy Nam bắt đầu tìm tòi nghiên cứu suốt những năm đại học cho đến khi tốt nghiệp thủ khoa mà hầu như chẳng ai biết đến cái tên Lê Vũ Hà”.

Anh bạn ấy vừa bổ sung vào lý lịch khoa học của mình kết quả thủ khoa tốt nghiệp thạc sĩ mới đây, năm 2012. Nhưng Hà vẫn giữ vai trò trợ giảng cho các thầy cô đi trước và sinh viên vẫn gọi là anh chứ không phải thầy. “Tôi muốn như người bạn chia sẻ cùng đàn em điều mình biết, bởi chính mình cũng còn phải học rất nhiều. Tôi đang tìm cơ hội phù hợp để đi học tiến sĩ tại một nước châu Âu sớm nhất có thể” - Hà vạch ra con đường tương lai.

Nhiều bạn bè kêu sao không chạy sô các trường khác hay đi luyện thi song Hà không nghĩ vậy. Anh bảo: “Kinh tế gia đình không giàu nhưng tôi không quá áp lực phải kiếm tiền. Tôi muốn được nghiên cứu nhiều hơn vì mình phải là một người thầy bản lĩnh, đĩnh đạc và đủ kiến thức trước sinh viên”. Ngay việc đi học nước ngoài Hà cũng xác định rõ không phải đi tìm kiếm thế giới, chân trời mới gì cả, đơn giản chỉ là học hỏi kinh nghiệm của người khác, học cái mình chưa có, tích lũy nó trở thành kiến thức cho mình. Nói về học trò, PGS.TS Phan Thanh Sơn Nam chỉ ngắn gọn: “Hà là một học trò giỏi, chịu khó và còn nhiều tiềm năng”.

Bộ sưu tập giải thưởng

Ngoài hai danh hiệu tốt nghiệp thủ khoa đại học và thạc sĩ, Lê Vũ Hà đã có bộ sưu tập giải thưởng đủ các cấp trong vai trò hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt kết quả xuất sắc. Làm chủ nhiệm hai đề tài nghiên cứu, trong đó một đề tài nghiệm thu xuất sắc, đã công bố hai bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế, khoảng chục bài báo khoa học trong nước, hướng dẫn và đồng hướng dẫn nhiều sinh viên làm nghiên cứu. Hành trang khoa học của chàng trai 26 tuổi ấy còn có huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn, giải nhất tài năng khoa học trẻ dành cho giảng viên trẻ của Bộ Giáo dục - đào tạo.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên