Hễ ngồi vào bàn làm việc ở nhà hay tại công ty, anh T.M. (30 tuổi, ngụ TP.HCM) lại ngồi ì một chỗ 3-4 tiếng đồng hồ. Thời gian ngồi làm việc dài khiến tư thế ngồi của anh dần co rúm, lưng cong, khoảng cách từ mắt đến màn hình càng gần hơn.
Anh M. thừa nhận đây là thói quen xấu. Dù nhiều lần tự khuyên nhủ bản thân không ngồi ì một chỗ trong thời gian dài, nhưng anh khó thay đổi, và chỉ đứng dậy vài lần khi đi vệ sinh hoặc lấy nước uống.
Tan việc ở công ty, anh M. ăn uống, vệ sinh cá nhân xong lại ôm laptop lên giường xem tin tức, video giải trí, có khi còn giải quyết công việc cho đến khuya và chìm vào giấc ngủ.
Phù tay chân, đau cổ, đau lưng vì ngồi ì
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc - giảng viên khoa y Trường đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) - cho rằng bản chất của việc ít vận động thể chất, hay được gọi là “ngồi ì một chỗ” là không tốt cho sức khỏe.
Trong một khoảng thời gian dài, việc ít vận động có thể gây các tác động xấu đến hệ xương khớp. Chưa kể đến việc ngồi trong tư thế không đúng sẽ gây ra các triệu chứng nhức mỏi cơ, mà chúng ta hay được biết đến với tên gọi là “bệnh của dân văn phòng”.
Việc ngồi làm việc và ít vận động sẽ khiến cho lượng máu đến nuôi chân tay khó trở về tim hơn.
Để đảm bảo hoạt động bình thường, tim phải bơm một lượng máu nhất định nhằm cung cấp oxy cho cơ bắp tay chân.
Sau khi cung cấp oxy, máu sẽ phải trở về tim để “tái nạp” oxy cho chuyến đi kế tiếp. Máu được trở về tim nhờ hệ thống mạch máu được gọi là tĩnh mạch. Khi vận động, cơ bắp co bóp sẽ góp phần hỗ trợ tĩnh mạch “đẩy” máu đi về tim dễ hơn.
Vì vậy, khi cơ thể không vận động trong thời gian dài, máu có thể bị “ứ” lại, gây sưng phù tay chân. Đó là lý do chúng ta thường nghe thông tin “người đứng lâu có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch”.
Bác sĩ Lộc nêu một trong những dấu hiệu chủ quan phổ biến giúp chúng ta biết mình đã ngồi sai tư thế là đau cổ và đau lưng, thắt lưng. Trong một số ít trường hợp, có người đến khám bác sĩ vì đau cổ tay, đau ngón tay do sử dụng máy vi tính liên tục khi làm việc.
Tuy nhiên, những dấu hiệu nói trên chỉ nhận biết được sau khi chúng ta đã có một ngày làm việc “sai tư thế”. Vì thế, việc cần thiết là làm sao để nhận biết khi chúng ta đang ngồi không đúng. Khi ngồi đúng tư thế, dáng ngồi của bạn trông sẽ vững vàng và đẹp.
Một trong những cách để rèn luyện cách ngồi đúng là luyện tập khi ngồi làm việc tại nhà, bố trí một chiếc gương lớn để tự chỉnh sửa cho bản thân.
Nếu việc tự điều chỉnh đó không thuận tiện, bạn đọc có thể thu xếp thời gian giãn cách, một khoảng làm việc trong 25 phút xen kẽ với 5 phút vận động kéo giãn tại chỗ.
"Ở đâu cũng làm việc được" lại nhiều tác hại xấu
Bác sĩ Lộc cho biết thêm, việc đặt laptop lên đùi để làm việc gây ra nhiều tác hại xấu. Nguyên nhân gây tác hại xấu là do lượng hơi nóng tỏa ra từ hệ thống tản nhiệt của máy tính có thể làm bỏng da đùi - nơi chúng ta đặt máy tính lên.
Một số bạn trẻ vẫn khó bỏ được thói quen này vì tính “tiện lợi”, “ở đâu cũng làm việc được”, và khắc phục bằng cách không cho máy tính tiếp xúc trực tiếp với đùi mà phải có vật lót giữa da và máy.
Cách khắc phục này có thể giúp hạn chế bỏng da, nhưng chưa thể giải quyết được vấn đề về góc nhìn từ mắt đến màn hình.
Thông thường, đặt máy tính lên thân mình để làm việc thì ít nhiều chúng ta đều phải cúi gập cổ mới nhìn được màn hình. Nếu quá trình này kéo dài, sẽ khiến các cơ cạnh sống cổ phải “gồng” quá sức để giữ cho đầu cân bằng.
Một thời gian gồng cứng liên tục, các cơ sẽ bị mỏi, viêm và gây đau cổ. Ngoài ra, việc giữ nguyên một tư thế cổ trong thời gian dài có thể làm cho cột sống cổ bị thoái hóa sớm hơn.
Để ngồi với tư thế thoải mái và an toàn nhất, phải đảm bảo được các yếu tố như sau:
- Ngồi thẳng lưng, thẳng cổ, không nghiêng người ra phía trước hoặc phía sau.
- Hai vai, cổ tay cần được thư giãn.
- Chân không bị tê sau khi làm việc xong.
Để đạt được các yêu cầu nêu trên, khi ngồi thì đùi cần phải song song với mặt sàn, lưng và cổ phải trong tư thế thẳng, màn hình máy tính phải nhìn trực diện với mắt.
Trong một số trường hợp, nếu màn hình thấp thì cần điều chỉnh góc nghiêng của màn hình sao cho ngửa khoảng 20 độ để không phải cúi cổ khi nhìn màn hình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận