03/02/2022 07:54 GMT+7

Singapore: Quán ăn bình dân lên mạng

DUY LINH - MINH KHÔI
DUY LINH - MINH KHÔI

TTO - Mục tiêu của Singapore là trở thành một đất nước dẫn đầu về nền kinh tế số và liên tục đổi mới chính mình. Nếu người dân là trung tâm của chính phủ số thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ là trung tâm của nền kinh tế số ở Singapore.

Singapore: Quán ăn bình dân lên mạng - Ảnh 1.

Mã QR thanh toán tại một quán ăn bình dân Singapore - Ảnh: Straits Times

Các quán ăn bình dân (hawker), nét đặc trưng văn hóa Singapore, cũng hưởng lợi nhiều từ các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số của chính phủ.

Tăng thu nhập cho hawker

Tuổi Trẻ trao đổi với đại diện Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm (IMDA) Singapore và Enterprise Singapore (ESG) tại Hà Nội để tìm hiểu câu chuyện Chính phủ Singapore hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó có các hawker. IMDA được ví như kiến trúc sư của nền kinh tế số tương lai, trong khi ESG là cơ quan chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Theo IMDA, với quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số, Chính phủ Singapore cho ra đời ứng dụng "Hawker Go Digital" nhằm hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong cộng đồng hawker.

Mục tiêu của "Hawker Go Digital" là giúp chủ các quán ăn bình dân đưa hàng hóa và dịch vụ lên mạng, có được một mô hình kinh doanh bền vững. Theo trang web của IMDA, Chính phủ Singapore sẽ trả phí giao dịch giúp hawker cho đến cuối năm 2023.

Để khuyến khích các chủ quầy hàng, chính quyền Singapore thưởng 300 SGD (220 USD) mỗi tháng trong vòng 5 tháng nếu họ duy trì thanh toán điện tử một cách ổn định. Với người mua, mỗi tháng sẽ có đợt rút thăm may mắn dành cho người thanh toán điện tử với giải đặc biệt lên tới 4.888 SGD.

DBS, một tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng của Singapore, hỗ trợ các hawker mở rộng khả năng thu hút khách hàng bằng cách làm cho quầy hàng và đồ ăn của họ có thể tìm kiếm trực tuyến nhiều hơn thông qua mạng xã hội và các nền tảng DBS bao gồm DBS PayLah!. Nếu thành công, thu nhập hằng tháng của các hawker sẽ tăng lên ít nhất 10%.

Chúng ta phải giúp lực lượng lao động thích nghi với kinh tế số. Chuyển đổi số sẽ gây xáo trộn, đặc biệt là đối với những lao động ít kỹ năng. Do đó đầu tư cho lực lượng lao động rất quan trọng. Chúng ta hãy cung cấp cho họ giáo dục thường xuyên và trọn đời, giúp họ có thêm kỹ năng để cạnh tranh và kiếm sống.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC 2021.

Tích cực hỗ trợ SME

Bên cạnh hỗ trợ "chuyển đổi số" cho các hawker, Chính phủ Singapore cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), chiếm 70% việc làm và gần một nửa GDP quốc gia. Phần lớn trong số 270.000 SME của Singapore đang bắt đầu hành trình chuyển đổi số.

Theo IMDA, để đẩy nhanh tốc độ số hóa và hỗ trợ các công ty Singapore, Chính phủ Singapore đã giới thiệu chương trình "SMEs Go Digital" dành cho các SME.

Chương trình cung cấp kinh phí, hướng dẫn cụ thể theo lĩnh vực về các giải pháp kỹ thuật số để áp dụng và đào tạo phù hợp cho nhân viên doanh nghiệp ở các giai đoạn phát triển khác. Ước tính có khoảng 78.000 doanh nghiệp đã hưởng lợi từ "SMEs Go Digital", trong đó có 30.000 được hỗ trợ thông qua "Start Digital".

Đây là sáng kiến cung cấp cho các công ty các giải pháp số nền tảng trong các lĩnh vực như kế toán, nhân sự, giao dịch số, tiếp thị số, an ninh mạng và hợp tác số. Mỗi năm, gần 1/3 số công ty mới thành lập ở Singapore đăng ký "Start Digital" để chuyển đổi số hoạt động.

Bên cạnh đó có đến 9 trung tâm đổi mới ở Singapore mà SME có thể sử dụng để có thêm chuyên môn kỹ thuật và nguồn lực, từ đó phát triển các giải pháp số và công nghệ phù hợp nhu cầu kinh doanh.

Mỗi trung tâm chuyên về một lĩnh vực chuyên môn khác nhau, bao gồm nuôi trồng thủy sản, năng lượng, điện tử, quản lý chuỗi cung ứng, môi trường và nước, thực phẩm, vật liệu và các ngành cơ khí chính xác.

Chính phủ Singapore xem thương mại điện tử là kênh bán hàng quan trọng giúp các SME nắm bắt các cơ hội mới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển của mua sắm trực tuyến và giao dịch số.

"Grow Digital", một chương trình hợp tác của ESG và IMDA, giúp các SME tiếp cận những thị trường mới thông qua các nền tảng thương mại điện tử, đa dạng hóa doanh thu của họ mà không cần thiết lập sự hiện diện thực tế trong thị trường.

Những doanh nghiệp này được đào tạo và hướng dẫn về các bộ kỹ năng số như quản lý chức năng hỗ trợ khách hàng và các hoạt động tiếp thị trên nền tảng thương mại điện tử. Kể từ khi ra mắt, sáng kiến "Grow Digital" đã giúp hơn 2.000 công ty tìm được hợp đồng trên các nền tảng thương mại điện tử.

Nuôi dưỡng nhân tài

Để hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một quốc gia thông minh, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore cần một lượng lớn chuyên gia chuyển đổi số. Đây là lý do vì sao Chính phủ Singapore đã xúc tiến một loạt sáng kiến và chương trình cụ thể nhằm nhanh chóng tăng cường nhân tài trong lĩnh vực này.

Một trong những sáng kiến để giúp lao động Singapore luôn "hợp thời đại" và cải thiện sinh kế là Chương trình xúc tiến kỹ năng công nghệ (TeSA - TechSkills Accelerator) và chương trình Chuyển đổi nghề nghiệp (PCP).

Mục tiêu của 2 chương trình này là phát triển và nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo chuyển đổi số, nâng cao kỹ năng cho nhân lực ngành công nghệ và hỗ trợ nhân lực ngoài ngành chuyển sang ngành công nghệ.

Một chương trình tiêu biểu khác cho chính sách này là TeSA Mid-Career Advance, triển khai vào năm 2020 để đào tạo và chuyển đổi người lao động ở độ tuổi 40 và 50 sang các công việc liên quan tới lĩnh vực công nghệ. Bản thân các doanh nghiệp cũng có chính sách riêng để phát triển nhân lực công nghệ.

Hợp tác với Việt Nam

Bà Bùi Thị Hồng Anh, trưởng đại diện ESG tại Hà Nội, cho biết các công ty của Singapore trong ngành công nghiệp 4.0 có thể cung cấp các giải pháp sáng tạo và hiệu quả về chi phí để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các nhà sản xuất tại Việt Nam.

Ví dụ các công ty như Arcstone và Deskera đã cung cấp các phần mềm để các nhà sản xuất tại Việt Nam có thể bắt tay ngay vào tự động hóa, số hóa các quy trình sản xuất hiện có.

Trong khi đó, đại diện IMDA giới thiệu Nền tảng đổi mới mở (OIP) của Singapore, hoạt động như một sàn kết nối thị trường.

"Các công ty ở Singapore và các nước trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam, có thể đưa các vấn đề kinh doanh của họ lên OIP, từ đó tìm ra các giải pháp sáng tạo do các công ty khác trên đó cung cấp", IMDA thông tin thêm.

Singapore làm chatbot giải đáp chính sách, thông tin cho dân Singapore làm chatbot giải đáp chính sách, thông tin cho dân

TTO - Các chatbot và trợ lý ảo của Chính phủ Singapore giúp không ít người dân lẫn doanh nghiệp có được thông tin cần thiết và chính xác trong dịch COVID-19 một cách nhanh chóng.

DUY LINH - MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Singapore