CĐV Chelsea tụ tập ngoài sân vận động để thể hiện sự chống đối với ESL - Ảnh: AFP
Có thể nói các CLB phải đầu hàng trước quyền lực của FIFA và LĐBĐ châu Âu (UEFA).
Sức ép từ mọi phía
"Chelsea bị Brighton cầm hòa, nhưng CĐV của họ đã thắng cuộc chiến", trang Goal.com giật tít như vậy sau trận hòa nhạt nhẽo không bàn thắng giữa Chelsea và Brighton.
Khi các cầu thủ Chelsea đang thi đấu, bên ngoài sân cỏ, ban lãnh đạo CLB đã quyết định tương lai của đội bóng và các CĐV ăn mừng như thể đội nhà thắng trận. Đó chính là hình ảnh tiêu biểu nhất cho toàn bộ những diễn biến của bóng đá châu Âu hai ngày qua.
Suốt hai ngày qua, sức ép dồn dập đổ lên đầu ban lãnh đạo các CLB tham gia ESL. Ở thượng tầng, FIFA và UEFA giở đủ mọi cách để đe dọa họ.
Cả giới chính trị cũng vào cuộc, Thủ tướng Anh Boris Johnson còn cam kết sẽ hành động để ngăn cản các CLB tham gia ESL. Trên mặt trận truyền thông, kế hoạch của ESL bị các huyền thoại và cựu danh thủ chỉ trích dữ dội.
Ngay từ những ngày đầu, Gary Neville gọi M.U cùng Liverpool là "nỗi hổ thẹn" của bóng đá Anh khi họ đã phản bội lại các giá trị truyền thống. HLV Alex Ferguson và Arsene Wenger cũng lên tiếng phản đối.
Thậm chí những người trong cuộc như HLV Jurgen Klopp hay Pep Guardiola, những cầu thủ quan trọng của đội bóng còn chống lại kế hoạch này.
Với rất nhiều sức ép như vậy, các CĐV dễ dàng bị dẫn dắt theo xu hướng bất lợi cho ESL. Họ quá bất ngờ với viễn cảnh thế giới bóng đá thay đổi chỉ sau một đêm, và có thể còn chưa hiểu hết những vấn đề mà các CLB đang phải trải qua.
"Được tạo dựng nên từ người nghèo và rồi bị cướp đi trong tay những kẻ giàu có" - khẩu hiệu đó được các CĐV giương lên, để chứng minh sự phi nghĩa của ESL. Liên minh các CLB đã lung lay khi đứng trước quá nhiều tầng sức ép như vậy.
Người Mỹ chưa bỏ cuộc
Liền sau khi nhóm 6 CLB Anh rút khỏi ESL, ban tổ chức giải đấu ra thông báo "sẽ xem xét lại các bước kế hoạch để có điều chỉnh phù hợp", đồng thời bóng gió rằng sự rút lui của các CLB Anh chỉ là tạm thời xoa dịu dư luận. Đó là động thái giương cờ trắng nhưng hứa hẹn "sẽ tiếp tục nổi dậy".
Hai ngày qua, không phải ngẫu nhiên mà liên minh các CLB thông báo sự ra đời của ESL chỉ một ngày trước phiên họp quan trọng quyết định cải cách Champions League.
Các CLB lớn ngày càng bất mãn với UEFA khi tổ chức này mở rộng quy mô các giải đấu, vắt kiệt sức cầu thủ trong bối cảnh cả làng bóng đá đều khó khăn vì đại dịch.
Tỉ lệ chấn thương ở các CLB lớn cũng tăng vọt khi UEFA Nations League ra đời. Nói chung, UEFA làm đủ mọi cách để thu lợi nhiều hơn, nhưng các CLB lớn không hài lòng với miếng bánh được chia.
ESL là một cuộc "khởi nghĩa" mà nếu thành công, thế giới bóng đá hoàn toàn nằm trong tay những CLB lớn, với những tài phiệt chống lưng. Nếu thất bại, đó cũng là một đòn cảnh cáo của họ dành cho UEFA và FIFA.
Phó chủ tịch điều hành của M.U Ed Woodward đã từ chức sau khi kế hoạch về ESL đổ vỡ. Nhưng đừng quên M.U vẫn nằm trong tay những ông chủ Mỹ. Liverpool và Arsenal cũng vậy. Cả Tottenham tuy có chủ tịch người Anh, nhưng nhà tài trợ chính của họ là một tập đoàn bảo hiểm đến từ Mỹ.
Toàn bộ kế hoạch về ESL có thể tóm gọn là sự "theo chân người Mỹ" của bóng đá châu Âu. NBA là mô hình được họ hướng đến (không có lên xuống hạng, các CLB luôn có chân dự giải một khi còn duy trì đủ tình hình tài chính và đóng góp kinh doanh cho giải).
Và hậu thuẫn tài chính cho họ là JP Morgan - ngân hàng lớn nhất thế giới của Mỹ. Khi mà các CLB hàng đầu của nước Anh còn chịu sự thao túng của người Mỹ, việc họ một lần nữa vùng lên chống lại UEFA cùng FIFA vẫn luôn là nguy cơ.
Rút lui vì người hâm mộ
Sự phản đối từ CĐV được các "đại gia" của Premier League lấy làm lý do chính cho quyết định rút lui khỏi ESL. Ban lãnh đạo M.U thông báo: "Chúng tôi đã lắng nghe phản ứng từ người hâm mộ, Chính phủ Anh và các bên liên quan", Chelsea cùng Arsenal, Liverpool cũng ra thông báo tương tự.
Trong khi đó, Bayern Munich và PSG được ca ngợi vì ngay từ đầu đã kiên quyết không tham gia vào liên minh sáng lập ESL.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận