Người dân mua các loại thực phẩm chức năng theo đơn của bác sĩ tại một hiệu thuốc ở TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Nhưng theo khảo sát của chúng tôi, 8 năm qua chưa có trường hợp nào bị xử phạt, nhắc nhở hay chế tài vì kê TPCN vào đơn thuốc, trong khi hành vi này rất phổ biến.
Theo một chuyên gia, để “lách” quy định cấm kê TPCN vào đơn thuốc, có bác sĩ kê TPCN và lời dặn dò bệnh nhân vào đơn riêng, thành ra TPCN vẫn được kê mà vẫn tránh được lệnh cấm. Vì lý do này, 8 năm nay Bộ Y tế cấm kê đơn TPCN, nhưng TPCN vẫn có mặt trong đơn thuốc.
Không muốn vẫn phải mua
Cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Khoa (74 tuổi, ở Thuận Thành, Bắc Ninh) ra Hà Nội khám bệnh. Bà Khoa bị đau vai phải gần một năm, đi khám và điều trị bằng y học cổ truyền nhưng không thấy đỡ.
Tháng 3 vừa rồi bà đau quá nên con trai bà đưa mẹ ra một phòng khám trên đường Giải Phóng, Hà Nội. Bà Khoa được bác sĩ chẩn đoán bị viêm nhị đầu gân và kê đơn thuốc.
Khi mua thuốc xong, gia đình phát hiện trong ba thuốc viên có một loại TPCN, giá đã trả cho sản phẩm là 280.000 đồng. Bà Khoa kể: “Tôi là nông dân, bác sĩ chỉ gì thì mua đấy chứ làm sao biết được, nhưng uống rồi vẫn thấy không đỡ đau”.
Theo ghi nhận trong ngày 30-4, tại nhiều nhà thuốc ở TP.HCM đều bày bán nhiều loại TPCN được sản xuất dưới dạng viên, nước hoặc bột.
Theo giới thiệu của nhân viên bán thuốc, có nhiều loại TPCN có tác dụng hỗ trợ chức năng các bộ phận trong cơ thể như não, gan, xương khớp, mắt... Giá bán các loại TPCN từ vài trăm nghìn đến tiền triệu một hộp (chai, lọ...).
Nhiều nhân viên nhà thuốc cho biết ngày càng có nhiều người đến hỏi mua TPCN. Đa số đều nghe hoặc quảng cáo trên truyền hình, báo đài hoặc được nhân viên y tế, người quen giới thiệu sử dụng.
Nhân viên của một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) kể dù Bộ Y tế quy định bác sĩ không được phép kê đơn TPCN nhưng khi bán thuốc hằng ngày cho người bệnh, nhân viên này vẫn thấy bác sĩ kê thêm vào đơn thuốc các loại TPCN.
Để tránh vi phạm quy định, một số bác sĩ còn “lách” kê đơn TPCN bằng hình thức khác: khi khám cho người bệnh bác sĩ thường gợi ý, giải thích hiệu quả, công dụng của TPCN loại A, B, C nào đó rồi chỉ nhà thuốc cho bệnh nhân đến mua.
Có bác sĩ ghi cụ thể tên loại TPCN cần dùng, địa chỉ nhà thuốc vào mẩu giấy rời, bấm dính vào đơn thuốc và hướng dẫn người bệnh đi mua.
“Các bác sĩ ở các khoa kê mỗi loại khác nhau, chủ yếu là các loại TPCN tăng cường sinh lý nam, nữ; giảm đau khớp; bổ não, gan, mắt; bổ sung canxi...” - một nhân viên bán thuốc nói.
Không cần đưa vào đơn thuốc
PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên - Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), chủ tịch Hội Tiết niệu - thận học VN - bày tỏ sự lo lắng khi cho rằng thị trường TPCN đang loạn, thật - giả khó phân biệt và không sao lường được về chất lượng. Trong khi đó, các cơ quan có trách nhiệm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này lại chưa thể hiện được khả năng quản lý của mình.
PGS Vũ Lê Chuyên nhấn mạnh vai trò của Bộ Y tế trong vấn đề này, bởi chính Bộ Y tế biết rõ hơn ai hết TPCN có công dụng thực sự thế nào, quản lý ra sao nên cấm bác sĩ kê toa TPCN là đúng.
“Tại Bệnh viện Bình Dân có những bệnh nhân khi đến khám bệnh cục sỏi ở thận đã rất to, gây hư hại hết thận do thời gian dài nhưng không đi điều trị mà chỉ uống TPCN được người bán quảng cáo làm tan sỏi không cần phải mổ” - PGS Chuyên chia sẻ.
Chất lượng TPCN thực hư tới đâu thường khiến các bác sĩ băn khoăn, như ý kiến của GS Trần Ngọc Ân, chủ tịch Hội Thấp khớp học VN. GS Ân cho hay thuốc phải trải qua thực nghiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng và được hội đồng đánh giá có hiệu quả mới cho phép sử dụng điều trị. Trong khi đó TPCN chỉ được kiểm soát qua tiền kiểm, chất lượng khi lưu hành chưa kiểm soát được.
Nói về chuyện siết kê đơn TPCN, ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phân tích đơn thuốc có hàm ý là dành kê các thuốc phòng, chữa bệnh, trong khi TPCN là hàng bán tự do, như rau, củ, quả, bán cả ở siêu thị cho những người có nhu cầu thì không cần đưa vào đơn.
Đồng tình quan điểm này, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện phụ sản Hùng Vương (TP.HCM) - cũng bày tỏ: “Do TPCN không phải là thuốc nên Bộ Y tế quy định không cho bác sĩ kê đơn TPCN là đúng. Ở nước ngoài họ cũng bán TPCN tự do ở các siêu thị, nhà thuốc mà không cần đơn của bác sĩ.
Xét ở góc độ nào đó TPCN cũng có một phần chức năng hỗ trợ sức khỏe nhưng do các đơn vị bán hàng quảng cáo thổi phồng quá mức nên gây ngộ nhận cho người sử dụng về công dụng, chứ bản chất TPCN không xấu”.
Tuy nhiên, cũng có người muốn sử dụng thực phẩm chức năng lại ủng hộ hình thức kê đơn vì như thế sẽ an tâm hơn nếu chỉ nghe quảng cáo từ các phương tiện truyền thông.
Để dung hòa nhu cầu của người bệnh và chức trách của người làm nghề y, ông Trần Quang Trung, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, gợi ý rằng tuy quy chế không cho phép bác sĩ kê TPCN vào đơn thuốc, nhưng người dùng có thể chọn và sử dụng theo các hướng dẫn ghi ngay trên sản phẩm.
Trong một số trường hợp có bệnh lý, đang dùng các thuốc khác, người bệnh có thể báo cho bác sĩ để được tư vấn xem phối hợp của thuốc và TPCN đang dùng có gây tác dụng phụ hoặc làm giảm công hiệu của thuốc hay không.
Hoặc bác sĩ có thể hướng dẫn người dân dùng TPCN với mục đích hỗ trợ điều trị và phòng bệnh.
Muốn siết, vẫn lúng túng!
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Ngọc Khuê cho hay quy định cấm TPCN và mỹ phẩm theo quy chế kê đơn có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-5 không phải là mới, quy định này đã có từ năm 2008.
Tuy nhiên, trong quy chế kê đơn thuốc ngoại trú mới được Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-5, chúng tôi tìm đỏ mắt cũng không thấy chế tài kèm theo lệnh cấm kê đơn TPCN và mỹ phẩm.
Trong nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, nơi quy định cụ thể và đầy đủ nhất hình thức chế tài với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế, quy định cụ thể hành vi kê đơn biệt dược đắt tiền nhưng không cần thiết với người bệnh (nhằm mục đích vụ lợi) sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng, vẫn không có quy định chế tài hành vi kê TPCN và mỹ phẩm vào đơn thuốc.
Một chuyên gia của Bộ Y tế nhận định: dường như ban soạn thảo quy chế kê đơn đưa việc cấm kê TPCN và mỹ phẩm vào đơn thuốc vì áp lực xã hội.
Theo chuyên gia này, nhiều ý kiến cho rằng TPCN không có tác dụng, nhưng thực tế đó là những ý kiến sai lầm, TPCN có tác dụng hỗ trợ nhất định, vấn đề chỉ là giá quá cao và muốn có tác dụng thì phải dùng liên tục số lượng lớn.
“Hàm lượng hoạt chất trong TPCN thấp, muốn có hiệu quả thì phải dùng nhiều. Tôi cho là có điều kiện kinh tế thì dùng, không thì thôi. Muốn cấm TPCN trong đơn thuốc thì phải có chế tài kèm theo” - chuyên gia này cho biết.
Khi chưa có quy định về chế tài, sẽ rất khó cấm bác sĩ kê đơn TPCN. Nhưng theo ông Đặng Văn Chính, chánh thanh tra Bộ Y tế, tới đây khi kiểm tra bệnh viện sẽ đưa mục kiểm tra xem có TPCN trong đơn thuốc không vào nội dung kiểm tra. Nhưng vậy có đủ cho một lệnh cấm chưa?
Chưa thống nhất định nghĩa về sản phẩm Cho đến nay không chỉ ở VN mà nhiều nước trên thế giới vẫn chưa thống nhất định nghĩa về loại sản phẩm này. Tuy nhiên, báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tại một hội thảo về TPCN cuối năm 2013 định nghĩa TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Báo cáo này còn cho thấy việc sử dụng TPCN rất phổ biến trên thế giới, chỉ riêng nước Mỹ có 70% người dân sử dụng TPCN. Tuy nhiên, Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý nhiều vấn đề trong quản lý TPCN như kinh doanh đa cấp, giá thành cao, quảng cáo vượt quá công dụng, sản phẩm không đúng chất lượng như công bố (nấm men, mốc, hàm lượng thành phần); một số đài, báo mạng, nhà sản xuất vì lợi nhuận vẫn vi phạm quảng cáo… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận