Năm nay, Trường THPT số 2 Si Ma Cai (Lào Cai) có 121 học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó 100% học sinh thi tổ hợp khoa học xã hội, chủ yếu khối C. Theo lãnh đạo nhà trường, phần lớn các em đăng ký thi sư phạm, ngoài ra một số em lựa chọn sau tốt nghiệp THPT sẽ học nghề, số ít lựa chọn học công an, quân đội.
Tương tự, ghi nhận tại Trường THPT số 1 Bắc Hà, nhiều học sinh cho biết sẽ dự kiến xét tuyển vào ngành sư phạm, có lớp số nguyện vọng dự kiến hơn 50%.
Học để thay đổi cuộc đời
Những ngày tăng tốc ôn thi tốt nghiệp THPT, mỗi khi cảm thấy áp lực, nản chí, cô gái dân tộc Nùng - Nùng Thị Nhung lại nhớ đến những lời bố dặn lúc trước: "Cố mà học, còn học được thì phải học, nếu mà bỏ học sau này vất vả thì đừng hối hận".
Câu nói đó của bố đã thôi thúc ý chí quyết tâm của Nhung phải học để thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cái nghèo.
Nhung sinh ra ở thôn Na Pá, xã Bản Mế, huyện Si Ma Cai, Lào Cai, là học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Si Ma Cai. Do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, nhà cách trường hơn 10km nên Nhung được ở nội trú trong trường.
Vào năm Nhung đang học lớp 9 thì bố bất ngờ qua đời vì căn bệnh viêm phổi.
"Bố mất là cú sốc lớn với cả gia đình em. Không còn bố, bao lo toan chuyển hết lên vai mẹ, mẹ vừa làm trụ cột tinh thần vừa lo kinh tế cho gia đình", Nhung rưng rưng.
Nhớ lời bố dặn, lên cấp III vào khu nội trú của trường, Nhung dành toàn bộ tâm sức cho việc học để theo đuổi hoài bão thay đổi số phận.
"Dù gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng bố mẹ và các anh chị luôn động viên em phải đi học để thay đổi cuộc đời. Cả ba anh chị đều đi học nhưng đã không theo đuổi được ước mơ tới cùng, em phải làm tiếp những gì anh chị chưa làm được", Nhung kể.
Trong ánh mắt đầy quyết tâm, Nhung cho biết sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp em sẽ dùng kết quả này để xét tuyển vào ngành sư phạm giáo dục công dân của Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Tương tự, em Ma Thị Như, dân tộc Mông, sinh ra tại thôn Nậm Thố, xã Thải Giàng Phố - một xã nghèo của huyện Bắc Hà, Lào Cai, chia sẻ nếu vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT với thành tích tốt em sẽ xét tuyển vào ngành sư phạm mầm non để thực hiện những ước mơ từ nhỏ.
Gia đình Như có sáu anh chị em, trong đó anh cả chỉ học đến lớp 9 thì tự nguyện xin nghỉ học để đi làm nhường cơ hội học cho các em, anh hai và chị ba học hết lớp 7 thì nghỉ học. Hiện tại chỉ còn Như và hai em đang đi học.
Chị em sinh ba cùng thi sư phạm
Trên chiếc bàn học dài ở gác lửng, ba chị em Vàng Kim Ngọc, Vàng Kim Huệ và Vàng Kim Hà (Trường THPT số 1 Bắc Hà) cùng nhau thảo luận về các đáp án trong bộ đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh.
Học chung một lớp suốt 12 năm qua, Kim Ngọc, Kim Huệ và Kim Hà càng gắn bó thân thiết. Ở nhà cùng nhau phân chia công việc giúp bố mẹ, đến trường cùng nhau học. Ba cô gái đều là những học sinh có học lực tốt ở lớp, không chỉ vậy các em còn tích cực tham gia các hoạt động thể thao, phong trào ở lớp ở trường.
Trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề tương lai, Kim Ngọc (chị cả) cho biết thời gian qua ba chị em đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, chọn ngành phải phù hợp sở thích và năng khiếu nhưng không để bố mẹ vất vả lo chi phí học hành cùng lúc cho cả ba chị em.
"Do cả ba chị em đều có năng khiếu hát, múa, nhảy. Cân đo đong đếm, cùng với định hướng của các thầy cô trong trường, chúng em quyết định sau kỳ thi tốt nghiệp sẽ dùng kết quả xét tuyển nguyện vọng 1 vào Trường đại học Sư phạm Thái Nguyên, chuyên ngành sư phạm mầm non hoặc tiểu học", Ngọc nói.
Nói về ước mơ của mình, cô em gái út Kim Hà bộc bạch: "Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Bắc Hà, chúng em có điều kiện học tập tốt, nhưng các em nhỏ ở trên bản khó khăn hơn.
Trong một lần lên thôn Nậm Thố (xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai) thăm nhà bạn, chúng em được chứng kiến cuộc sống của các em nhỏ trên núi cao, điều kiện học tập còn thiếu thốn.
Em muốn trở thành cô giáo để sau này có thể giúp các bé tiếp cận việc học dễ hơn và đóng góp một phần nhỏ bé cho quê hương".
Ngoài ra, chị em sinh ba Kim Ngọc, Kim Huệ và Kim Hà cho biết lớp cũng có hơn 50% tổng số học sinh dự kiến sẽ xét tuyển vào sư phạm giống các em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận