4.000 tỉ đồng cho đề án sách giáo khoa điện tử?
Chỉ sau 2 ngày (khi bài viết “Đề án sách giáo khoa điện tử: Phải sắm 320.000 máy tính bảng” đăng tải trên Tuổi Trẻ), chúng tôi đã nhận được hơn 400 phản hồi của bạn đọc.
Trong đó, nhiều độc giả bày tỏ sự lo ngại, băn khoăn và cả những nghi vấn xung quanh đề án này. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đoàn Huệ Dung, Trưởng khoa Ngoại ngữ Sư Phạm, Đại học Nông Lâm TPHCM với tư cách là Tiến sĩ giáo dục hoc:
Phóng to |
bà Đoàn Huệ Dung, Trưởng khoa Ngoại ngữ Sư Phạm, Đại học Nông Lâm TPHCM |
* Thưa bà, quan điểm của bà như thế nào về đề án "SGK điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1,2,3" của Sở GD-ĐT TPHCM?
- Đây là một ví dụ sống động của việc du nhập một ý tưởng, một xu hướng giáo dục hiện đại, tiên tiến của thế giới vào Việt Nam khi điều kiện trong nước chưa sẵn sàng. Do đó thay vì được xã hội đón nhận thì đề án này lại gây sốc và tạo phản ứng mạnh mẽ của dư luận.
SGK điện tử (digital book) hay máy tính bảng (tablet) – viết tắt là MTB chỉ là công nghệ chứ không phải là phép thần để thay đổi được mục tiêu và chất lượng giáo dục. Máy tính bảng chỉ phát huy tác dụng khi giáo viên và học sinh đã có văn hóa sử dụng công nghệ, giáo viên đã quen với phương pháp dạy học sáng tạo, dạy tích hợp; học sinh đã hình thành và quen với lối học chủ động, học độc lập.
Quan trọng hơn, nội dung và ứng dụng mà giáo viên- học sinh sẽ khai thác từ MTB là gì? Các nguồn truy cập bằng tiếng Việt hay tiếng Anh? Xã hội chưa hài lòng với SGK hiện tại thì việc số hóa các bộ sách SGK cũng sẽ không tạo được khác biệt lớn.
Nếu SGK điện tử chỉ có tác dụng làm nhẹ ba lô của học sinh thì hậu quả là các gánh nặng khác, khó tránh hơn và khủng khiếp hơn. Một chủ trương, một đề án như vậy thì nên dừng lại trước khi nó bắt đầu.
* Tuy nhiên, trong đề án, Sở GD-ĐT TP đã viết: “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học là rất cần thiết và cấp bách”?
- MTB được các nước phát triển như Mỹ, Anh, Singapore, v,v bắt đầu thử nghiệm ở nhiều trường trung học và tiểu học từ năm 2010. Do đó những nghiên cứu cả về định lượng lẫn định tính về tác động tích cực của MTB lên chất lượng học tập của học sinh khá nhiều.
Ví dụ một nghiên cứu thực hiện ở Anh vào tháng 7-2012 sau 2 năm sử dụng MTB ở 3 trường tiểu học và trung học cho kết quả: 65% học sinh ở độ tuổi 7-16 cho rằng MTB giúp học sinh có hứng thú học tập và học tập tiến bộ một cách rõ ràng; 29% giáo viên ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng MTB, 45% giáo viên tạm ủng hộ, 55% giáo viên dùng MTB để truy cập internet để dạy học.
Các doanh nghiệp cung cấp MTB ở Mỹ cũng có hàng loạt các nghiên cứu đưa ra tác dụng tích cực của MTB lên chất lượng học tập của học sinh. Ví dụ Apple có 8 nghiên cứu về tác động tích cực của iPad đối với học sinh tiểu học, trung học và sinh viên đại học trong 3 năm 2010-2013.
Tuy nhiên, chúng ta không nên bị choáng ngợp với những công bố như vậy, vì học sinh và sinh viên ở các nước này đã có thói quen sử dụng máy tính trên bàn và smartphone trong túi từ rất lâu rồi.
Trên báo The Huffington Post của Mỹ vào ngày 3-6-2013, nhà báo Philip Elliott đã cho thấy việc sử dụng SGK điện tử trong trường tiểu học và trung học đã trở thành xu hướng ngày càng tăng ở Mỹ.
Bên cạnh những tác dụng rất tích cực (như học sinh truy cập vào các kênh khoa học nhiều hơn, nắm bắt cuộc sống nhanh hơn, trao đổi với giáo viên và bạn bè ngoài giờ học nhiều hơn), ông cũng nêu rõ: công nghệ không thể đảm bảo cho sự thành công. Nếu giáo viên không biết sử dụng công nghệ thì chẳng có gì khác biệt.
Bài báo cho biết: ở rất nhiều trường học giáo viên được trang bị máy nhưng bản thân giáo viên chưa thấy tác dụng và không sử dụng nhiều. Kết quả là hàng đống MTB trùm mền nằm ở cuối lớp học tại nhiều trường.
Đáng lưu ý hơn, ở tất cả các nước, MTB được trang bị miễn phí cho giáo viên cũng như học sinh, hoặc cao nhất là phụ huynh đóng một số tiền nhỏ hàng tháng. Do đó Sở GD-ĐT TP.HCM không nên vội vàng “xã hội hóa” một sản phẩm mà xã hội chưa thấy được tác dụng của nó.
Khi có đủ ngân sách để lên một kế hoạch thử nghiệm ở một số trường, cho một số môn học và chỉ thực hiện một số tiết/tuần thì Sở cần mời một hội đồng khoa học độc lập để thẩm định sản phẩm và chọn nhà cung cấp.
Như vậy, phụ huynh chỉ mua (mà Sở GD-ĐT dùng từ “xã hội hóa”) sản phẩm (với giá rất cao) khi kết quả thử nghiệm đã rõ ràng, chứ không phải như bây giờ phụ huynh phải mua một sản phẩm mà không biết con em mình có sử dụng nó để học tập hiệu quả được hay không?
* Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện đề án dao động từ 3900 – 4400 tỉ đồng. Với số tiền lớn như vậy, theo bà có nên đầu tư cho SGK điện tử, máy tính bảng không hay nên đầu tư vào các hạng mục khác?
- Trong hoàn cảnh là nước nghèo thì ngân sách giáo dục phải ưu tiên cho những cái cần làm ngay. Đó là cải cách nội dung giáo dục, nâng cao nghiệp vụ sư phạm của giáo viên.
Ví dụ: nghiên cứu mục tiêu, nội dung giáo dục, phương pháp dạy - học ở bậc tiểu học, trung học của các nước mạnh trong khối Đông Nam Á, đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên để cập nhật cho giáo viên các phương pháp dạy học hiện đại theo hướng thực hiện được chương trình tích hợp, nâng cao kỹ năng công nghệ và kỹ năng Tiếng Anh cho giáo viên (để sử dụng được MTB!).
Chất lượng giáo viên nên là trọng tâm của mọi đầu tư ngân sách ở thời điểm này.
* Từ sau vụ “chương trình tích hợp”, dường như các phụ huynh tỏ ra “cảnh giác” nhiều hơn với các đề án đổi mới giáo dục của ngành GD-ĐT TP. Theo bà, ngành GD-ĐT TP cần làm gì để lấy lại niềm tin của người dân, nhất là trong việc xây dựng và triển khai các đề án?
- Để tạo được niềm tin cho xã hội, tất cả các đề án cần thể hiện rõ những lợi ích cụ thể mà nó sẽ đem lại cho xã hội, đó là những lợi ích công mang tính lâu dài mà phụ huynh sẵn lòng đóng góp từ túi tiền của mình.
Quan trọng không kém là các đề án phải hướng đến sự công bằng trong giáo dục, học sinh cần được lớn lên trong môi trường học đường bình đẳng, không có sự phân biệt giàu nghèo, không phân loại học sinh theo khả năng tài chánh của phụ huynh.
Ngoài ra, tính khoa học và tính khả thi của mỗi đề án phải được đánh giá bởi một hội đồng khoa học độc lập và kết quả đánh giá được công bố công khai.
Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận