28/02/2012 14:59 GMT+7

Sếp ôm việc, phải làm sao?

HUỲNH NGỌC ÁNH(tổng giám đốc Công ty Career Vision)
HUỲNH NGỌC ÁNH(tổng giám đốc Công ty Career Vision)

TTO - * Tôi 26 tuổi, tốt nghiệp ĐH ngành quy hoạch - quản lý đô thị, hiện đang làm cho một công ty đầu tư các dự án quy hoạch đô thị.

Cv1UPJhP.jpgPhóng to
"Tôi nhận thấy mình đang làm việc chung với một người sếp luôn ôm việc vào mình để chứng tỏ với giám đốc..." - Ảnh: dailymail.co.uk
TTO - * Tôi 26 tuổi, tốt nghiệp ĐH ngành quy hoạch - quản lý đô thị, hiện đang làm cho một công ty đầu tư các dự án quy hoạch đô thị.

Lúc đi phỏng vấn, giám đốc công ty cũng chấp nhận tôi không có kinh nghiệm làm việc và nói tôi sẽ được các kỹ sư lâu năm trong công ty chỉ dạy. Nhưng khi tôi vào làm thì không được như vậy.

Trưởng phòng (còn khá trẻ) chỉ giao việc cho tôi như một thư ký dự án, các công việc về tính toán khối lượng hay lập dự toán, tôi không được giao hoặc có giao nhưng rất ít.

Tôi đã trao đổi với trưởng phòng, nhưng luôn nhận được câu trả lời: "Em chưa có kinh nghiệm giao việc gì cũng khó", "Em làm không nổi đâu"... Tôi có nói rằng làm thì mới biết, nếu không biết gì nhờ anh chỉ, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Trong lúc làm việc, khi tôi hỏi gì cũng chỉ nhận được sự im lặng.

Tôi nhận thấy mình đang làm việc chung với một người sếp không cởi mở, luôn ôm việc vào mình để chứng tỏ với giám đốc, chèn ép nhân viên cấp dưới một cách kín đáo. Vì thế tôi đã nói chuyện trực tiếp với giám đốc nhưng giám đốc chỉ ậm ừ.

Hiện tôi muốn nghỉ việc, có điều chưa tìm được việc khác. Nhưng tiếp tục làm trong môi trường không học hỏi được gì tôi thấy rất nản, bức bối. Xin cho tôi một lời khuyên!

(Một bạn đọc)

- Chào bạn. Tình huống của bạn cũng là tình huống khá phổ biến mà các bạn trẻ mới ra trường thường gặp, do đó bạn đừng lấy đó làm nản lòng và quá bức bối. Thay vào đó, hãy bình tĩnh suy xét sự việc dưới nhiều góc độ khác nhau để có cái nhìn khách quan hơn.

Qua những thông tin bạn cung cấp, tôi đưa ra một số giả thuyết lý giải nguyên nhân của sự việc như sau:

+ Sếp bạn do còn trẻ và chưa có kinh nghiệm quản lý, không biết sắp xếp công việc, phân nhỏ công việc để giao xuống cho cấp dưới, cũng như không biết cách hoặc không có đủ thời gian hướng dẫn nhân viên mới hỗ trợ mình. Điều này cũng có thể thông cảm, vì phần lớn các sếp do tư tưởng cầu toàn, sợ sai thì mình sẽ phải chịu trách nhiệm nên thường không dám giao việc cho nhân viên mới.

+ Sếp bạn chưa thật sự hài lòng về kết quả làm việc của bạn từ những việc nhỏ đã giao cho bạn trước đây, do đó không tin tưởng bạn có thể làm được những việc khó hơn. Thông thường, khi chưa thật sự tin tưởng năng lực nhân viên của mình, các sếp thường có xu hướng tự làm cho nhanh và tránh rủi ro, nhất là trong những trường hợp đòi hỏi chất lượng cao và thời gian hoàn thành cấp bách.

+ Theo tâm lý thông thường, không có sếp nào không muốn có nhân viên giỏi cả, vì có nhân viên giỏi sẽ gánh bớt việc cho mình, nhờ đó mình có nhiều thời gian nghỉ ngơi và làm những việc quan trọng hơn, lập được nhiều công trạng với cấp trên hơn. Vì vậy giả thuyết bạn cho là sếp “luôn ôm việc vào mình để chứng tỏ với giám đốc, chèn ép nhân viên cấp dưới một cách kín đáo” là rất hiếm khi xảy ra.

Do đó bạn đừng vội suy nghĩ tiêu cực về sếp hoặc về công ty mà hãy tự vấn lại bản thân và cần chuẩn bị cho mình những suy nghĩ chủ động và tích cực hơn.

Theo tôi, bạn nên xem xét lại những công việc mà sếp giao cho, bạn đã hoàn thành thật tốt chưa? Nếu còn có sai sót cho dù nhỏ, bạn vẫn nên cố gắng hoàn thiện để tạo lòng tin nơi sếp và đồng nghiệp. Nếu việc đơn giản bạn vẫn chưa làm tốt được, chắc chắn không ai dám giao việc khó hơn cho bạn cả.

Đồng thời trong lúc mọi người bận rộn công việc, bạn cần chủ động tìm việc mà làm. Dù không được giao việc, bạn vẫn có thể quan sát xung quanh xem mình có thể giúp gì được mọi người. Nếu thật sự nhạy bén và quan tâm sâu sắc đến công việc của công ty, bạn sẽ thấy rất nhiều việc mình có thể giúp đồng nghiệp và sếp mà không cần phải đợi người khác nhờ tới mới làm.

Đừng xem thường những việc nhỏ mà bạn cho là không liên quan đến chuyên môn muốn trau dồi. Chính những sự quan tâm và giúp đỡ nhỏ nhặt lại có thể giúp bạn tạo được ấn tượng tốt và lấy cảm tình của sếp và đồng nghiệp. Khi đó, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn với bạn.

Ngoài ra lúc rảnh rỗi, bạn nên tự tìm đọc tài liệu, những thông tin các dự án trước đây, những tài liệu hướng dẫn của công ty sẵn có để tự tìm hiểu, học hỏi thay vì phải chờ ai đó "cầm tay chỉ việc". Càng chịu khó dấn thân, chủ động, siêng năng, nhạy bén với yêu cầu công việc, hiểu được gu làm việc của sếp thì bạn càng nhanh chóng thích ứng với công ty, khẳng định mình và tạo được chỗ đứng của mình trong công ty.

Trong giai đoạn khó khăn của ngành bất động sản và xây dựng hiện nay, việc tìm kiếm công việc mới trong khi chưa có kinh nghiệm sẽ là một thử thách lớn đối với bạn. Do đó, bạn nên nhẫn nại hơn đối với công việc hiện tại của mình, nhất là khi được làm đúng chuyên ngành - điều không phải ai cũng may mắn như bạn.

Hãy cố gắng vượt qua những thử thách ban đầu này để phát triển lâu dài trên con đường sự nghiệp của mình, bạn nhé!

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

HUỲNH NGỌC ÁNH(tổng giám đốc Công ty Career Vision)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên