Phóng to |
Lực lượng cảnh sát giao thông Đà Nẵng làm nhiệm vụ trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua Hòa Phước (Hòa Vang). Đây là một trong những tuyến đường được UBND TP Đà Nẵng cho hưởng tiền dưỡng liêm 5 triệu đồng/người/tháng theo quy định riêng của TP nàyẢnh: đăng nam |
Việc phân bổ tiền thu phạt vi phạm hành chính được trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Số tiền chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 700.000-1.500.000 đồng/người/tháng, chi bồi dưỡng thêm 100.000 đồng/người/ca cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ban đêm... cũng được lấy từ khoản này.
Về cơ sở pháp lý để trích 70%, Bộ Tài chính giải thích tại khoản 6 điều 57 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính có giao Chính phủ quy định việc quản lý biên lai thu tiền phạt và tiền nộp phạt. Bên cạnh đó, tại nghị định 34 năm 2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có nêu: Tiền phạt vi phạm hành chính vi phạm giao thông phải nộp vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước và được sử dụng toàn bộ cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông đường bộ. Mặt khác, năm 2006 Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định sử dụng kinh phí này để bồi dưỡng lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mua sắm phương tiện, trang thiết bị...
Đó là căn cứ pháp lý và từ tình hình thực tiễn mà Bộ Tài chính ban hành thông tư 89 năm 2007 hướng dẫn về mức phân bổ cho các lực lượng tham gia xử phạt và các lực lượng trực tiếp tham gia công tác giữ gìn trật tự an toàn giao thông như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông...
Bộ Tài chính cho biết sắp tới toàn bộ các khoản phí, lệ phí, tiền phạt vi phạm hành chính phải nộp vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, các nội dung chi liên quan đến công tác quản lý thu phí, lệ phí... được quản lý theo dự toán thu chi của các tổ chức, cá nhân có liên quan. “Thực tế, tiền nộp phạt vẫn nộp vào Kho bạc Nhà nước, tức là nộp ngân sách. Tuy nhiên khi sửa Luật ngân sách nhà nước, Luật xử lý vi phạm hành chính và pháp lệnh phí, lệ phí thì tinh thần sẽ theo dự toán thu chi ngân sách. Do vậy, tỉ lệ trích từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính từ lĩnh vực giao thông cho cảnh sát giao thông sẽ thay đổi tùy theo khả năng ngân sách mỗi năm” - một cán bộ Bộ Tài chính cho hay.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 21-6 qua trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Tân - phó vụ trưởng Vụ Tài chính - ngân sách (Văn phòng Quốc hội) - cho biết theo tinh thần sửa Luật ngân sách nhà nước thì không chỉ khoản trích lại cho ngành công an, tất cả các khoản chi cho các ngành khác như thanh tra, y tế... sẽ được rà soát để đảm bảo cân đối thu chi ngân sách nhà nước. Tùy theo tình hình thu của ngân sách nhà nước sẽ có mức chi hợp lý cho các ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận