17/02/2016 11:07 GMT+7

Sẽ không còn cảnh phá sen ồ ạt để trồng lúa

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TT - Thời gian gần đây, khi một số doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ sen Việt nên nhu cầu mua hạt sen tươi đã tăng đột biến trở lại...

Đóng chai sữa sen Zen tại Công ty CP Ramsa - Ảnh: V.TR.
Đóng chai sữa sen Zen tại Công ty CP Ramsa - Ảnh: V.TR.

 

Hàng loạt sản phẩm chế biến từ sen như sữa, nước giải khát thanh nhiệt, rượu, trà, củ sen sấy, hạt sen sấy... được nhiều doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đưa ra thị trường đã góp phần nâng giá trị cho cây sen Việt, mở ra cơ hội mới cho người trồng sen. 

Đặc biệt, một số sản phẩm chế biến từ sen như hạt sen sấy và củ sen sấy đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và Singapore ngay trong những ngày đầu năm 2016.

Nhiều sản phẩm mới từ sen

Gặp chúng tôi vào những ngày đầu năm mới Bính Thân 2016, ông Huỳnh Văn Hiệp - giám đốc Công ty TNHH Nam Huy Đồng Tháp - khoe mới xuất hai đơn hàng với 8 tấn sản phẩm từ sen. Một đơn hàng xuất củ sen sấy cho thị trường Hàn Quốc, đơn hàng còn lại là hạt sen sấy cho khách hàng Singapore.

“Phía đối tác cho biết người tiêu dùng rất thích các sản phẩm từ sen vì có giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe. Tôi tin tới đây sản phẩm từ sen Việt sẽ được bán rộng rãi ở thị trường nước ngoài. Người dân sẽ không còn phá bỏ sen ồ ạt để trồng lúa như trước” - ông Hiệp nói.

Đưa chúng tôi tham quan nhà máy chế biến các sản phẩm từ sen, khoai lang, mít, bí đao (tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành), ông Hiệp cho biết công ty hiện có mạng lưới sáu nhà phân phối từ Đồng Tháp đến TP.HCM, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Hà Nội.

Năm 2015, người tiêu dùng trong nước tiêu thụ khoảng 100 tấn hạt sen sấy khô do công ty này sản xuất.

Toàn bộ hạt sen được lấy từ xứ sở sen Tháp Mười nổi tiếng. Còn củ sen lấy từ tỉnh Sóc Trăng. “Không chỉ thị trường nước ngoài, người tiêu dùng trong nước cũng rất thích củ sen và hạt sen sấy vì sản phẩm mới, lạ, ngon, bổ dưỡng” - ông Hiệp tiết lộ.

Trong khi đó, Công ty CP Ramsa tại TP Sa Đéc chọn cho mình hướng đi mới bằng việc sản xuất sữa từ hạt sen có tên là Zen - tiếng Nhật nghĩa là thiền, theo công nghệ được Trường ĐH Cần Thơ chuyển giao cho công ty hơn một năm nay.

Ông Phạm Văn Chắc (giám đốc công ty) cho biết hạt sen rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng vitamine B3 cao có tác dụng hỗ trợ ngủ ngon hơn. Đây cũng là sản phẩm công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp.

“Các siêu thị lớn đặt vấn đề sẽ tiêu thụ sản lượng lớn sữa sen Zen với điều kiện bảo quản từ 30 ngày trở lên trong điều kiện nhiệt độ thường. Chúng tôi đang nghiên cứu để thay đổi từ bảo quản lạnh sang bảo quản ở nhiệt độ bình thường để nắm bắt cơ hội này” - ông Chắc cho biết.

Tại vùng chuyên canh sen Tháp Mười, Công ty CP Đầu tư thương mại du lịch Đồng Tháp Mười cũng liên tục nghiên cứu sản xuất ra những sản phẩm mới từ sen. Sản phẩm nổi tiếng mấy năm nay và là đặc sản của xứ sở sen hồng Đồng Tháp là rượu “Hồng sen tửu”.

Thay vì nấu bằng gạo hay nếp, công ty đã sử dụng hạt sen để lên men, chưng cất, khử chất aldehyde trong rượu sau đó hạ thổ (cho vào hầm rượu sâu dưới đất) trong 12 tháng mới lấy ra đóng chai.

Theo ông Lê Tấn Phong (giám đốc), hiện công ty còn sản xuất hạt sen sấy bơ, trà tim sen và đặc biệt là nước giải khát thanh nhiệt từ sen. Cũng như sữa sen, nước giải khát làm từ hạt sen, tim sen nên có tác dụng thanh nhiệt và hỗ trợ giấc ngủ sâu.

Sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân

Ông Huỳnh Văn Hiệp cho biết trong năm 2016, Công ty Nam Huy Đồng Tháp dự kiến mua từ 250-300 tấn hạt sen để sản xuất mặt hàng sen sấy, thậm chí nhu cầu có thể nhiều hơn nếu có thêm nhiều đơn hàng xuất khẩu. Giá gương sen loại 1 có lúc vọt lên tới 65.000 đồng/kg, còn loại rẻ nhất cũng trên 10.000 đồng/kg.

Tính trung bình gương sen khoảng 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, những người mua gương sen về tách lấy tim sen làm trà, bán sen lụa (không có tim) để nấu chè, chế biến thức ăn với giá 70.000-80.000 đồng/kg.

Với năng suất từ 7-10 tấn gương sen/ha/vụ và mỗi năm thu hoạch được hai vụ, lợi nhuận trồng sen cao hơn lúa rất nhiều.

“Thông thường, chúng tôi phải mua gương sen về trữ lạnh để sử dụng dần cho những lúc khan hiếm nguyên liệu, hoàn toàn không có hiện tượng ứ đọng gương sen trong dân. Tôi lo tới đây sẽ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng do ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ sen ra đời và thị trường cũng mở rộng thêm” - ông Hiệp nói.

Ông Lê Tấn Phong cũng cho biết trong năm 2016, công ty dự kiến mua khoảng 70 tấn hạt sen để sản xuất, nên phải đặt hàng các nông dân trồng sen để ưu tiên mua trước. Huyện Tháp Mười đã quy hoạch trồng thêm 150ha sen vừa để phục vụ du lịch vừa để có nguồn nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ sen cho các doanh nghiệp.

“Tôi đang tính phương án phải ký hợp đồng bao tiêu gương sen với nông dân để chủ động nguồn nguyên liệu. Bây giờ người ta mới nhìn ra sen có giá trị rất lớn chứ không phải chỉ có hoa để ngắm, ngó sen để làm gỏi” - ông Phong nói.

Theo ông Võ Văn Dũng - phó Phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười, diện tích sen trên địa bàn từng lên tới 2.000ha, nhưng hiện nay chỉ còn chưa tới 400ha do nhiều nông dân ào ạt phá bỏ sen để trồng lúa khi thị trường Đài Loan giảm tiêu thụ hạt sen tươi, giá gương sen giảm mạnh.

“Thời gian gần đây, khi một số doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ sen nên nhu cầu mua hạt sen tươi đã tăng đột biến trở lại, có thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm, nhiều người dân cũng bắt đầu quan tâm đến việc trồng sen trở lại” - ông Dũng cho biết.

Người trồng sen sẽ bớt lo đầu ra

Ông Nguyễn Thành Tài, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, khẳng định trồng sen cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa. Tuy nhiên, giá gương sen thường bấp bênh, không ổn định trong khi nghề trồng sen rất vất vả nên nhiều nông dân chán nản chuyển sang trồng lúa.

Có lúc tỉnh Đồng Tháp định đưa sen là ngành hàng chủ lực trong kế hoạch tái cơ cấu nền nông nghiệp, nhưng thấy dân phá bỏ sen và chưa có các sản phẩm giá trị gia tăng từ sen nên đã bỏ ra.

“Chúng tôi rất mừng khi thấy có nhiều doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm mới từ sen và đã xuất khẩu được. Từ nay trở đi, nhu cầu tiêu thụ hạt sen tươi sẽ luôn tăng, người trồng sen sẽ bớt lo đầu ra thì hi vọng diện tích sen sẽ tăng trở lại ” - ông Tài phấn khởi.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên