12/04/2014 08:20 GMT+7

Sẽ không bao giờ có câu trả lời

ThS NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND tỉnh Kiên Giang)
ThS NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND tỉnh Kiên Giang)

TT - Chuyện anh Đỗ Minh Toàn, Đỗ Ngọc Anh, Khuất Văn Tuấn chỉ một lần phạm tội mà phải đi tù hai lần cho thấy một thực trạng đã tồn tại từ rất lâu trong ngành tòa án: thời gian xét xử giám đốc thẩm bị kéo quá dài!

PvPujT05.jpg

Bộ luật tố tụng hình sự quy định rất cụ thể và chặt chẽ về trình tự, thủ tục xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật, nếu cơ quan tiến hành tố tụng tuân thủ nghiêm túc những quy định này thì sẽ không xảy ra tình trạng “một lần tội, hai lần tù”.

Theo điều 283 Bộ luật tố tụng hình sự, phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị. Trong vụ án anh Toàn, kháng nghị giám đốc thẩm đã có ngày 30-11-2011, thế nhưng hơn 15 tháng sau hội đồng thẩm phán TAND tối cao mới mở phiên tòa giám đốc thẩm.

Vụ án hành chính tại tỉnh Kiên Giang dưới đây là một minh chứng khác. Ông Trịnh Văn Trung - nguyên là phó bí thư chi bộ, trưởng phòng kinh tế chuyên ngành thuộc Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang - ngày 31-8-2010 đã bị TAND tỉnh Kiên Giang xử phạt 3 năm tù cho hưởng án treo về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo bản án, ông Trung đã có hành vi tiếp tay cho các doanh nghiệp chuyển nhượng trái phép các dự án kinh tế của huyện đảo Phú Quốc để vụ lợi cá nhân.

Căn cứ vào Luật cán bộ, công chức năm 2008 và quy định của pháp luật có liên quan, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang ra quyết định số 491/QĐ-UBND ngày 24-2-2011 xử lý kỷ luật ông Trịnh Văn Trung bằng hình thức buộc thôi việc. Ông Trung khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu hủy quyết định 491.

Tại phiên tòa hành chính sơ thẩm ngày 21-10-2011, hội đồng xét xử cho rằng quyết định 491 là đúng pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 6-4-2012, hội đồng xét xử phúc thẩm của TAND tối cao tại TP.HCM lại căn cứ nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011 có hiệu lực thi hành gần ba tháng sau quyết định 491. Lập luận rằng theo điều 14 của nghị định 34/2011, người bị tòa án kết án nhưng được hưởng án treo thì không áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc, hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên chấp nhận kháng cáo của ông Trịnh Văn Trung, hủy quyết định 491 và buộc chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khôi phục quyền lợi cho ông Trung.

Quan điểm của Viện KSND tỉnh Kiên Giang là tại thời điểm ban hành quyết định 491 thì nghị định 35/2005/NĐ-CP ngày 17-3-2005 vẫn còn hiệu lực pháp luật và theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 25 của nghị định 35/2005 thì áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cán bộ, công chức khi “cán bộ, công chức tuy có hành vi vi phạm lần đầu nhưng tính chất và mức độ vi phạm rất nghiêm trọng, không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ cán bộ, công chức”. Ngoài ra, hành vi phạm tội của Trịnh Văn Trung thuộc nhóm tội tham nhũng và theo quy định tại điều 69 Luật phòng chống tham nhũng thì: “Trong trường hợp bị kết án về hành vi tham nhũng và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải bị buộc thôi việc...”. Viện KSND tỉnh Kiên Giang đã báo cáo, đề nghị chánh án TAND tối cao xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 28-10-2013, chánh án TAND tối cao ban hành quyết định kháng nghị số 12/2013/HC-KN đề nghị hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án phúc thẩm nói trên và giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang, nhưng đến nay đã gần sáu tháng mà hội đồng thẩm phán của TAND tối cao chưa đưa vụ án ra xét xử. Trong khi điều 221 Luật tố tụng hành chính quy định trong thời hạn hai tháng kể từ ngày nhận được kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở phiên tòa để giám đốc thẩm vụ án.

Yêu cầu của pháp luật là phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, thế nhưng chính TAND tối cao lại là cơ quan không thực hiện nghiêm túc thì câu hỏi “Không hiểu tòa án xử kiểu gì?” sẽ không bao giờ có câu trả lời.

Tòa án nhân dân TP Hà Nội khẳng định xét xử đúng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thẩm phán Nguyễn Bích Ngân, chủ tọa phiên xét xử phúc thẩm lần 2 vụ án anh Đỗ Minh Toàn (23 tuổi, huyện Phúc Thọ), khẳng định bản án mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử là đúng luật.

Bà Ngân nói: “Khi xét xử, chúng tôi biết là bị cáo vừa được trả tự do theo quyết định đặc xá. Chúng tôi xử ở đây là xử theo quyết định giám đốc thẩm, án đã hủy thì phải xử lại”.

Về việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định trả tự do cho anh Đỗ Minh Toàn với lý do bản án của Tòa án nhân dân TP Hà Nội trái pháp luật, thẩm phán Nguyễn Bích Ngân cho biết đó là quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, còn quan điểm của Tòa án nhân dân TP Hà Nội là bị cáo có quyết định đặc xá thì vụ án vẫn xử lại bình thường. Theo bà Ngân, lỗi là do trại giam nơi bị cáo thi hành án khi làm hồ sơ đặc xá chưa xem xét xem bản án đã có hiệu lực hay chưa.

* Luật sư Ngô Ngọc Trai (Đoàn luật sư tỉnh Nam Định):

Các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu trách nhiệm

Theo điều 276 Bộ luật tố tụng hình sự, khi bản án đã có hiệu lực pháp luật và người phạm tội đang thi hành án phạt tù mà bản án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, thì người ra kháng nghị có trách nhiệm ban hành thêm quyết định tạm đình chỉ thi hành án.

Đây là một vụ án ít nghiêm trọng, người phạm tội còn ít tuổi, cần khoan hồng giúp người ta sớm bước qua lầm lỗi, xoa dịu nỗi đau để làm lại cuộc đời. Các cơ quan tiến hành tố tụng thật thiếu trách nhiệm khi kéo dài vụ việc mà lại mắc sai sót gây thêm khó khăn cho gia đình bị can, làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật.

* Ông Phạm Huy Thận (nguyên cục trưởng Cục điều tra, nguyên vụ trưởng Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao):

Anh Đỗ Minh Toàn đã có quyết định đặc xá của Chủ tịch nước. Quyết định này phải được thi hành. Tòa án không thể nhắm mắt vượt qua quyết định đặc xá của Chủ tịch nước được. Bởi đây là quyết định rất thiêng liêng. Lẽ ra trong trường hợp này, Tòa án nhân dân TP Hà Nội phải báo cáo lên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao để tìm hướng giải quyết.

Theo quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự, khi kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy án, giảm án hoặc kháng nghị theo hướng bị cáo không có tội thì mới phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án. Trường hợp anh Đỗ Minh Toàn, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng tăng mức án nên không cần ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án. Tuy nhiên, luật quy định phải tống đạt quyết định kháng nghị đến bị cáo và các cơ quan liên quan. Trong vụ án này, có thể quyết định kháng nghị không được thông báo, hoặc đã thông báo rồi nhưng các cơ quan không cập nhật đầy đủ. Trại giam không biết vụ án bị kháng nghị nên vẫn làm hồ sơ đặc xá cho bị cáo.

TÂM LỤA ghi

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Một lần tội, hai lần tùÁn oan trên trời rơi xuốngỞ tù oan 16 năm 3 tháng“Không hiểu tòa án xử kiểu gì?!”

ThS NGUYỄN MINH SƠN (Viện KSND tỉnh Kiên Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên