24/10/2012 09:25 GMT+7

Sẽ hình thức nếu thực hiện theo diện rộng

LÊ KIÊN - V.V.THÀNH - Q.THANH
LÊ KIÊN - V.V.THÀNH - Q.THANH

TT - Nhận định này là của một số thành viên Ủy ban Pháp luật được Chủ nhiệm Phan Trung Lý viện dẫn khi trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

NYT39rl1.jpgPhóng to
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý tại diễn đàn Quốc hội sáng 23-10 - Ảnh: Việt Dũng

Trước đó, vào sáng 23-10, dự thảo nghị quyết này đã được trưởng Ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Nương trình Quốc hội.

Lấy phiếu tín nhiệm 49 người

Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, dự thảo nghị quyết quy định Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước. Tổng cộng là 49 người.

Hội đồng dân tộc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các phó chủ tịch, các ủy viên của Hội đồng dân tộc. Các ủy ban của Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các phó chủ nhiệm, các ủy viên của ủy ban mình. Hội đồng nhân dân (HĐND) thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực HĐND, trưởng các ban của HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên của UBND. Các ban của HĐND thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với phó trưởng ban và các ủy viên của ban mình.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, khi thẩm tra dự thảo nghị quyết, một số thành viên của ủy ban cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện theo diện rộng với quá nhiều chức danh như trên sẽ dàn trải, hình thức, không cần thiết. Quốc hội chỉ nên lấy ý kiến đối với các chức danh bộ trưởng và tương đương trở lên (bao gồm các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ, chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước). HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực HĐND, trưởng các ban của HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên của UBND.

Tín nhiệm thấp quá sẽ miễn nhiệm ngay

Dự thảo nghị quyết quy định: Quốc hội, HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm tại kỳ họp đầu năm, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ. Quốc hội thực hiện lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín tại phiên họp toàn thể. Trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “chưa có ý kiến”.

Trong khi đó, một số ý kiến của Ủy ban Pháp luật cho rằng trên phiếu chỉ nên có duy nhất mức “tín nhiệm”. “Nếu đại biểu nào tín nhiệm thì đánh dấu (X) vào ô đồng ý, còn đại biểu nào không tín nhiệm thì đánh dấu (X) vào ô không đồng ý. Căn cứ vào tỉ lệ phiếu tín nhiệm để xác định người được lấy phiếu đạt tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp” - ông Lý cho biết.

Vẫn theo dự thảo, người có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá mức “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín, trên phiếu thể hiện tên, chức vụ của người bị bỏ phiếu tín nhiệm, hai mức độ “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội không tín nhiệm thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm có trách nhiệm trình Quốc hội xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm đối với người đó.

Theo lịch trình, Quốc hội sẽ thảo luận vấn đề này vào các ngày 29-10 và 10-11, sau đó sẽ xem xét thông qua vào ngày 21-11.

* Cũng trong sáng 23-10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, bên cạnh đó có những vấn đề sẽ cân nhắc lấy phiếu thăm dò. Dự kiến ngày 20-11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật này.

Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực. Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến hai vấn đề: quy hoạch phát triển điện lực; giá điện và các loại phí điện lực. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến mổ xẻ thêm hiệu quả và hệ quả của các công trình thủy điện.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng có một hiện tượng phải quan tâm, song chưa phản ánh được đầy đủ trong Luật điện lực. Đó là tình hình phát triển thủy điện. Ông Quốc băn khoăn các thủy điện vừa và nhỏ phát triển tràn lan như hiện nay với số lượng lên đến hàng nghìn, nằm rải rác trên khắp đất nước, khả năng kiểm soát rất khó. Do vậy, “tôi thấy trong bộ luật này chưa đề cập tới thủy điện như một chương riêng đã đành, nhưng ngay trong các chương chung cũng hết sức mờ nhạt”.

Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), luật đề cập nhiều đến quyền, nghĩa vụ của đơn vị bán điện, nhưng quyền của người tiêu dùng lại chưa được đề cập. Bà Nguyệt cũng đề nghị lưu ý đến quyền được bồi thường, đền bù của người tiêu dùng.

Mở đường cho văn hóa từ chức

“Đã là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thì phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến nói trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội (QH) bầu hoặc phê chuẩn.

kGvgNBcy.jpgPhóng to
Ông Lê Như Tiến - Ảnh: Lê Kiên

* Là đại biểu QH, ông thấy bước đầu QH đón nhận vấn đề này như thế nào?

- Cá nhân tôi cho rằng việc trình đề án về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là cần thiết. Cũng có một số vị đại biểu QH, một số vị bộ trưởng bày tỏ rằng nếu việc này được tiến hành hằng năm, nghĩa là hằng năm QH lại “bầu” chúng tôi một lần nữa. Có ý kiến nói lấy phiếu tín nhiệm hằng năm liệu có nhiều quá không, hay là tiếp tục hoàn thiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội để bỏ phiếu tín nhiệm đối với người nào có vấn đề mà cử tri, dư luận phản ánh. Nghĩa là không làm đại trà, khi anh có vấn đề QH sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với anh luôn chứ không qua quy trình lấy phiếu tín nhiệm nữa, nếu tín nhiệm dưới 50% thì hoặc anh chủ động từ chức hoặc QH sẽ tiến hành các thủ tục để bãi nhiệm. Như vậy cũng là một cách để khuyến khích, mở đường cho văn hóa từ chức.

* Dự thảo nghị quyết có đề cập các căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm, ví dụ như việc thực hiện nhiệm vụ, đạo đức, lối sống... Theo ông, để đánh giá chính xác một vị bộ trưởng thì đại biểu QH nên dựa vào những kênh thông tin nào, trong khi độ nóng các lĩnh vực quản lý nhà nước thường khác nhau?

- Dự thảo nghị quyết có quy định người được QH lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo về các nội dung thuộc căn cứ đánh giá để đại biểu QH nghiên cứu trước, qua đó để đại biểu hiểu hơn về nhân thân, quá trình công tác, ưu điểm, khuyết điểm để bỏ phiếu cho công bằng, khách quan. Bên cạnh đó, đại biểu QH cần có nhiều kênh thông tin khác chứ không phải chỉ dựa vào báo cáo, có thể là kênh thông tin từ góp ý của cử tri, từ báo chí...

Trước đây nguyên chủ tịch QH Nguyễn Văn An thường gọi các vị bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực, làm tư lệnh thì ghế nào cũng có vấn đề nóng cả, tất nhiên một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông... thường xuyên có những va chạm, cọ xát hằng ngày nên có thể làm người ta dễ bức xúc hơn. Nhưng một khi đã đảm nhiệm vị trí bộ trưởng thì phải có giải pháp để tháo gỡ điểm nóng, nếu không làm được thì ngay từ đầu nên trình bày với QH là đừng phê chuẩn tôi nữa, còn QH đã phê chuẩn rồi thì phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Ý kiến cử tri: Để “lấy” và “bỏ” phiếu tín nhiệm hiệu quả

Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là một chủ trương rất đúng, rất hợp lòng dân. Để làm tốt việc này, theo tôi, cần phải tăng cường và đổi mới một loạt vấn đề về công tác cán bộ ở các cấp, các ngành, làm cơ sở cho việc “lấy” và “bỏ” phiếu tín nhiệm có hiệu quả.

Trước hết, phải thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình, phê bình và kiểm điểm cán bộ theo định kỳ. Cần đòi hỏi tinh thần thành khẩn, tự giác của những người tham gia tự phê bình, phê bình và kiểm điểm, không kể lể thành tích, không né tránh, giấu giếm khuyết điểm, không đổ lỗi cho khách quan. Cần hoan nghênh những người tự thấy mình có nhiều khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, uy tín giảm sút, xin từ nhiệm chức vụ đang giữ để làm việc khác hoặc xin nhận một hình thức kỷ luật phù hợp, không cần phải chờ để lấy phiếu của QH hoặc HĐND hằng năm.

Hai là, cần tiếp tục duy trì một biện pháp rất hay mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nêu là lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là ý kiến của cán bộ hưu trí, cán bộ am hiểu công việc có liên quan, trước khi tiến hành kiểm điểm, yêu cầu người kiểm điểm phải trả lời những ý kiến đó một cách rõ ràng. Việc làm này rất cần thiết vì có tình trạng không ít cán bộ không thật tự giác, thành khẩn trong tự phê bình hoặc thiếu mạnh dạn khi phê bình người khác.

Ba là, phải cung cấp cho đại biểu các tài liệu cần thiết về kiểm điểm, đánh giá cán bộ... của nơi người được lấy phiếu tín nhiệm công tác. Nếu người đó có đơn thư tố cáo thì cần có kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra về những vụ việc đó, để các đại biểu bỏ phiếu đúng đắn.

Bốn là, khi lấy phiếu thăm dò tín nhiệm đạt tỉ lệ quá thấp thì cần có biện pháp xử lý kịp thời, như yêu cầu cán bộ từ chức, làm việc khác, gần đến tuổi nghỉ hưu thì nghỉ hưu luôn, dành chỗ cho những người khác có đức, có tài và có uy tín hơn đảm nhiệm. Đừng nên duy trì tình trạng kéo dài quá lâu thời gian chờ đợi cán bộ tín nhiệm thấp sửa chữa khuyết điểm.

Năm là, nên dùng thuật ngữ “lấy phiếu thăm dò tín nhiệm” lần đầu và “bỏ phiếu tín nhiệm” để xác định hình thức xử lý những cán bộ mà cả hai lần lấy phiếu thăm dò tín nhiệm đều thấp. Nếu chỉ dùng thuật ngữ “lấy phiếu tín nhiệm” thì không làm rõ được nội dung của việc này là “lấy phiếu thăm dò tín nhiệm”. Nó chỉ nói lên được việc “lấy phiếu” là việc do cơ quan đứng ra tổ chức lấy phiếu, còn việc “bỏ phiếu” là việc của các thành viên tham gia bỏ phiếu mà thôi.

LÊ KIÊN - V.V.THÀNH - Q.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên