08/09/2011 22:26 GMT+7

Sẽ đóng cửa thị trường Hàn Quốc với lao động Việt Nam

VĂN ĐỊNH - HỒ VĂN
VĂN ĐỊNH - HỒ VĂN

TTO - Trước nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc, sáng 8-9 tại Hà Tĩnh, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp với Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh tổ chức buổi tọa đàm tìm “Các biện pháp ngăn ngừa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình EPS trốn và ở lại làm việc bất hợp pháp”.

* Đề xuất chế tài thân nhân người bỏ trốn

Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc

h3ezAb2p.jpgPhóng to
Lao động VN đang quá cảnh tại sân bay Singapore - Ảnh: H.V.

Mới đây, 22 lao động đã bỏ trốn ngay khi nhập cảnh vào Hàn Quốc khiến phía Hàn Quốc hoãn cuộc thi tiếng Hàn ngày 8-7 và tạm ngưng tuyển dụng lao động Việt Nam.

Sẽ đóng cửa thị trường nếu không có biện pháp ngăn chặn

Tại buổi tọa đàm, ông Jung Jin Young, trưởng đại diện Cơ quan phát triển nhân lực Hàn Quốc tại VN, cho biết nếu Chính phủ Việt Nam không đưa ra được biện pháp ngăn ngừa tình trạng lao động người VN làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc thì nước này sẽ đóng cửa thị trường đối với lao động VN.

Ông Jung cho biết tình trạng người nước ngoài cư trú bất hợp pháp đang là vấn đề búc xúc trong xã hội Hàn Quốc. Thời gian gần đây số lao động nước ngoài, đặc biệt là lao động VN, cư trú và làm việc bất hợp pháp ở Hàn Quốc đang ở mức đáng lo ngại và ngày càng gia tăng.

Theo thống kê của Bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc, trong tổng số trên 60.000 lao động VN hiện đang làm việc ở Hàn Quốc có đến 8.780 người cư trú bất hợp pháp. Nghiêm trọng hơn, tình trạng người lao động bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc cũng tăng lên trong thời gian gần đây.

Ông Jung cho biết thông qua các buổi tọa đàm ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An - ba tỉnh có lao động bỏ trốn nhiều nhất - ông sẽ lắng nghe, thu thập ý kiến người thân người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc và những lao động đang chờ thủ tục sang Hàn Quốc để báo cáo Quốc hội Hàn Quốc xem xét.

Nguyên nhân dẫn đến lao động VN ở Hàn Quốc bỏ trốn ra ngoài làm thuê bất hợp pháp là chủ đề chính của buổi tọa đàm. Rất nhiều ý kiến cho rằng một số lao động VN làm thuê bất hợp pháp ở Hàn Quốc vì không đủ sức khỏe và không có nguyện vọng làm việc trong ngành đăng ký nên đã bỏ trốn ngay sau khi nhập cảnh. Bên cạnh đó, một số lao động vì muốn có thu nhập cao hơn công việc đang làm nên bỏ trốn ra ngoài làm thuê bất hợp pháp...

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Đình Hùng, chủ tịch xã Cương Gián, cũng có lý do từ phía chủ sử dụng lao động Hàn Quốc: "Một số lao động phản ảnh các ông chủ người Hàn thường xuyên đánh đập, đối xử tệ bạc khiến người lao động VN bỏ trốn và trở thành lao động bất hợp pháp".

Ông Phan Thanh Là, trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cho biết để sang Hàn Quốc làm thuê, người lao động phải chịu một khoản chi phí rất lớn so với chi phí thực. Do đó gần hết hợp đồng mà vẫn chưa trả hết nợ, người lao động mới bỏ trốn ra ngoài.

"Nguyên nhân chi phí lớn là do người lao động phải thông qua "cò", trung tâm môi giới để được đi xuất khẩu lao động” - ông Là nói.

Sẽ xử phạt thân nhân?

Trước thực trạng một số lao động người Hà Tĩnh làm thuê ở Hàn Quốc bỏ trốn, ngày 1-8-2011 Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh có công văn gửi Công an Hà Tĩnh đề nghị công an tỉnh tham gia ý kiến, đóng góp vào dự thảo văn bản để sớm trình lên tỉnh. Theo một số cán bộ của sở này, trong dự thảo văn bản có hình thức xử phạt đối với người nhà các lao động làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.

Trước đó cũng có thông tin Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo dừng tuyển dụng lao động đi làm việc tại Hàn Quốc tại ba xã: Cương Gián, Cẩm Nam và Kỳ Ninh của Hà Tĩnh.

Một số biện pháp để giải quyết vấn đề lao động VN cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc được đưa ra như: thay đổi cách thức tuyển chọn lao động, phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình động viên người lao động bất hợp pháp về nước, áp dụng hình thức đặt cọc hoặc bảo lãnh để chống trốn....

Ông Nguyễn Tiến Hòa, giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Tĩnh, nêu ý kiến: "Cần xử phạt nặng đối với cá nhân, gia đình có người lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Nếu không cương quyết, tình trạng lao động VN làm thuê bất hợp pháp ở Hàn Quốc sẽ không được khắc phục".

Ông Đào Công Hải, phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, rất đắc ý với ý kiến này. Ông nói: "Chúng ta chưa có chế tài và xử phạt người thân của lao động đi làm thuê bất hợp pháp. Người lao động đi làm thuê thì cha mẹ, vợ con họ được hưởng, do đó biện pháp chế tài xử phạt người nhà cũng là một cách ngăn ngừa, chúng tôi sẽ trình lên các bộ ngành".

Ngày 9-9, buổi tọa đàm cũng sẽ được tổ chức tại tỉnh Nghệ An. Trước buổi tọa đàm, ông Nguyễn Dăng Dương - trưởng phòng lao động, tiền lương tiền công Sở LĐ-TB&XH Nghệ An - cho biết Nghệ An cũng đã có những biện pháp mạnh như: đề xuất với tỉnh cấm tuyển dụng lao động tại những xã, phường có ba lao động trở lên bỏ trốn, gia đình nào có người bỏ trốn khi thân nhân lên xác nhận hồ sơ đi lao động sẽ không được duyệt.

Theo ông Dương, biện pháp này dù không đúng nhưng phải làm mạnh tay may ra mới góp phần hạn chế lao động bỏ trốn, khai thông thị trường Hàn Quốc trở lại. Theo ông Dương, Nghệ An có khoảng 500 lao động đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc.

VĂN ĐỊNH - HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên