Đây được xem là cơ sở pháp lý để dẹp tận gốc tình trạng sản xuất kinh doanh MBH dỏm.
Phóng to |
Một loại nhái MBH chỉ có một lớp nhựa mỏng được bán tràn lan tại các vỉa hè, lề đường trên cả nước (ảnh chụp tại phố Chùa Bộc, Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Kinh doanh MBH không đủ 3 lớp sẽ bị phạt Theo thông tư liên tịch mới về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện, MBH phải có đủ ba bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thu xung động và quai đeo. Cơ sở nào sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH có hình dáng giống MBH nhưng không đủ ba bộ phận sẽ bị phạt. Người điều khiển, ngồi trên môtô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện, xe đạp điện nếu đội mũ “đối phó”, không thực là MBH, thậm chí cài quai không chặt... cũng sẽ bị công an xử phạt. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Hùng, cục phó Cục Quản lý thị trường (QLTT), nói:
- Hiện nay đúng là có rất nhiều loại MBH giả, nhái, nhập lậu; đặc biệt là loại mũ tương tự MBH nhưng không có chức năng bảo vệ mà chúng tôi gọi là “mũ đối phó” đang bán tràn lan trên vỉa hè. Thực tế chúng tôi đã làm rất quyết liệt, trước tết Cục QLTT đã làm kế hoạch triển khai phương án cao điểm kiểm tra, chuẩn bị khi thông tư liên tịch của liên bộ Công an - Công thương - Giao thông vận tải - Khoa học công nghệ có hiệu lực sẽ thực hiện ngay. Ngày 25-2, để chuẩn bị đợt cao điểm, chúng tôi đã chỉ đạo Chi cục QLTT kiểm tra một loạt cơ sở kinh doanh MBH tại Hà Nội và đã phát hiện vi phạm lớn.
* Quy chuẩn MBH đã có nhưng MBH đối phó một thời gian dài vừa qua vẫn bán đầy đường, vì sao thưa ông?
- Thực tế chúng tôi đã đi kiểm tra, xử lý nhưng cũng bị “đối phó” rất mạnh, từ người bán hàng đến cơ sở sản xuất. Chẳng hạn, bức xúc nhất là loại mũ bán vỉa hè, nó trông giống MBH nhưng thực chất chỉ có một lớp nhựa mỏng. Khi kiểm tra, chúng tôi muốn xử phạt MBH giả, nhái thì người bán bảo: “Chúng tôi bán mũ cho người đi bộ chứ đây không phải MBH”. Vì vậy, việc xử lý chủ yếu là lấn chiếm lòng đường, vỉa hè... Ngay cả khi hôm nay có xử lý được thì mai họ lại ra, rồi thấy lực lượng chức năng đến là chạy, lát sau lại ra. Việc xử phạt theo mức độ hàng giả, hàng nhái cơ sở sản xuất cũng rất khó vì nhiều cơ sở sản xuất còn ghi luôn vào mũ rằng “Đây không phải MBH”...
* Mới đây đại biểu Quốc hội Lê Sỹ Cương sau một thời gian chất vấn chưa rõ hiệu quả đã qua báo Tuổi Trẻ gửi thư ngỏ đến bộ trưởng Bộ Công thương về sự thiếu quyết liệt của Bộ Công thương khi đề xuất chính sách trong việc xử lý?
- Tình trạng sản xuất, buôn bán MBH giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng đã diễn ra thời gian qua nhưng gần đây xuất hiện diễn biến đáng lo ngại hơn, đặc biệt là tình trạng bày bán gần như công khai ở cả thành thị và nông thôn loại “mũ đối phó”, MBH nhưng thực chất là mũ nhựa.
Thực tế là ngay sau khi được chất vấn ngày 23-11-2012, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có chỉ thị yêu cầu các cơ quan thuộc bộ thực hiện những nội dung bộ trưởng nêu tại phiên chất vấn. Và Cục QLTT đã chủ động làm việc với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đề nghị bổ sung quy định về quản lý chất lượng MBH dùng cho môtô, xe máy và cả xe đạp điện; quy định cả kiểu dáng, màu sắc, ghi tem... để phân biệt với kiểu dáng tương tự có thể gây nhầm lẫn là MBH xe máy (hiện nay VN mới chỉ có quy chuẩn về MBH cho người đi môtô, xe máy). Tuy nhiên, như đã nói, hiện nay chúng ta mới có chế tài để xử lý các loại MBH giả, kém chất lượng, nhập lậu. Nhưng các loại “mũ đi bộ”, “mũ đối phó” thì chưa đủ chế tài.
Phóng to |
Ông Trần Hùng - Ảnh: C.V.K. |
* Vậy bao giờ có thể xử lý được tình trạng MBH giả, nhái, đối phó?
- Ngày 23-2, Bộ Công an đã ký thông qua thông tư liên tịch về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng MBH cho người đi môtô, xe gắn máy, xe đạp điện. Việc bốn bộ Công thương - Giao thông vận tải - Công an - Khoa học công nghệ ký ban hành thông tư nói trên đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ cho các cơ quan chức năng thi hành công vụ. Như vậy chúng ta sẽ có đủ cơ sở, chế tài để xử lý các hành vi vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH.
Cũng trong sáng 23-2 vừa qua, Cục QLTT đã họp với các cơ quan trực tiếp liên quan như Công an, Ủy ban An toàn giao thông để lên kế hoạch triển khai quyết liệt, làm một đợt cao điểm kiểm tra, xử lý những vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh và cả sử dụng MBH để đẩy lùi những hành vi kinh doanh trái pháp luật, góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông ... Tinh thần với quy định của thông tư mới, các cơ sở sản xuất, người bán MBH nhái, đối phó ở vỉa hè sẽ được kiểm tra, xử lý mạnh. Các lực lượng công an giao thông, công an phường, xã, thị trấn cũng sẽ tăng cường kiểm soát để nếu phát hiện người điều khiển phương tiện nào đội MBH nhái, đối phó sẽ xử phạt. Riêng với QLTT, bộ trưởng Bộ Công thương đã yêu cầu kiên quyết: QLTT đến tháng 10-2013 phải cơ bản khắc phục được tình hình MBH vi phạm như hiện nay.
* Nhiều doanh nghiệp sản xuất MBH chân chính đã phá sản vì không bán được mũ. Nếu chỉ làm theo đợt cao điểm liệu có xử lý được dứt điểm?
- Với quy định của thông tư liên tịch sắp tới đây, với những tiêu chí rõ ràng, loại mũ đối phó này chắc chắn không còn chỗ đứng. Bên cạnh việc xử lý người bày bán, chúng tôi sẽ xử lý tận gốc từ những cơ sở sản xuất. Lần này chúng tôi đã chủ động làm việc với các cơ quan liên quan và ngành công an, giao thông vận tải đều đã thống nhất cao. Nên đợt này chúng tôi tin rằng chắc chắn những loại MBH giả, nhái, đối phó... sẽ bị xử lý để không còn khả năng tái phát.
“Phù phép” MBH Trung Quốc về bán Theo ông Vương Thái Dũng - phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, hiện nay còn có hiện tượng doanh nghiệp sản xuất MBH không sản xuất nữa mà nhập MBH từ Trung Quốc về, dán nhãn doanh nghiệp mình rồi bán. Như trong năm 2012, ông Dũng khẳng định đã “bắt” được doanh nghiệp sản xuất MBH rất nổi tiếng là Amoro nhập khẩu tới 10.000 MBH từ Trung Quốc rồi dãn nhãn của mình vào. QLTT đã xử lý và chuyển qua cơ quan công an xem xét xử lý nhưng cuối cùng công ty này chỉ bị xử lý hành chính. Không chỉ bày bán trên thị trường, các loại MBH giả mạo, kém chất lượng còn được lưu thông số lượng lớn qua các chương trình khuyến mãi, tặng kèm. Hiện nay, sản phẩm MBH không chỉ được một số công ty đặt mua nhằm phục vụ nhu cầu tặng cho nhân viên, khách hàng mà còn sử dụng với số lượng lớn cho các chương trình khuyến mãi, bán hàng tặng kèm. Nhiều địa phương như TP.HCM, Vĩnh Long, Kiên Giang tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng loạt vụ sản xuất, phân phối sản phẩm MBH dùng để khuyến mãi là hàng giả, kém chất lượng. Cụ thể, UBND tỉnh Kiên Giang quyết định xử phạt hộ kinh doanh gas Trung Kiên (TP Rạch Giá, Kiên Giang) mức phạt 300 triệu đồng và đình chỉ hoạt động ba tháng với hành vi tàng trữ hàng hóa giả mạo thương hiệu (MBH giả mạo thương hiệu Nón Sơn). Đơn vị này đã sử dụng sản phẩm này làm hàng khuyến mãi, tặng kèm cho khách hàng mua gas. Tương tự, Chi cục QLTT TP.HCM cũng tiến hành tịch thu, tiêu hủy lượng lớn MBH nhãn hiệu MobiFone không đạt chất lượng của một cơ sở sản xuất MBH tại Bình Tân (TP.HCM). * Theo báo cáo sơ bộ của Chi cục QLTT Hà Nội tại buổi ra quân kiểm tra kinh doanh MBH sáng 25-2, kết quả qua kiểm tra 13 cơ sở trên địa bàn thủ đô đã có thông tin báo về trong tổng số 15 cơ sở bị kiểm tra thì gần như 100% cơ sở vi phạm, phải xử phạt. Cụ thể, với tổng số MBH kiểm tra là 2.350 thì có tới 1.671 MBH vi phạm mà phần lớn là “mũ đối phó”, mũ không rõ nguồn gốc, mũ nhựa, mũ không có tem... L.SƠN - C.V.K. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận