28/03/2023 17:30 GMT+7

Sau World Cup, nhiều lao động nhập cư còn mắc kẹt tại Qatar

Đến Qatar với hy vọng đổi đời, nhưng giờ đây nhiều lao động châu Phi lại mắc kẹt ở đây với khoản nợ khổng lồ sau World Cup 2022.

Sau World Cup, nhiều lao động nhập cư còn mắc kẹt tại Qatar - Ảnh 1.

Dòng chữ "Chúng tôi cần việc làm" được viết trên cửa kính một cửa hàng tại quận al Mansoura, thủ đô Doha, Qatar, bởi nhiều lao động nhập cư bị mắc kẹt lại đất nước này sau World Cup - Ảnh: THE GUARDIAN

Hơn 100 ngày sau khi World Cup 2022 kết thúc, rất nhiều lao động nhập cư, đặc biệt là những lao động đến từ khu vực Tây Phi vẫn còn mắc kẹt lại Qatar trong tình trạng nghèo túng và thất nghiệp, theo tờ Guardian.

“Tôi đã không có gì để ăn trong suốt hai ngày qua. Tôi đã thất nghiệp kể từ khi World Cup kết thúc và phải xin sự giúp đỡ từ gia đình nghèo khó ở quê nhà”, anh Aboubacar, một lao động nhập cư đến từ Guinea, nói với tờ Guardian.

Một số công nhân khác từ Nigeria cũng chia sẻ với tờ Guardian rằng họ đã bị lừa một khoản tiền lớn để có thể đến Qatar bằng thẻ Hayya, một giấy phép cần thiết để đến thăm đất nước này thay cho thị thực trong suốt thời gian diễn ra World Cup.

Cụ thể, các công ty tuyển dụng tại quê nhà của các công nhân này yêu cầu họ đóng một khoản phí không hề nhỏ, với lời hứa rằng thẻ Hayya sẽ được chuyển thành thị thực lao động hợp pháp sau khi họ đặt chân đến Qatar.

Thực tế, thời hạn sử dụng của thẻ Hayya được gia hạn đến năm 2024, nhưng những chiếc thẻ này chỉ có thể sử dụng với mục đích du lịch.

Điều này đã đẩy các lao động chìm vào cảnh nợ nần do không thể tìm được việc làm hợp pháp tại Qatar và phải vật lộn với vô vàn khó khăn để có thể trở về quê nhà.

Lời cảnh báo không đến được những lao động tại châu Phi

Sau World Cup, nhiều lao động nhập cư còn mắc kẹt tại Qatar - Ảnh 2.

Các lao động từ châu Phi chen chúc trong một căn hộ chung cư nhỏ ở thủ đô Doha, Qatar - Ảnh: THE GUARDIAN

Trước đó, phía Đại sứ quán Nigeria tại thủ đô Doha, Qatar đã cảnh báo về tình trạng lừa đảo lao động bằng thẻ Hayya. Dù vậy, rất nhiều lao động từ khu vực Tây Phi vẫn không thoát khỏi những “lời ngon ngọt” từ các công ty tuyển dụng.

“Họ đã lợi dụng lấy tiền của tôi và vứt bỏ tôi ở đây”, anh Hakeem, một lao động từ Nigeria, nói và cho biết anh đã bán tất cả đồ đạc của mình, kể cả ô tô để đóng gần 2 triệu naira (khoảng 4.300  USD) cho một công ty tại quê nhà để lấy thẻ Hayya và đến Qatar.

Cho đến nay đã có rất nhiều công nhân từ Tây Phi, đặc biệt là Ghana, Nigeria, Sierra Leone, Guinea và Niger rơi vào cảnh nợ nần do để xoay xở thị thực ở lại Qatar.

Trong khi đó, một số lao động khác đã sống trong lo sợ bị chính quyền địa phương bắt giữ và trục xuất vì không đủ tiền gia hạn thị thực hoặc đăng ký làm thẻ căn cước cư trú hợp pháp ở Qatar.

Tại khu phố al Mansoura, cách khu khách sạn và cửa hàng sang trọng ở thủ đô Doha một quãng lái xe ngắn là những khu chung cư cũ kỹ, nơi các lao động với mức lương thấp đang sống qua ngày.

Anh Ahmad cùng ba người bạn đã vay một khoản tiền khá lớn từ gia đình, bạn bè để đến Qatar bằng chiếc thẻ Hayya thông qua một công ty tại Nigeria. Và hiện họ đang sống cùng với 9 người khác trong một căn hộ nhỏ xíu, chỉ với bốn chiếc giường tại tầng trên cùng của một tòa chung cư.

Phía công ty trên đảm bảo với anh Ahmad rằng họ sẽ được chuyển đổi từ thẻ Hayya sang thị thực lao động ngay khi đến nơi. Nhưng khi anh Ahmad nhận ra mình đã mắc vào cái bẫy của công ty này thì đã quá muộn.

“Tôi muốn về nhà nhưng tôi không thể về. Tôi bị giam chân lại nơi này bởi một khoản nợ khổng lồ. Tôi đến Qatar với hy vọng có thể giúp đỡ gia đình, nhưng giờ đây gia đình ở quê lại đang phải gửi tiền và thực phẩm cho tôi”, anh Ahmad ngậm ngùi.

Theo anh Ahmad, ngay cả những người đã có thị thực lao động cũng khó tìm được việc làm. Và điều này khiến những lao động như anh càng không thể tìm được việc làm.

Lối thoát cho các lao động nhập cư

Sau World Cup, nhiều lao động nhập cư còn mắc kẹt tại Qatar - Ảnh 4.

Khu al Mansoura, nơi các lao động nhập cư sinh sống trong các tòa chung cư cũ với giá rẻ, để trụ lại Qatar kiếm tiền trả nợ sau World Cup - Ảnh: THE GUARDIAN

Trước tình hình trên, Văn phòng Truyền thông quốc tế của Qatar cho biết chính phủ nước này đã, đang và sẽ trừng phạt các công ty tuyển dụng hoặc cá nhân có hành vi lừa đảo người lao động đến Qatar bằng thị thực miễn phí Hayya.

Bên cạnh đó, phát ngôn viên của văn phòng này cũng cho biết thêm rằng những lao động đã đến Qatar bằng thẻ Hayya hiện đang gặp khó khăn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bộ Lao động nước này.

Trong khi đó, cũng theo phát ngôn viên này, kể từ khi World Cup 2022 kết thúc đã có hơn 50.000 công nhân tìm được việc làm mới tại Qatar.

Cụ thể, rất nhiều lao động đã được hưởng các lợi ích như loại bỏ giấy phép xuất cảnh và tự do thay đổi công việc, áp dụng mức lương tối thiểu công bằng không phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc hay quốc tịch. Ngoài ra, các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe cũng được cải thiện cũng như khả năng tiếp cận công lý tốt hơn.

World Cup 2026 đá 104 trận trong 39 ngàyWorld Cup 2026 đá 104 trận trong 39 ngày

Nhiều khả năng World Cup 2026 với 48 đội sẽ phải thi đấu 104 trận trong 39 ngày để tìm ra nhà vô địch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên