25/02/2020 12:27 GMT+7

Sau mùa 'giải cứu' hàng Việt

THU GIANG
THU GIANG

TTO - Chuyện người nước ngoài khen cách "giải cứu" nông sản của ta trên báo Tuổi Trẻ ngày 24-2-2020 gợi lên thật nhiều suy nghĩ. Vì sao người Việt sẵn lòng "giải cứu" nhưng chưa thể chọn hàng Việt với lòng tự hào?

Sau mùa giải cứu hàng Việt - Ảnh 1.

Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) đã thu mua hơn 1,3 tấn dưa hấu và tặng miễn phí cho cán bộ giảng viên nhưng đa phần mọi người đến nhận đều tự nguyện quyên góp để chia sẻ khó khăn cùng nông dân tỉnh Gia Lai vì dịch COVID-19 - Ảnh: NHẬT THỊNH

Vì sao người Việt mình đem hàng hóa loại 1, loại 2 xuất khẩu qua chợ người, còn người tiêu dùng muốn ăn ngon thì phải bỏ tiền ra mua đồ ngoại?

"Giải cứu" hàng Việt, đó là cách người Việt chia sẻ và cảm thông với công sức mồ hôi nước mắt của bà con nông dân. Điều này rất đáng trân quý. Nhưng "giải cứu" chỉ là phương cách gỡ rối trước mắt.

Khi thanh long, dưa hấu, sầu riêng... ứ hàng, theo lời kêu gọi, rất nhiều người chẳng mấy khi ra chợ đùng một cái mua một lần mấy trăm ký trái cây mang biếu đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng. Rồi có những người chủ bỏ tiền túi ra mua cả tấn dưa hấu mang ra lề đường phát miễn phí cho người dân.

Cứ có ế ẩm, ùn ứ, nơi nơi lại cùng nhau "giải cứu" hàng hóa. Lần này, vì lý do dịch bệnh, tinh thần tương thân tương ái càng đậm đà hơn. Thay vì chuộng nông sản nhập, nhãn mác nước ngoài, người tiêu dùng đồng lòng quay về chung tay cứu hàng Việt.

Thế nhưng, như mọi lần trước đây, đợt "giải cứu" qua đi rồi sao nữa? Chắc hẳn bà con nông dân chẳng ham muốn gì chuyện "giải cứu" đâu, bà con vẫn chưa thể ấm no hơn sau mỗi lần "giải cứu". Và chuyện "giải cứu" vẫn còn tiếp diễn trên thực tế. Được cộng đồng chia sẻ, bà con nông dân ấm lòng qua mùa đó rồi lại thấp thỏm vụ mùa mới. Không ít người nhiệt tình "giải cứu" lại tiếp tục xu hướng chọn hàng hóa "có yếu tố nước ngoài".

Vì sao những lúc bình thường, tình cảm đôi bên không gắn bó nồng thắm như trong những ngày "giải cứu"? Vì sao người Việt mình đem hàng hóa loại 1, loại 2 xuất khẩu qua chợ người, còn người tiêu dùng muốn ăn ngon thì phải bỏ tiền ra mua đồ ngoại? 

Người Việt dùng hàng Việt - cuộc vận động ấy vẫn còn nguyên giá trị, ít nhất là đối với nông sản nếu mỗi khi "giải cứu" vẫn còn xảy ra. Và vận động dùng hàng Việt không phải theo phong trào, không phải vì thương cảm kiểu "tội nghiệp bà con" trong ít bữa. Những thay đổi cần có phải là chuyện người Việt an tâm và tự hào với hàng Việt. Thật đáng buồn, điều này chưa rõ nét, ngay cả trong mùa người người đi "giải cứu hàng Việt".

Vậy ta thấy gì sau mỗi đợt "giải cứu"? Nhiều người bỗng dưng trở thành thương lái, từ đô thị chạy thẳng về thôn quê, ra tận cánh đồng thu gom nông sản rồi trở ngược lên đô thị để bán đúng theo kiểu "mua tận gốc, bán tận ngọn". Chính nhờ đội ngũ thương lái bất đắc dĩ nhưng tận tâm này mà hàng đống thanh long, dưa hấu tưởng đâu phải chịu đổ bỏ đã trở nên đắt hàng. Đó chẳng phải là kênh mua bán hiệu quả sao? Nhưng lúc bình thường những thương lái tận tâm này họ ở đâu, sao không thấy kiểu giao thương năng động này?

Phải chăng lực lượng đầu mối phân phối nông sản nội địa của Việt Nam đang rất yếu kém, nên hàng Việt ngon nhất chỉ trông cậy vào kênh xuất khẩu mà bỏ qua thị trường nội địa 100 triệu dân? Nhiều người hi vọng sau đợt "giải cứu" này, các kênh phân phối thực phẩm mới sẽ ra đời, theo hướng từ trang trại đến bàn ăn, cắt bỏ khâu trung gian giúp có lợi cho cả nông dân và người tiêu dùng. Có thể không?

Một giải pháp khác, có thể nhìn ra từ công nghệ chế biến nông sản. Ông chủ một thương hiệu bánh lớn ở Sài Gòn đã tạo ra loại bánh mì thanh long giữa lúc thanh long cần "giải cứu". Hay như khi giá mít vừa rơi xuống tầm dưới 10.000 đồng/kg, các doanh nghiệp chế biến mít ngay lập tức tăng mua dự trữ để làm món mít sấy, khiến giá mít tăng trở lại. 

Nhưng việc này chưa nhiều. Như các chuyên gia thống kê đã cho ra con số, từ năm 2002 đến 2017, mặc dù sản lượng nông sản Việt tăng rất nhanh (từ 3-4 lần đến 15 lần tùy vật nuôi, cây trồng) nhưng năng lực chế biến nông sản dự trữ tăng không đáng kể, rau chỉ khoảng 5%, thịt chỉ 1%...

Lòng nhân ái, nghĩa đồng bào của người Việt thể hiện qua chuyện "giải cứu" nông sản đã được người Tây khen ngợi. Điều này thật đáng tự hào. Và những khách Tây đã bày tỏ mong muốn nhìn thấy nhiều sản phẩm Việt được người Việt tự hào chọn lựa. Nhưng việc hỗ trợ sản phẩm nội địa cần sự quyết liệt, mạnh mẽ và xuyên suốt ở tầm quốc gia để nhà nông có thể ấm no hơn.

Trong cái khó có sự năng động

Ngành du lịch cũng choáng váng giữa chồng chất khó khăn trong mùa dịch bệnh COVID-19. Và trong cái khó đã ló sự năng động.

Gần như cùng thời điểm, sáng 22-2, lãnh đạo tỉnh và Sở Du lịch hai tỉnh Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu "vi hành", trực tiếp gặp gỡ, đón tiếp và trò chuyện với du khách. Tại phố cổ Hội An, du khách đi từ bất ngờ đến thú vị và dĩ nhiên không thể thiếu sự cảm động khi vinh dự được những người đại diện chính quyền sở tại hỏi han, "lắng nghe" tâm tư, nguyện vọng.

Dư luận nhìn nhận và khen ngợi cách làm này không chỉ với ý nghĩa "giải cứu" cho du lịch đang vắng khách mà còn là cách thay đổi theo hướng cầu thị, lắng nghe, cũng là một cách quảng bá hình ảnh du lịch địa phương để mời gọi du khách. Hình ảnh thân thiện, gần gũi, cởi mở, bình dân của người địa phương có tác dụng lớn hơn ngàn khẩu hiệu, góp phần mở được nút thắt cho ngành du lịch, khắc phục dần thiệt hại.

Hình ảnh "miệng nói tay làm" của nhiều lãnh đạo các tỉnh thành cũng từng được thể hiện qua các buổi "xắn quần" lội ruộng, cùng người dân gồng mình chống hạn mặn bủa vây hay "giải cứu" nông sản ở Bến Tre, Đồng Tháp... Hoặc như sự kiên quyết của chính quyền tỉnh Bình Định trong việc vận động di dời ba khách sạn hoành tráng bên bờ biển Quy Nhơn, trả lại không gian thông thoáng cho người dân và du khách là những "điểm cộng" rất đáng ghi nhận.

Trong vô vàn những giải pháp kích cầu của ngành du lịch, có lẽ sự xông xáo tiếp cận du khách là giải pháp không tốn kém nhưng hữu hiệu. Đó là cách Khánh Hòa bình tĩnh trước dịch bệnh để đón khách Nga. Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang cũng có kế hoạch lâu dài cho du lịch địa phương mình. Việt Nam không bó tay trước những ca bệnh dịch COVID-19, càng không bó tay cam chịu ảnh hưởng tiêu cực dịch bệnh với nền kinh tế.

Không ai có thể "giải cứu" ngành du lịch nếu tự thân các doanh nghiệp và địa phương thiếu năng động tìm giải pháp tự cứu mình. Cái khó hôm nay có thể chủ động biến thành cơ hội để thay đổi cách làm dịch vụ, làm mới các kiểu quảng bá, để biến khó khăn thành một cơ hội không chỉ để tự "giải cứu" mà còn phát triển cung cách làm ăn mới cho lâu dài.

HỮU CHƠN

Học trò tiểu học dành tiền lì xì Học trò tiểu học dành tiền lì xì 'giải cứu' dưa hấu, tặng khẩu trang

TTO - Thấy người nông dân trồng dưa, thanh long không bán được vì dịch bệnh, các cô cậu trò nhỏ đã lấy tiền lì của mình đi 'giải cứu'...

THU GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên