Các cơ sở chế biến thanh long thu mua với mức giá 15.000-20.000 đồng/kg để cung ứng cho các đầu mối phía Trung Quốc và các doanh nghiệp chế biến sản phẩm thanh long trong nước - Ảnh: SƠN LÂM
7.000 đồng nhưng chỉ còn 1.000 đồng/kg
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - cho biết chi phí toàn bộ quy trình thu hoạch thanh long và vận chuyển thường sẽ tốn khoảng 6.000 đồng/kg. Do đó, khi một số đơn vị bán lẻ yêu cầu mức giá "giải cứu" là 7.000 đồng/kg thanh long đã vận chuyển tận nơi, hiệp hội thanh long phải từ chối. "Nhận lời cũng không được, giá này người dân chỉ được 1.000 đồng/kg, họ thà bỏ chứ không bán với mức giá đó" - ông Trịnh nói.
Hiện phía Trung Quốc đã bắt đầu thu mua trở lại với giá khá cao, giá thanh long được hỏi mua tại vườn thấp nhất đã lên đến 15.000 đồng/kg thanh long, có nơi đã lên đến 20.000 đồng/kg. "Nếu các siêu thị mua với mức giá 15.000 đồng/kg, chúng tôi còn có thể nói với người dân làm hợp đồng cam kết bán. Nếu giá thấp hơn thì người dân sẽ tiếp tục chờ lái tới hỏi mua với giá cao chứ họ sẽ không bán" - ông Trịnh nói thêm.
Tuy nhiên, ông Trịnh cũng cho rằng bản thân rất mong muốn các siêu thị, cửa hàng trong nước sẽ tiếp tục đồng hành mua thanh long. "Việc mua thanh long hiện nay cũng là một cơ hội để các siêu thị, cửa hàng duy trì mối vùng nguyên liệu. Chưa kể một khi nông dân có các cam kết với các đơn vị trong nước sẽ... có thể làm giá ngược lại với các đơn vị thu mua từ Trung Quốc, giúp giá thanh long luôn được ở mức cao" - ông Trịnh nhận định.
Nông dân muốn "cầm dao đằng lưỡi"?
Ông Trác Anh - chủ tịch HĐQT Liên hiệp các HTX thanh long tỉnh Bình Thuận - cho rằng sức mua của hệ thống siêu thị trong nước nhỏ giọt, không đáng kể so với sản lượng thanh long Bình Thuận hiện nay. Ông nêu thực tế tại liên hiệp, trước đây từng có một đại diện siêu thị lớn đến đặt vấn đề thu mua nhưng mỗi ngày chỉ tiêu thụ khoảng 200kg.
"Trong khi một vườn nhỏ của nông dân tại Bình Thuận đã sản xuất ra một vụ tính bằng đơn vị tấn, đồng thời trái thanh long không bảo quản được lâu. Nông dân làm ra trái thanh long chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu, sản xuất đại trà, mẫu mã to và chi phí đầu tư lớn nên không thể bán cho hệ thống siêu thị trong nước" - ông Trác Anh giải thích.
Ông Trác Anh cho biết thêm vấn đề đau đầu hiện nay là phần lớn nông dân trồng thanh long không theo quy trình nào. Mỗi hộ sử dụng một công thức phân bón, thuốc và chăm sóc khác nhau. Vì vậy, chất lượng trái thanh long khó kiểm soát, dẫn đến thiếu hàng sạch để cung cấp cho thị trường có nhu cầu.
Hiện hầu hết nông dân tự giao thương trực tiếp với thương lái. Việc này đồng nghĩa nông dân "cầm dao đằng lưỡi", khi giá cả họ không quyết định được. Một thương lái cho biết phần lớn nông dân thích buôn bán với họ là vì nhận ngay "tiền tươi", còn siêu thị phải chờ rất lâu. Có "tiền tươi", nông dân mới có điều kiện tái sản xuất cũng như duy trì vườn trồng.
Vì vậy, ông Trác Anh cho rằng chỉ còn cách liên kết lại nông dân, sản xuất theo quy trình thanh long sạch và ký kết hợp đồng bao tiêu với một đơn vị tiêu thụ xuất khẩu. Việc này vừa có tính ràng buộc vừa giúp nông dân tạo thế "cân bằng" trong việc mua bán. Đơn cử hiện nay liên hiệp không có hàng sạch để thu mua.
Đề xuất thành lập trung tâm phân phối nông sản
Ông Phạm Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An - đang đề nghị các bộ liên quan xem xét thành lập trung tâm phân phối sản phẩm nông sản cho thị trường Trung Quốc. Đơn vị này làm đầu mối giao dịch với doanh nghiệp trong nước nhằm hạn chế rủi ro khi có những biến động như đợt dịch bệnh lần này. Đồng thời, xây dựng chương trình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi toàn quốc để tiêu thụ sản phẩm của nhau giữa các vùng miền trong cả nước và có chính sách cụ thể cho từng sản phẩm.
Ngay trong đợt này, Long An cũng đề nghị thường xuyên được cung cấp thông tin, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu trái thanh long tại các cửa khẩu của tỉnh biên giới phía Bắc để kịp thời điều tiết sản lượng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án liên kết các tỉnh về rải vụ thanh long. Trước mắt có thể là 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận