Trước khi ngưng tiếp nhận lao động VN, phía Hàn Quốc (HQ) đã cảnh báo VN bằng việc ngưng kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào tháng 12-2011 và buộc chúng ta phải có những biện pháp giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn. Sang năm 2012, tình hình vẫn không được cải thiện, và phía bạn lại cảnh báo sẽ ngưng tiếp nhận lao động nếu đến đầu năm 2012, tỉ lệ bỏ trốn vẫn trên 50%. Trước những cảnh báo này, cơ quan quản lý lao động VN đã phản ứng như thế nào?
Ngày 10-8-2012, Bộ LĐ-TB&XH triệu tập tất cả các sở LĐ-TB&XH cả nước cùng các đơn vị liên quan về TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) tham gia Hội nghị hợp tác lao động VN - HQ, nhằm bàn thảo tìm cách cứu vãn thị trường này. Nhưng hội nghị kết thúc mà chỉ đưa ra được một vài biện pháp chung chung: đẩy mạnh tuyên truyền ý thức cho lao động và gia đình, kết hợp với các cơ quan địa phương, gia đình để vận động, kêu gọi lao động về nước...
Trong khi đó, theo các chuyên gia xuất khẩu lao động, nguyên nhân lao động bỏ trốn nhiều là do họ phải chi trả khoản phí quá lớn để đi xuất khẩu lao động. Khi hợp đồng kết thúc, khoản lương, thưởng không thể bù đắp nổi những chi phí bỏ ra nên họ chấp nhận vi phạm pháp luật ở lại để cày cuốc kiếm tiền...
Nhiều nơi râm ran việc lao động muốn đi HQ phải bỏ ra không dưới 5.000-10.000 USD. Không ít các kỳ thi được tổ chức có dấu hiệu tiêu cực, nhiều trường nghề bán bằng tiếng Hàn... tất cả đổ lên đầu lao động với những mức chi phí khá cao mà Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội trong nhiều cuộc khảo sát đã kết luận: “Có nhiều tiêu cực phí trong chương trình này, nhiều lao động phải đóng tiền trên cả trăm triệu đồng cho các đường dây để được qua HQ làm việc”.
Không chỉ thị trường HQ, nhiều thị trường khác cũng có tỉ lệ người lao động bỏ trốn khá cao và vi phạm pháp luật lao động ở các nước tiếp nhận. Năm 2007, Qatar - nước tiếp nhận mỗi năm hàng chục ngàn lao động VN - đã tuyên bố đóng cửa, không tiếp nhận lao động VN vì tỉ lệ vi phạm luật pháp, trộm cắp, đánh nhau, nấu rượu... không thể kiểm soát. Ngay tại thị trường Đài Loan, tỉ lệ bỏ trốn hằng tháng khoảng 500 người và đang có nguy cơ bị đóng cửa.
Rõ ràng, công tác xuất khẩu lao động thực hiện từ năm 1992 đến nay vẫn ở dạng ăn xổi ở thì. Từ thập niên 1990, 2000, khi nhiều nước bắt đầu tiếp nhận lao động VN, các doanh nghiệp lập tức ồ ạt tuyển người, ồ ạt thu lợi mà bỏ lơ vấn đề đào tạo kỹ năng, ý thức, văn hóa bản địa cho người lao động.
Để mất một thị trường lớn hằng năm thu về hàng tỉ USD là chuyện không hề nhỏ. Có thể một phần là do ý thức của người lao động, nhưng các cơ quan quản lý của ngành lao động không thể nói vô can. Nếu không có những biện pháp hữu hiệu, không tìm cách khắc phục hậu quả thì e rằng không chỉ HQ mà những thị trường khác rồi cũng mất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận