12/09/2021 15:17 GMT+7

Sau 2 lần sở kêu gọi, trường ngoài công lập có giảm học phí?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Từ đầu tháng 6 đến nay, Sở GD-ĐT TP.HCM đã 2 lần có văn bản đề nghị các trường ngoài công lập xem xét giữ ổn định hoặc điều chỉnh lại các mức học phí, nhằm chia sẻ với phụ huynh gặp khó khăn về tài chính trong mùa dịch.

Sau 2 lần sở kêu gọi, trường ngoài công lập có giảm học phí? - Ảnh 1.

Bảng học phí năm học 2021-2022 của một trường quốc tế tại TP.HCM - Ảnh chụp màn hình

Cụ thể vào ngày 6-9, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị các cơ sở giáo dục ngoài công lập, bao gồm cả cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh mức học phí và các khoản thu khác để phù hợp với tình hình thực tế.

Trước đó vào ngày 11-6, sở cũng đã đề nghị các trường này cố gắng giữ nguyên mức học phí, các khoản thu khác trong năm học 2021-2022.

Khó giảm vì nhiều chi phí "đè" trường tư?

Theo một lãnh đạo người Việt ở một trường quốc tế tại TP Thủ Đức (TP.HCM), dù rất muốn giữ học phí ổn định nhưng sau nhiều cuộc họp, ban lãnh đạo vẫn phải quyết định không thể giữ mức phí cũ.

Ngoài việc tuân theo lộ trình để phát triển, chuyện điều chỉnh học phí còn liên quan đến rất nhiều yếu tố như dòng tiền để duy trì hoạt động, nguồn vốn để tái đầu tư và tiền lãi của những cổ đông nước ngoài.

Chưa kể những chi phí cố định luôn chiếm một phần lớn trong cơ cấu tài chính như thuê mặt bằng, tiền thuế, lãi vay ngân hàng, tiền lương thầy cô giáo…

"Để giữ chân các thầy cô giỏi, mỗi năm trường đều phải tăng lương. Riêng những người hết hợp đồng về nước, trường phải tốn thêm một khoản phí để tuyển thêm những giáo viên từ các nước khác. Lương tuyển người mới ít khi nào thấp hơn những người cũ cùng vị trí", vị này nói.

Hỗ trợ theo hướng "cá nhân hóa"

Sau 2 lần sở kêu gọi, trường ngoài công lập có giảm học phí? - Ảnh 2.

Phương án đóng học phí của một trường tư thục khác tại TP.HCM năm 2021-2022 - Ảnh: Chụp màn hình

Theo ghi nhận, dù hầu hết các trường đều điều chỉnh học phí chung theo mức tăng, nhưng một số có thiết kế những chính sách trợ giúp cho những trường hợp khó khăn. Chuyện giảm học phí sẽ được thực hiện theo hướng cá nhân hóa hơn là phân bổ trên diện rộng.

Chẳng hạn, hệ thống Trường EMASI hiện có "Quỹ hỗ trợ giáo dục", áp dụng cho các gia đình đang trực tiếp chịu ảnh hưởng do đại dịch. Quỹ sẽ hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ học phí năm học 2021-2022 hoặc linh hoạt về tiến độ thanh toán, tùy theo khả năng của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường EMASI Vạn Phúc, chia sẻ trường đã có thông báo đến từng gia đình và khi hỗ trợ đều có thư gửi đến các phụ huynh. 

Mới đây, một trường hợp hai học sinh song sinh đang học tại trường có ba mất vì COVID-19 đã được cấp ngay học bổng 100%. Một số trường hợp khác sẽ được miễn giảm 50%, 30%… tiền học. Riêng chính sách chung giảm học phí trong thời gian tới vẫn chờ các lãnh đạo tính toán.

Trường Song ngữ quốc tế Canada (BCIS) cũng đã thông báo một số chương trình ưu đãi hoặc thanh toán học phí trả góp không lãi suất cho những phụ huynh có nguyện vọng. Trường cũng sẽ triển khai chương trình giảm học phí lên đến 50 triệu đồng cho các trường hợp nhập học chương trình IGCSE nếu đáp ứng một số điều kiện.

Tại Trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS), nhà trường đã công bố mức hoàn trả học phí nếu phải học tập từ xa. Nếu thời gian buộc phải học online từ 4 tuần trở lên, học phí sẽ được giảm từ 8-15% tùy theo từng cấp học. Nếu học trực tuyến từ 6-8 tuần, trường sẽ giảm 10-17% tiền học, và trên 8 tuần sẽ được hỗ trợ 12-20%.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, hiệu trưởng nhà trường, cho biết mức giảm này đã được công bố từ tháng 7 vừa qua, như một phần để trợ giúp các phụ huynh gặp khó khăn tài chính vì COVID-19.

Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ có những học bổng với những mức giảm cao hơn như 30-50% với từng trường hợp cụ thể. "Phụ huynh đều được biết các chính sách này và thường sẽ liên hệ khi cảm thấy thật sự cần thiết", bà Lan nói.

Sau 2 lần sở kêu gọi, trường ngoài công lập có giảm học phí? - Ảnh 3.

Một số phụ huynh đến phản đối mức tăng học phí tại một trường tư thục trên địa bàn TP.HCM vào tháng 5-2021 - Ảnh: C.N.

Phụ huynh chịu bỏ một học kỳ

Đó là trường hợp của ông N.T.T. (ngụ Q.Bình Thạnh), hiện có con đang học một trường quốc tế tại Thảo Điền (TP Thủ Đức). Ông chia sẻ gia đình trước nay kinh doanh nhà hàng, nhưng từ đầu năm đến nay phải đóng cửa gần 5 tháng, tính cả đợt giãn cách lần này, và hiện vẫn chưa biết thời điểm có thể hoạt động trở lại. Mức học phí gần 100 triệu cho học kỳ chỉ học qua máy tính, theo ông, vừa quá sức, vừa không đáng.

Vì vậy, ông T. xin trường bảo lưu một học kỳ. Tại nhà, ông đăng ký cho con một khóa online thuộc chương trình Cambridge để con ở nhà tự học. Đây là hình thức học tại nhà (homeschooling) khá phổ biến ở một số nước. Vợ chồng ông cũng sẽ dành thêm thời gian học cùng con trong khóa online này.

"Tôi vẫn chưa biết liệu sau học kỳ 1 cho con trở lại trường có được chấp nhận hay không, nhưng theo tôi tìm hiểu là có, vì dù sao trường cũng cần học sinh. Như vậy chúng tôi đã tiết kiệm được gần 60 triệu đồng với cách cho con nghỉ học một học kỳ rồi tự học tại nhà", ông T. nói.

Truy tìm hai giám đốc trường Anh ngữ quốc tế bị tố chiếm đoạt tiền học phí Truy tìm hai giám đốc trường Anh ngữ quốc tế bị tố chiếm đoạt tiền học phí

TTO - Hai giám đốc trường Anh ngữ quốc tế bị nhiều người tố giác thu tiền của các học viên nhưng không tổ chức, tổ chức không đầy đủ thời gian khóa học như cam kết, chiếm đoạt tiền học phí. Hiện công an đang truy tìm hai người này.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên