21/03/2017 12:00 GMT+7

​Satra đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực của Long An

T.T
T.T

“Trong điều kiện cho phép của mình, SATRA sẽ hỗ trợ bà con nông dân trong việc thiết kế bao bì sản phẩm, quảng bá thương hiệu…”, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc SATRA, chia sẻ như trên tại “Hội nghị hợp tác xúc tiến tiêu thụ nông sản, thực phẩm của tỉnh Long An”, được tổ chức tại trụ sở của SATRA chiều 3-3.

Hội nghị có sự tham gia của Ban lãnh đạo Satra và các bộ phận, đơn vị chuyên môn của, lãnh đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp cùng đại diện của gần 15 HTX, cơ sở sản xuất nông nghiệp tư nhân chuyên trồng rau củ quả, thanh long, khoai mỡ, khóm, chanh không hạt… của tỉnh Long An.

Nông sản Long An chiếm 10% lượng hàng hóa nhập chợ Bình Điền

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Phúc Khoa - Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của SATRA, cho biết, trong số các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long cung ứng hàng hóa vào chợ đầu mối Bình Điền (thuộc Satra) thì Long An- với các mặt hàng nông sản - nằm trong nhóm dẫn đầu.

“Mỗi 1 ngày-đêm, tổng giá trị tiêu thụ rau quả và thịt do Long An cung cấp cho chợ Bình Điền đạt khoảng 10 tỉ đồng, trong đó bao gồm 120 tấn rau củ quả, khoảng 200 tấn thịt heo, 1,2 tấn vịt nguyên con… Tính riêng trong hai tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng các mặt hàng rau củ, quả, thịt của Long An nhập về chợ Bình Điền đạt trung bình là 341 tấn/ngày đêm, chiếm 10% tổng sản lượng hàng hóa nhập chợ. Trong đó, dưa hấu có sản lượng trung bình cao nhất là 31 tấn/ngày đêm, kế đến là rau muống là 14 tấn/ngày-đêm; mặt hàng chanh, cải xanh, hành lá, dưa leo có sản lượng trung bình là 10 tấn/ngày-đêm...”, ông Khoa chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Khoa cũng nhấn mạnh, kết quả hợp tác giữa tỉnh Long An và SATRA chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của cả hai bên. Nếu tăng cường hợp tác, tỉnh Long An dự kiến có thể đáp ứng khoảng 50% nguồn cung thịt heo (khoảng 25.000 tấn thịt tươi sống/năm) của SATRA.

“Nhưng để hàng hóa vào được hệ thống SATRA nhiều hơn nữa, các nhà cung cấp của tỉnh Long An ngoài việc tập trung sản xuất hàng chất lượng, đạt tiêu chuẩn VietGAP… thì cần chú trọng hoàn thiện hồ sơ, chứng từ chứng minh được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm (tiến tới việc truy xuất nguồn gốc), sản lượng đảm bảo, đặc biệt là giá cả phải cạnh tranh…”, ông Khoa đề xuất.

Ngoài ra, lãnh đạo SATRA cũng thông tin, mỗi năm các đơn vị thành viên trực thuộc SATRA cần khoảng 100.000-150.000 tấn gạo, 10.000 tấn rau củ, 5.000 tấn thủy sản… phục vụ cho chế biến. Địa bàn Long An là một trong những địa phương thuộc tốp đầu mà Satra nhắm đến.

Mong Satra hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu

Tại hội nghị, ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An giới thiệu những thế mạnh của nông sản tỉnh nhà, điển hình như trái thanh long (khoảng 280.000 tấn/năm). Ngoài ra, phần lớn các loại rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP như: chanh không hạt, chuối Fohla, các loại rau ăn lá… Ông cho biết hiện tại, việc tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân không ổn định, nhất là thanh long(“80% sản lượng thanh long cung cấp cho thị trường Trung Quốc nên đầu ra khá bếp bênh, bị thương lái ép giá”). 

Cũng theo ông Đức, hàng hóa nông sản của tỉnh Long An được tiêu thụ qua nhiều kênh, như: thông qua thương lái, các HTX, tổ hợp tác cung cấp đến các doanh nghiệp, chợ đầu mối, người tiêu dùng trực tiếp tại các siêu thị... Theo các kênh tiêu thụ này, hàng hóa nông sản từ sản xuất đến tiêu dùng phải qua khá nhiều khâu trung gian. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giá cả nông sản bấp bênh, đầu ra và chất lượng sản phẩm không ổn định. Từ thực tế đó, tỉnh Long An mong muốn có thêm những hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu... từ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có mạng lưới bán sỉ, bán lẻ và sản xuất thực phẩm chế biến như Satra.

Tại hội nghị, các vị đại diện huyện Cần Giuộc và các cơ sở sản xuất như HTX thanh long Long Trì, HTX rau an toàn Phước Thịnh, Nông trang Hải Âu (sản phẩm chanh không hạt đạt tiêu chuẩn VietGAP), đại diện huyện Thạnh Hóa… đều mong muốn đưa được sản phẩm của mình vào hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi cũng như chợ đầu mối Bình Điền và các đơn vị sản xuất chế biến của SATRA.

Đáp lại những đề nghị trên, ông Khoa đã giao cho Satrafoods làm đầu mối liên hệ với các HTX, cũng như hướng dẫn các HTX về quy chuẩn, thủ tục để hàng hóa vào hệ thống bán sỉ, bán lẻ của SATRA. 

“Trong điều kiện cho phép của mình, SATRA sẽ hỗ trợ bà con trong việc thiết kế bao bì sản phẩm, quảng bá thương hiệu; Cùng với địa phương hướng dẫn các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ hoàn chỉnh các thủ tục để đưa sản phẩm đặc sản, hàng Việt Nam chất lượng cao ra thị trường thông qua kênh bán hàng SATRA”, ông Khoa chia sẻ.

Kết thúc hội nghị, SATRA cam kết sẽ hợp tác hỗ trợ tiêu thụ và quảng bá nhiều hơn nữa những mặt hàng nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao của Long An trong thời gian tới.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Phúc Khoa cũng thông tin, sắp tới SATRA sẽ đưa vào hoạt động Cụm công nghiệp Chế biến thực phẩm Vissan tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An). Đây là cụm công nghiệp chế biến thực phẩm đầu tiên, lớn nhất nước được xây dựng khép kín, mang tính liên hoàn trong các khâu của quy trình sản xuất, công nghệ cao từ khâu giết mổ gia súc, gia cầm, pha lóc thịt tươi sống đến chế biến và các nhà máy phụ trợ như nhà máy đóng gói, bao bì thực phẩm, nhà máy chế biến gia vị, các cơ sở hạ tầng phục vụ như hệ thống kho cấp đông, kho lạnh, kho mát, kho khô, nhà máy chế biến các phó sản từ động vật đạt các tiêu chuẩn trong nuớc và quốc tế. Ngoài việc mong lãnh đạo tỉnh Long An hỗ trợ về thủ tục để dự án sớm đi vào hoạt động thì chúng tôi cũng đặt hàng với tỉnh Long An hơn 1.000 lao động phổ thông khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động”, ông Khoa nói
T.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Satra