Một góc khu vực xưởng chế biến bông sợi hoạt động chui của Công ty Gia Minh tại xã Minh Phú, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình - Ảnh: TIẾN THẮNG
Phản ảnh tới Tuổi Trẻ Online, nhiều người dân tại khu vực xã Minh Phú, huyện Đông Hưng cho biết xưởng sản xuất, chế biến bông sợi của Công ty TNHH sản xuất thương mại Gia Minh (Công ty Gia Minh) trên địa bàn xã lâu nay hoạt động chui, đe dọa trực tiếp đến an toàn phòng chống cháy nổ cho Kho dự trữ lương thực quốc gia.
Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cho Kho dự trữ lương thực quốc gia
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Công ty Gia Minh được cấp phép hoạt động và có trụ sở tại xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Tuy nhiên, thực tế sản xuất kinh doanh hiện nay thì công ty này đang đặt xưởng sản xuất, chế biến bông sợi trên phần đất và nhà kho có diện tích khoảng 2.000m2 tại xã Minh Phú, thuộc quản lý trực tiếp của Công ty CP lương thực Sông Hồng (vốn nhà nước chiếm 51%) được giao để phục vụ mục đích làm kho kinh doanh lương thực.
Từ cuối năm 2017, dù Công ty CP lương thực Sông Hồng không còn dùng phần đất trên làm kho kinh doanh lương thực nhưng lại tự ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Gia Minh, giao cho công ty được sử dụng văn phòng, địa điểm để sản xuất các mặt hàng theo giấy phép kinh doanh dù chưa được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình.
Ông Phạm Văn Sáng - cán bộ Kho dự trữ lương thực quốc gia tại xã Minh Phú, huyện Đông Hưng - chỉ tay về dãy nhà kho cũ giờ đã biến thành xưởng chế biến bông sợi nằm chung vách với kho chứa thóc dự trữ quốc gia thuộc quản lý của đơn vị - Ảnh: TIẾN THẮNG
Ông Phạm Văn Sáng - cán bộ quản lý Kho dự trữ lương thực quốc gia tại xã Minh Phú - bày tỏ lo lắng khi các dãy nhà kho từng chứa lương thực của Công ty CP lương thực Sông Hồng giờ lại biến thành nơi sản xuất, chế biến bông sợi vốn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.
"Tôi cũng không rõ vì sao Công ty Gia Minh lại có thể hoạt động chế biến bông sợi tại đây. Thực tế hiện nay nhà kho của chúng tôi đang nằm chung vách với kho bông và khu chế biến của họ, nếu không may có cháy thì hậu quả không thể lường hết được" - ông Sáng lo lắng.
Khu xưởng chế biến bông sợi đặt trong dãy nhà kho được xây dựng lâu năm, không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy - Ảnh: TIẾN THẮNG
Ông Đỗ Văn Kết - giám đốc Công ty Gia Minh - thừa nhận dù xưởng đã đi vào hoạt động được khoảng 2 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục, chưa được cấp phép và công ty ông thuê đất và kho, lắp đặt hệ thống máy móc sản xuất, chế biến bông sợi nhằm giảm "chi phí" kinh doanh.
Theo ông Kết, nhà xưởng luôn thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy cũng như vấn đề môi trường và các cán bộ bên phòng cháy chữa cháy cũng như chính quyền huyện Đông Hưng cũng đã nhiều lần đi kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất của cơ sở.
Có dấu hiệu buông lỏng quản lý đất được giao
Ngày 28-5, ông Hà Đại Nhân - giám đốc Công ty CP lương thực Sông Hồng - cho biết từ cuối năm 2017, công ty có ký hợp đồng hợp tác kinh doanh năm một với Công ty Gia Minh. Theo hợp đồng này, công ty "khoán thu" của Công ty Gia Minh năm đầu tiên là 25 triệu đồng/tháng và 30 triệu đồng/tháng trong những năm ký kết tiếp theo.
Bên trong nhà kho tập kết nguyên liệu bông thô không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy nhưng lại sát vách với kho chứa thóc dự trữ quốc gia - Ảnh: TIẾN THẮNG
Tuy nhiên, trong bản hợp đồng hợp tác kinh doanh mà ông Nhân cung cấp cho phóng viên lại cho thấy thời hạn hợp tác kéo dài từ thời điểm ký kết đến tận cuối năm 2025 (thời điểm diện tích đất được giao hết hiệu lực).
Ông Nhân phân trần do những năm gần đây việc sản xuất kinh doanh lương thực gặp khó khăn, nên công ty phải ký kết hợp tác với Công ty Gia Minh nhằm "tháo gỡ bớt khó khăn".
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang hình thức chế biến bông sợi đã có báo cáo và được sự chấp thuận của các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình hay chưa thì ông Nhân không trả lời được.
"Theo hợp đồng ký kết, các thủ tục liên quan giấy phép kinh doanh và cấp phép sản xuất sẽ do phía Công ty Gia Minh có trách nhiệm phải lo, đơn vị chỉ giám sát và nếu thấy Gia Minh không làm theo đúng các cam kết trong hợp đồng thì sẽ chấm dứt việc hợp tác" - ông Nhân cho hay.
Dù đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng đến nay xưởng chế biến bông sợi này vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép - Ảnh: TIẾN THẮNG
Khi được hỏi quá trình giám sát liên tục có phát hiện việc đến thời điểm hiện tại xưởng chế biến bông sợi vẫn chưa được bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào của tỉnh Thái Bình chấp thuận, cấp phép hay không thì ông Nhân không trả lời được.
Trao đổi với báo chí ngày 28-5, lãnh đạo Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Thái Bình cho biết mới nắm được thông tin sự việc và sẽ giao cán bộ chức năng phối hợp cùng với UBND huyện Đông Hưng kiểm tra, rà soát các thủ tục, quy trình liên quan công tác phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở sản xuất chế biến bông sợi nói trên.
"Trong trường hợp không đảm bảo các điều kiện theo quy định, chắc chắn chúng tôi sẽ lập biên bản, xử phạt và yêu cầu chấm dứt hoạt động để đảm bảo an toàn" - vị lãnh đạo này cho hay.
Khu xưởng sản xuất, chế biến bông sợi này luôn cửa đóng then cài dù bên trong máy móc và người lao động được bố trí để đảm bảo hoạt động 24/24 giờ - Ảnh: TIẾN THẮNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận