27/12/2009 00:16 GMT+7

Sát thủ... giờ dây thun!

HOÀNG HOA
HOÀNG HOA

TT - 19g nhé?- 19g!- Chắc đó nha!- 19g!

GEurhXFR.jpgPhóng to

19g. Gửi xe xong ra đứng trước quán ăn ngóng bạn. Khách khứa ra vào nườm nượp. Ở một, hai chỗ khuất cũng có vài người láo liên nghiêng ngó, chắc cũng đang có hẹn. 10 phút... 20 phút... Hết kiên nhẫn, vừa dắt xe, trả thẻ thấy anh bạn ào tới, hào hển:”Xin lỗi, xin lỗi...”. Cả hai kéo nhau vào quán ăn, câu chuyện không thể nào hào hứng bởi 20 phút chờ đợi!

“Giờ dây thun” là khái niệm đầy hình ảnh chỉ câu chuyện sai hẹn hoặc không tôn trọng giờ giấc của phổ biến người Việt, kể cả người có tuổi hoặc còn trẻ. Cứ tưởng cuộc sống ngày càng hiện đại thì chuyện giờ giấc càng bớt “dây thun” nhưng không phải vậy, càng hiện đại, dây thun càng... đàn hồi dữ dội!

Chuyện đám cưới mời 18g mà tới 20g lễ lạt mới được cử hành, 20g30 quan khách mới có chút bỏ bụng là chuyện thường tình ở các đám cưới phía Nam. Cũng đáng tội, quan khách thưa thớt quá làm sao nhập tiệc.

Rồi rút kinh nghiệm từ việc khách khứa đi trễ, “nhà cưới” cũng linh hoạt điều chỉnh giờ trong thiệp mời: thay vì cô dâu chú rể 18g mới đứng ra đón khách thì cứ ghi đại vào thiệp mời lúc... 17g! Báo hại những người nghiêm túc đi đúng giờ cứ tha thẩn trước nhà hàng tiệc cưới mà lòng dạ bần thần vì không biết mình có đi nhầm ngày, lộn chỗ hay không...

Chuyện tiệc tùng cưới hỏi còn đỡ, chuyện họp hành, hội nghị, chuyện quốc gia đại sự cũng y chang. Về cái bệnh này thì “xanh khắp ba miền”, Nam - Trung - Bắc gì cũng thế, chẳng mèo nào kém cạnh mỉu nào! Hội nghị cứ mời 7g30 hoặc 8g, thế nào cũng xê xích 30 phút sau mới khai mạc được. Quan khách đi trễ đã đành, lắm khi anh Ba anh Bảy phát biểu khai mạc mà cũng đến trễ khiến ban tổ chức lắm phen lên ruột!

Ấy thế nhưng chỉ trễ ở những việc mà ai cũng nghĩ không ảnh hưởng tới mình, còn hòa bình thế giới thì mặc. Chứ nếu có ảnh hưởng tới mình lại khác.

“Giờ dây thun” thì cứ dây thun, nhưng xếp hàng mua vé xe vé tàu, chen nhau trước cửa thang máy hoặc ở quầy siêu thị tính tiền, nhất là gặp lúc kẹt xe mạnh ai nấy lấn thì càng tợn, chứng tỏ ai cũng biết đến sự quan trọng của “đến trước về đích trước”.

Âu cho cùng câu chuyện “giờ dây thun” hoặc sự chen lấn, giành giật đều quan hệ biện chứng với nhau: đó là giành phần được cho mình, phần thua thiệt cho người khác. Vì không muốn mình phải đợi người khác nên cứ thư thả đến sau, khiến ai cũng khoan khoái nghĩ mình là kẻ thức thời, xuất hiện đúng thời điểm, không để cho mình... thiệt hại.

Thật ra có thể ai cũng từng một lần trễ hẹn. Nhưng có người khắc phục. Có người cứ mặc vì nghĩ “cũng chẳng chết ai”!

Có thể đúng là chẳng chết ai, nhưng tự cho phép mình “giờ dây thun” sẽ có một thứ chết, rất rõ: lòng tự trọng, khi anh không còn biết tôn trọng quy tắc của cuộc sống và những người xung quanh!

HOÀNG HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên