Sạt lở do mưa lớn nhiều ngày
Ngày 21-8, lãnh đạo UBND thị xã Tịnh Biên, An Giang cho biết do mưa lớn kéo dài, nhiều ngày qua trên núi Cấm có hiện tượng sạt lở đất đá ở Vồ Bà. Khu vực này ít dân sinh sống, nhưng ảnh hưởng cây trồng, rẫy của người dân.
Tương tự, tại núi Ba Thê, huyện Thoại Sơn mấy ngày qua cũng liên tục sạt lở đất đá do ảnh hưởng mưa lớn. Nhiều tảng đá to lăn xuống chắn lối lên xuống núi, chính quyền địa phương đã ngăn du khách đến khu vực này tham quan.
UBND huyện Thoại Sơn đang phối hợp thị trấn Óc Eo xử lý, di dời những tảng đá rơi xuống do sạt lở.
An Giang là tỉnh có nhiều núi ở miền Tây và có nhiều điểm du lịch thu hút du khách. Các khu vực sạt lở lần này không có dân sinh sống. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khuyến cáo du khách cẩn trọng khi tự đi du lịch đến những điểm có xảy ra sạt lở.
Đối với điểm sạt lở đất đá ở núi Ba Thê, UBND thị trấn Óc Eo đang tạm đóng đường lên xuống núi. Chưa thông báo cụ thể thời gian mở lại đường.
Cuối tháng 7 vừa qua, mưa lớn trên diện rộng đã khiến nhiều địa bàn huyện miền núi Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên xảy ra lũ. Nhiều tuyến đường bị ngập sâu, có nơi nước chảy cuồn cuộn, tràn vào nhà dân khiến việc đi lại hết sức khó khăn. Một số hạ tầng giao thông quan trọng cũng bị sạt lở.
Công bố tình trạng khẩn cấp
Chiều 21-8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên cho biết vừa tiếp tục ký công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với tuyến đường tỉnh lộ 1 tại km25+100, km25+950 (thuộc xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức) đang bị sạt lở nghiêm trọng.
Theo đó, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, từ ngày 5 đến 8-8, trên tỉnh lộ 1, đoạn qua xã Quảng Tâm, đã xuất hiện các vết rạn nứt và sụt lún dạng vòng cung. Các vết sụt lún sâu khoảng 5-30cm, khiến nền nhà và đất một số hộ dân bên ta luy âm xuất hiện nhiều vết nứt rộng 10-20cm.
Đến ngày 17-8, các vết nứt gãy, sạt lở đã mở rộng từ 20cm lên 50cm, sâu hơn 1m. Các vết nứt còn xuất hiện thêm tại các khu dân cư xung quanh, làm nứt tường, nền nhà một số hộ dân, gây nguy cơ sạt lở cao.
Việc sụt lún đất đã gây mất an toàn giao thông trên đường tỉnh lộ 1 và mất an toàn cho 55 hộ dân trong khu vực. Chính quyền địa phương phải cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, nghiêm cấm các tổ chức cá nhân không phận sự vào khu vực cảnh báo nguy hiểm.
Đặc biệt, chính quyền địa phương phải sơ tán các hộ dân xung quanh vùng sạt lở đến nơi an toàn; thực hiện các biện pháp hạn chế nước thấm, nước chảy vào các vết nứt ở khu vực sạt lở.
3 vùng sạt lở khác vẫn nằm trong tình trạng khẩn cấp
Trước đó, ngày 8-8, UBND tỉnh Đắk Nông quyết định về công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tại đối với vụ sạt trượt ở hồ Đắk N'ting (Đắk Glong), bon Bu Krắc (xã Quảng Trực, Tuy Đức) và quốc lộ 14 qua phường Nghĩa Thành (TP Gia Nghĩa).
Tại các khu vực này, ngành chức năng đã cho sơ tán hàng trăm hộ gia đình khỏi vùng nguy hiểm để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục.
Hiện tai 3 khu vực trên vẫn đang nằm trong tình trạng khẩn cấp về thiên tai, các đơn vị chức năng vẫn tìm giải pháp khắc phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận