Phóng to |
Hàng nghìn người phải tái định cư lần thứ hai, thứ ba vì đập Tam Hiệp. “Càng đi tái định cư chúng tôi càng nghèo hơn vì phải bắt đầu lại từ đầu, trong khi mùa màng nơi ở cũ đang cho thu hoạch”, một nông dân cho biết - Ảnh: Reuters |
Hãng tin Reuters ngày 23-8 cho hay trong vòng 17 năm xây đập Tam Hiệp công suất 22,5 gigawatt bên sông Dương Tử ở Tam Đẩu Bình, thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã phải di dời 1,3 triệu dân. Nhưng vừa mới hoàn thành con đập hồi tháng 7 vừa qua, họ nhận thấy nhiều trường hợp nứt gãy hạ tầng dọc theo đập, dù có nơi cách xa đập đến 100km.
Tại làng tái định cư Huangtupo - nơi người dân chuyển đến trong những thập niên 1990, đầu 2000, cách con đập 100km, thuộc huyện Ba Đông, bắt đầu xuất hiện những vết nứt dài sau các vụ lở đất mà theo các nhà địa chất học Trung Quốc là do đập thủy điện gây ra.
Phóng to |
Ông Fan Xiao - nhà địa chất học tại viện nghiên cứu của tỉnh Tứ Xuyên - cho hay kể từ khi ông nghiên cứu điều kiện địa chất ở làng tái định cư Huangtupo năm 2006 đến nay, hiện tượng lở đất gia tăng do sự thay đổi về mực nước ở trong hồ chứa.
Các nhà điều hành đập hạ thấp mực nước xuống 30m trong các mùa hè vừa qua để tránh nguy cơ tràn đập gây lụt lội nhưng sau đó lại nâng mực nước lên vào mùa đông. Sự thay đổi này, theo ông Fan, đã làm mềm lún đất dọc theo bờ đập.
“Điều này giống như khi ta tác động vào một người đang đứng yên, cứ kéo đẩy anh ta hết lần này đến lần khác thì anh ta không thể đứng vững như trước nữa”, ông Fan so sánh.
Rủi ro này tăng thêm 70% khi mực nước trong hồ chứa rộng 1.045km2 đạt tới mức cao nhất 175m (thân đập cao 181m).
Khoảng 20.000 dân hiện sinh sống ở làng Huangtupo và hơn 100.000 người ở các khu vực khác sẽ phải di dời trong vòng 3-5 năm tới do các rủi ro tiềm ẩn về mặt địa chất. Dù chính phủ không đưa ra con số thống kê gần đây nhưng số người thiệt mạng do lở đất quanh con đập này ít nhất 48 người trong năm 2007.
Hiện chính quyền Trung Quốc đang xây dựng một thành phố mới mang tên Thần Nông Tây để tiếp nhận các cư dân của Huangtupo. Tuy nhiên, người dân cho hay họ rất khó sinh sống khi chưa có đường sá, con cái phải sống xa nhà do ở đây chưa có trường học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận