Bộ Nội vụ đang đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Tại đề xuất xây dựng luật này, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch để thường xuyên sàng lọc đội ngũ trên nguyên tắc "có vào - ra", "có lên - xuống"; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ với cơ hội đào tạo, thăng tiến, tiền lương.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Bộ Nội vụ cho biết nội dung đề xuất trên được đưa ra trong đề nghị xây dựng Luật Cán bộ, công chức sửa đổi. Hiện nay, nội dung liên quan đề nghị xây dựng luật đang được Bộ Tư pháp thẩm định và thực hiện các thủ tục tiếp theo.
Thực tế thời gian qua tại một số đơn vị ở Sơn La, Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng đã tổ chức các kỳ kiểm tra sát hạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.
Nền tảng tạo đột phá
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch thường xuyên nhằm sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức trên nguyên tắc "có vào - ra, có lên - xuống" của Bộ Nội vụ trong đề nghị sửa Luật Cán bộ, công chức không chỉ mang tính cần thiết mà còn là nền tảng tạo bước đột phá trong công tác quản lý cán bộ.
Theo ông Sơn, không thể phủ nhận rằng đề xuất này thể hiện một bước tiến lớn trong tư duy quản lý nhà nước bởi thực tế việc duy trì đội ngũ cán bộ, công chức ổn định trong một thời gian dài mà không có sự sát hạch và sàng lọc thực chất thường xuyên đã dẫn đến không ít hệ lụy.
Một số người làm việc không hiệu quả, né tránh trách nhiệm, thiếu năng lực đổi mới nhưng vẫn tồn tại trong bộ máy hành chính. Tình trạng "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", vốn được nhiều người nhắc đến, trở thành một căn bệnh kinh niên trong hệ thống hành chính nước ta.
Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả công việc mà còn làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền.
Do vậy, nếu thực hiện hiệu quả việc đánh giá sẽ đảm bảo rằng những cá nhân thực sự có năng lực, tâm huyết và sáng tạo được giữ lại và phát triển, và ngược lại với các trường hợp không đáp ứng yêu cầu.
Muốn làm được điều này, trước tiên mỗi cơ quan, tổ chức cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phù hợp, công khai với đặc thù công việc, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và khả thi. Công tác sát hạch không nên chỉ dựa vào các bài kiểm tra kiến thức lý thuyết mà cần kết hợp nhiều hình thức khác nhau để đảm bảo rằng những người có năng lực thực sự được ghi nhận.
Để tránh tình trạng tiêu cực và gian lận, ông Sơn đề nghị cần có cơ chế giám sát độc lập từ các tổ chức bên ngoài như các cơ quan kiểm toán, tổ chức xã hội hoặc hội đồng chuyên gia. Việc này không chỉ giúp đảm bảo tính công bằng mà còn tạo sự tin tưởng từ phía công chức và dư luận xã hội.
Quan trọng hơn, kết quả sát hạch không nên chỉ được sử dụng để loại bỏ những người không đạt yêu cầu mà còn cần được gắn kết với các cơ hội phát triển cho những người có năng lực. Cùng với đó, tạo một môi trường làm việc minh bạch, công bằng và có cơ hội phát triển sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.
Ông BÙI HOÀI SƠN
Nên kết hợp sát hạch và đánh giá cán bộ hằng năm
Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta rất đông và hằng năm đều có đánh giá về chất lượng công việc, kết quả hoạt động của cán bộ công chức tại mỗi cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, vẫn có những băn khoăn về việc đánh giá hằng năm như vừa qua, vì theo kết quả phân loại đánh giá thì cơ bản vẫn là cán bộ công chức hoàn thành tốt, còn không hoàn thành nhiệm vụ rất ít.
Từ đó, ông Dĩnh đề nghị nghiên cứu có thể kết hợp việc đánh giá hiện tại và sát hạch thường xuyên mà Bộ Nội vụ đang đề xuất.
"Dù có tinh gọn thì khối lượng cán bộ, công chức, viên chức của chúng ta rất lớn, nếu tổ chức sát hạch toàn bộ theo hình thức thi hằng năm sẽ khó. Nếu có xây dựng ngân hàng câu hỏi, thi trên máy cũng không đơn giản. Bởi nếu sát hạch phải thực hiện ở tất cả cán bộ công chức, kể cả lãnh đạo, quản lý.
Nhưng sát hạch như vậy sẽ thực hiện thế nào, nhất là khi sát hạch, cán bộ ở trên sẽ là giám khảo chấm người dưới trong khi người trên cũng thuộc đối tượng phải sát hạch thì ai sẽ sát hạch họ... Vì vậy nên nghiên cứu tích hợp việc sát hạch với đánh giá cán bộ, công chức hằng năm", ông Dĩnh đề xuất.
Đồng thời ông đề nghị nghiên cứu thay đổi phương pháp thực hiện cụ thể sát hạch kết hợp đánh giá như kiểm tra, khảo sát, thẩm định về hiệu quả, thành tích làm việc trong năm và tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác... của cán bộ công chức. Từ đó sàng lọc, phân loại từng nhóm cán bộ công chức.
Trong đó, với cán bộ công chức có năng lực tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có thể xem xét mức thu nhập cao, đề bạt bổ nhiệm...
Với cán bộ công chức có năng lực bình thường cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng. Còn với những cán bộ công chức năng lực quá yếu, sức khỏe, các điều kiện khác không đáp ứng được yêu cầu công việc thì phải loại khỏi bộ máy.
Ông nhấn mạnh thêm việc kết hợp này cũng sẽ là biện pháp hữu hiệu để khích lệ cán bộ, công chức hăng hái phấn đấu vươn lên và mang tính khách quan rõ rệt.
Với những tiêu chuẩn khách quan này sẽ tránh được tình trạng tùy tiện, chủ quan, lạm dụng quyền lực khi nhận xét đánh giá, khắc phục nạn ô dù thân quen, "sống lâu lên lão làng", "công chức suốt đời"... Đặc biệt còn là đòn bẩy để nâng cao hiệu suất công tác trong các cơ quan nhà nước.
Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh thêm cùng với đề xuất sát hạch phải xây dựng được mô tả vị trí việc làm với cán bộ công chức ở từng cơ quan, đơn vị. Khi có được mô tả vị trí việc làm sẽ giúp thấy rõ được người cán bộ công chức đó phải làm gì và xác định cụ thể các tiêu chí cụ thể để đánh giá, nhận xét chính xác xem người đó có tồn tại, đáp ứng được vị trí việc làm đó không.
Đồng thời vị trí việc làm chính là căn cứ quan trọng để trả lương, thu nhập tăng thêm, bố trí, bổ nhiệm... với cán bộ, công chức.
Cần khách quan từ thủ trưởng
Ông Tạ Công Dũng, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng muốn tìm được người giỏi thì việc quan trọng nhất thuộc về thủ trưởng từng đơn vị: dựa vào chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu công việc được giao, nhìn nhận khách quan cán bộ hoàn thành chuẩn chỉnh, nhanh và sáng tạo trong công việc. Đây là cơ sở rất quan trọng để sàng lọc cán bộ giỏi, cán bộ kém.
Tuy vậy, cũng cần khách quan từ thủ trưởng. Bởi thực tế có câu chuyện cán bộ giỏi, năng lực tốt được lãnh đạo giao rất nhiều việc. Với khối lượng đồ sộ thì sẽ có công việc không thể hoàn thành tốt. Nhưng họ thật sự giỏi, cần phải nhìn thấu đáo để giữ. Còn cán bộ kém, chỉ được giao 1-2 việc, có hoàn thành cũng không thể gọi là cán bộ giỏi được bởi thực tế năng lực giải quyết công việc không tốt.
Ông Dũng còn đưa ra kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc điều động, luân chuyển, sàng lọc cán bộ. Họ chọn những cán bộ trẻ, giỏi, có khả năng... và đưa về những vùng khó khăn nhất để "thử lửa". Sau 5 năm, nhà quản lý sẽ đánh giá vùng đó có phát triển kinh tế - xã hội được hay không, từ đây mới xác định đúng nhất người giỏi.
"Như vậy muốn tìm cán bộ giỏi phải đưa cán bộ đó trải qua thực tiễn. Đánh giá qua hiệu quả dựa trên sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đó. Đồng thời người cán bộ đó phải giải quyết tốt công việc được giao, người dân và đồng nghiệp tín nhiệm. Đây là thử thách quan trọng nhất để chọn lựa chính xác nhất", ông Dũng nói.
Cùng với đó, việc tuyển chọn đầu vào, cán bộ phải có năng lực, một số yếu tố nổi trội và đánh giá qua thực tiễn giao việc và định kỳ phân công cơ quan giám sát kiểm tra đánh giá. Ông Dũng cho rằng lâu nay cơ quan giám sát, đánh giá năng lực cán bộ vẫn chưa thật sự sát sao.
Trong bối cảnh vừa sắp xếp vừa sàng lọc tinh giản bộ máy, ông Dũng cho rằng việc đầu tiên phải làm để chọn cán bộ giỏi ở lại bộ máy là công khai, dân chủ, minh bạch. Đánh giá đúng người từ hiệu quả giải quyết công việc, số lần khen thưởng, tuyên dương và lắng nghe ý kiến của người quản lý nhân sự trực tiếp...
Nếu không làm tốt vấn đề này, quá trình tinh giản dù có chính sách tốt cũng không tránh khỏi việc những người có năng lực thật sự sẵn sàng ra ngoài. Như thế vừa mất cán bộ giỏi, vừa chọn không đúng người.
"Vì thế việc công khai, minh bạch, dân chủ rất quan trọng để đánh giá con người. Thậm chí những cán bộ có năng lực giỏi muốn ra ngoài mình cũng cố gắng giữ chân lại. Cái quan trọng nhất là phải tìm ra được những nhân tố tích cực. Lý thuyết, sách vở thì nhiều nhưng cái chính vẫn là minh bạch để sáng suốt chọn người tài", ông Dũng nhìn nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận