Một tình huống sát hạch bằng phần mềm mô phỏng
Từ ngày 14-6, sát hạch cấp giấy phép lái xe ôtô có thêm bài sát hạch mô phỏng tình huống giao thông trên máy vi tính.
Khi thực hiện bài sát hạch mô phỏng, người học sẽ xử lý 10 tình huống giao thông mô phỏng, được tổ hợp ngẫu nhiên từ 120 tình huống về giao thông trên đường phố, đường giao thông nông thôn, đường cao tốc, đường núi, quốc lộ và mô phỏng từ các vụ tai nạn giao thông điển hình trên thực tế.
Bài kiểm tra nhận thức mối nguy (Hazard Perception Test) đã được một số nước phát triển như Anh, Hà Lan, Úc đưa vào sát hạch cấp giấy phép lái xe và có hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông.
Có thể nói bài "sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông trên máy vi tính" thuộc dạng này là một tiến bộ trong sát hạch lái xe ôtô ở nước ta.
Nên quay thực tế hơn là mô phỏng
Khác với Việt Nam, các tình huống giao thông nguy hiểm dùng cho sát hạch của các nước không phải mô phỏng mà được quay trong thực tế như ví dụ ở hình trên. Trong trường hợp lái xe, một hình ảnh thực sẽ luôn tốt hơn mô phỏng: nhận ra dễ hơn và nhanh hơn nên sẽ phản ứng kịp thời hơn, thực hơn nên đáng tin hơn và do đó sẽ có tính giáo dục cao hơn.
Cái khác thứ hai là người học của các nước không biết trước toàn bộ mà chỉ được tập luyện (trên máy vi tính) với một vài tình huống sát hạch để biết cách làm bài. Mục đích của bài sát hạch này là để đo lường sự nhận thức, khả năng ra quyết định nhanh chóng và chính xác khi xuất hiện nguy hiểm trong giao thông. Khi biết trước, các học viên "chăm chỉ" có thể sẽ tập luyện đến mức "quen mắt, nhanh tay" với tất cả các tình huống, tuy nhiên, lại không có khả năng phát hiện mối nguy tốt trong thực tế giao thông.
Mặt khác, việc đối phó với tình huống nguy hiểm cuối cùng phải được thể hiện trên đường, bằng cả kiến thức - kỹ năng - thái độ của người lái xe, chứ không phải chỉ mỗi trên màn hình. Do đó, việc đào tạo và sát hạch "bằng phần mềm mô phỏng tình huống giao thông" phải đảm bảo tính hệ thống với lý thuyết và thực hành lái xe. Chẳng hạn, cùng với sát hạch nhận thức mối nguy, 30 bài thực hành lái xe của bang Nam Úc đều có các yêu cầu chi tiết về an toàn giao thông trong từng tình huống luyện tập. Đáng tiếc là điều này hiện nay vẫn chưa thể hiện trong quy định đào tạo, sát hạch lái xe mới của nước ta. Đây cũng là khác biệt thứ ba.
Một tình huống sát hạch nhận thức mối nguy của bang Nam Úc
Tình huống sát hạch phải hợp lý, chất lượng
Ngoài những vấn đề trên, tình huống được lựa chọn sát hạch còn phải hợp lý và có chất lượng. Chẳng hạn như không quá dễ để ai cũng làm đúng và cũng không quá khó để mọi người đều làm sai, hay kết quả phải khác biệt giữa người có và chưa có kinh nghiệm lái xe.
Để xây dựng bài kiểm tra nhận thức nguy cơ tại Thái Lan, các nhà khoa học đã lựa chọn 77 clip chứa tình huống xung đột giao thông, quay từ góc nhìn của người lái xe trên các con đường trong nước, để nghiên cứu với sự tham gia của 87 tài xế có kinh nghiệm và 48 tài xế mới, cả nữ và nam. Kết quả cho thấy 77 tình huống đều có tính nhất quán nội tại, nghĩa là phù hợp để kiểm tra và tài xế có kinh nghiệm nhìn chung làm tốt hơn tài xế mới. Cuối cùng, 30 tình huống tốt nhất được lựa chọn. Nghiên cứu này được đăng tải vào năm 2020 trên tạp chí danh tiếng Transportation Research Part F: Traffic Psychology and Behaviour, số 71.
Hiện chưa có thông tin nào tương tự về bài sát hạch mô phỏng của nước ta được công bố rộng rãi.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức sát hạch các bài nhận thức nguy cơ, lý thuyết, thực hành vào những thời điểm khác nhau, chứ không gộp chung một lần như nước ta. Điều này sẽ giảm áp lực tâm lý cho người học, giúp họ tập trung tốt vào một mục tiêu, do đó sẽ đạt được được kết quả tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận